Nhà thơ, nhà báo Phạm Khải (Báo CAND) - Giải C, Giải Báo chí Quốc gia 2014:

Mỗi cuộc thi đều có những yêu cầu, tiêu chí riêng

Thứ Hai, 22/06/2015, 08:08
Từ nhiều năm nay, gần như đã thành thông lệ, năm nào Báo CAND cũng có tác phẩm đoạt Giải thưởng Báo chí Quốc gia. Tại lễ trao Giải thưởng diễn ra tối 21/6, Thượng tá, nhà thơ, nhà báo Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND đã được vinh danh với giải C dành cho chuyên luận “Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ”. Ngay sau lễ trao giải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông.
- Xin chúc mừng nhà thơ, nhà báo Phạm Khải! Được biết, từ đầu năm tới nay, ít nhất cũng có tới 3 lần ông bước lên bục vinh dự nhận giải thưởng. Xem đó có thể thấy, ông là người khá có “duyên” với các giải thưởng…

+ Nói cho chính xác thì đây mới là lần đầu tiên tôi được nhận giải thưởng Báo chí Quốc gia. Các giải trước là giải văn học. Nói tôi có “duyên” với các giải thưởng - nếu đúng thì có lẽ đúng ở khía cạnh này: Từ trước tới nay, tôi hiếm khi gửi tác phẩm tham gia các cuộc thi. Tuy nhiên, khi đã gửi dự thi thì hầu hết đều… được giải. Có lẽ là do tôi đoán đúng được “gu” của Ban giám khảo chăng?...

Nói vui vậy thôi, theo quan điểm của tôi, cuộc thi nào - ngoài yêu cầu chung là tác phẩm phải hay thì đều có những yêu cầu, tiêu chí riêng, cụ thể. Đối với Giải Báo chí Quốc gia càng là như vậy. Nếu ta chịu khó tìm hiểu kỹ điều ấy - đặc biệt là với những tác phẩm từng được giải ở những kỳ trước đó - thì sẽ rút ra được những “đúc kết” mang tính qui luật, để rồi từ đó có sự lựa chọn tác phẩm dự thi sao cho phù hợp…

- Ông có thể nói kỹ hơn về điều này? Đặc biệt là khi soi chiếu vào tác phẩm được giải của mình?

+ Với Giải thưởng Báo chí quốc gia năm nay, ở phần thể lệ, Ban tổ chức cũng đã nêu rõ yêu cầu, đó phải là những tác phẩm “nêu được vấn đề mới, có tính phát hiện”, “có tính định hướng cao, thuyết phục, có tác động tích cực đến đời sống xã hội”. Tôi không dám nói tác phẩm dự thi của tôi đã đáp ứng được hết những yêu cầu này, song quả tình, với nội dung đề cập tới giá trị của bản Di chúc của Bác Hồ, bài viết của tôi ít nhiều cũng đem đến một góc nhìn mới.

Thượng tá, nhà thơ, nhà báo Phạm Khải.

Chúng ta đều biết, đến nay, xung quanh bản Di chúc bất hủ của Bác đã có rất nhiều bài viết phân tích giá trị nhiều mặt: Từ vấn đề xây dựng Đảng; việc thực hành dân chủ; khả năng dự báo tình hình; yếu tố giáo dục; bài học đạo đức; vẻ đẹp ngôn ngữ; tính nhân văn… v.v và v.v… Bài viết của tôi đặt vấn đề khác, và mừng thay, vấn đề ấy đã được thể hiện rất rõ ngay từ tít bài. Đó là “Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ”. Vâng, đạo lý chứ không chỉ là đạo đức. Cũng không phải là đạo lý chung chung, mà là “đạo lý Việt Nam”.

Mà đã nói tới hai chữ “Việt Nam” nghĩa là tôi có ý so sánh với những nước khác. Câu chuyện bắt đầu từ việc tôi tận mắt trông thấy bản Di chúc mà Bác trực tiếp đánh máy, đề ngày 15/5/1965, có chữ ký chứng kiến của Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Lê Duẩn. Về bản Di chúc của Bác, tôi đã đọc bản in trong các sách nhiều rồi, song đối diện với “bản gốc”, điều làm tôi thực sự ngạc nhiên, bất ngờ là có hai dòng chữ Bác viết tay thêm vào bản đánh máy. Một trong hai dòng chữ ấy là dòng “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Dòng chữ này được Bác chêm vào sau đoạn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Nghĩa là, trong quan điểm của Bác, tự phê bình và phê bình là việc làm rất cần thiết để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nhưng phê bình gì thì cũng phải xuất phát từ cái tâm, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây cũng chính là đạo lý của cha ông ta “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, xử sự “đạt lý” nhưng phải “thấu tình”.

