“Mỏ vàng” M. Sharapova

Thứ Ba, 21/06/2005, 07:27

Sinh năm 1987, ở Siberi xa xôi và hẻo lánh, Maria Sharapova hiện là tay vợt nữ hàng đầu thế giới với tiền thù lao thi đấu, quảng cáo tăng theo cấp số nhân. Chỉ trong vòng vài ba năm "tham chiến", Maria đã có tới hơn 20 triệu USD.

Chiến thắng bất ngờ ở giải Wimbledon năm 17 tuổi đã mở ra trước Maria mọi cánh cửa bước vào giới thượng lưu thể thao quốc tế. Cô cũng trở thành đối tượng săn lùng hàng đầu trong quảng cáo của hàng loạt đại gia kinh tế như Nike, Canon, Colgate, Palmolive, Motorola... Một loại nước hoa đặc biệt mang tên cô sẽ được tung ra thị trường vào mùa thu năm nay.

Trước khi có được những gì đang có, Maria đã phải trải qua 12 năm luyện tập "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mỗi ngày 6 giờ, những chuyến đi liên tục và phải chối bỏ tất cả những gì mà người đời vẫn gọi là một tuổi thơ thông thường.

Maria được may mắn sinh ra trong một gia đình Nga tạm gọi là có của ăn của để nên sớm biết chơi tennis. Năm lên 6 tuổi, cô bé Maria đã làm quen được với Martina Navratilova, tay vợt nữ huyền thoại người Czech, ở Học viện tennis Moskva. Xem Maria chơi tennis, Martina khuyên cha cô cho con gái luyện tập một cách chuyên nghiệp. Và thế là người cha đã đưa Maria sang "thánh địa quần vợt" Florida ở Mỹ "tầm sư học đạo". Nơi họ chọn là Viện hàn lâm tennis của Nic Bollettieri, nơi từng cho "xuất xưởng" những tay vợt kiệt xuất như Andre Agassi, Monica Seles, Pete Sampras... Tuy nhiên, vì Maria khi đó còn quá bé nên cô đã không được nhận vào. Năm 1995, Maria trở lại Học viện Bollettieri. "Cô bé có sự tự tin rất ngây thơ và luôn cho rằng mình có ưu thế rõ rệt" - Bollettieri nhớ lại.

9 tháng học với Bollettieri có giá 46 nghìn USD. Tuy nhiên, Maria sau khi trình diễn thử đã được hãng IMG, đang sở hữu Học viện, cấp cho học bổng toàn phần.  Con mắt tinh đời của những ông bầu ở IMG đã phát hiện ra ở cô bé Nga một "mỏ vàng" của tương lai. Và họ bắt tay vào việc đào tạo cô thành ngôi sao có thể "hái ra tiền" sau này.

Thoạt đầu, ê kíp của Bollettieri huấn luyện Maria. Rồi việc này được giao cho Robert Lansdrop, người từng đào tạo nên Sampras. Tuy nhiên, giờ đây thì Bollettieri lại nói: "Thực ra, Maria chỉ có một huấn luyện viên thôi, đó là cha cô, ông Yuri!"  Người cha quả thực đã bỏ hết mọi công việc khác để dành trọn vẹn thời gian và sức lực cho việc bồi dưỡng con mình thành một ngôi sao tennis.

Năm 11 