Những dòng chữ Bác viết thêm đó khiến tôi càng nghĩ càng thấm thía, xúc động, nhất là khi đọc được dòng hồi ký của ông Vũ Kỳ - người thư ký riêng của Bác - cho biết: Sau một năm lấy bản Di chúc ra đọc lại, Bác chỉ thêm vào có một dòng như thế. Đó là thời điểm Bác vừa dự cuộc họp của Bộ Chính trị. Không phải đơn thuần Bác đưa thêm vào bản Di chúc một dòng như vậy. Nhìn rộng ra tình hình, bối cảnh trong nước và quốc tế khi ấy, ta càng thấy được ý nghĩa to lớn của lời dặn dò ấy. 

- Bài viết của ông có đoạn: “Bây giờ, nhiều tài liệu chính thống được công bố đã cho chúng ta thấy, từng có thời, tại một số nước cùng hệ tư tưởng với ta, đã có những vị lãnh đạo có lối sống kênh nhau, thậm chí, trong một số trường hợp, quan điểm chính trị còn không được thuận chiều với nhau. Vậy là, khi vị này lên, vị kia xuống, lập tức có người bị bôi nhọ, thậm chí còn bị phủ nhận tuốt tuột mọi công trạng trong quá khứ. Có trường hợp còn bị xử lý mạnh tay hơn. Điều đáng nói là chuyện đó xảy ra một cách phũ phàng, bạo liệt ngay trong thời điểm Bác viết bản Di chúc”. Cơ sở nào để ông đi đến kết luận này?

+ Đó là sự thật lịch sử. Như tôi đã nói, những tài liệu chính thống đã được công bố đủ cho ta thấy rõ điều đó. Chẳng lấy ví dụ đâu xa, cứ nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc: Năm 1966 là năm mở đầu cuộc “đại cách mạng văn hóa”, với việc hạ bệ, thanh trừng nhiều vị thuộc hạng “khai quốc công thần” bằng những biện pháp rất khốc liệt. Có người thậm chí đã  không bảo toàn được tính mạng. Điều này chắc chắn đã tác động nhiều đến suy nghĩ của Bác.

Có thể khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những học trò của Người, đã không để xảy ra tình cảnh tương tự như vậy giữa những người đồng chí với nhau. Chính đạo lý Việt Nam mà Bác là người thấm thía hơn ai hết đã ngăn chúng ta không có cách xử sự với nhau như thế. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang thực hiện việc “tự phê bình và phê bình” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI.

- Giải Báo chí Quốc gia năm nay, ở thể loại chuyên luận không có Giải A. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Điều đó phản ánh đúng tình hình thực tế. Theo nhận xét của đại diện Ban giám khảo, chuyên luận là một thể loại khó. Tôi cũng nghĩ như vậy. Nó không chỉ đòi hỏi ở các tác giả khả năng phát hiện vấn đề, mà còn cả khả năng khái quát để có thể nâng vấn đề lên thành bài học nhận thức chung, từ đó có thể đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Nói chung, những tác phẩm đúng nghĩa xuất sắc phải đáp ứng được tất cả những yêu cầu ấy. Mà, để làm được điều này đòi hỏi tác giả không chỉ có tư duy nhạy bén, mà phải có bề dày vốn sống, vốn hiểu biết và kinh lịch việc đời. Đây quả là một “bài toán” với các cây bút trẻ. Chính bởi vậy mà so với thể loại phóng sự, ít tác giả trẻ tham gia viết bài và thành công ở thể loại chuyên luận. Tôi nhớ, không chỉ ở mùa giải 2014 này, đâu mà ở mùa giải 2012, 2011, 2010… thể loại chuyên luận cũng không có giải A.

- Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Cảnh Vũ (thực hiện)
.
.
.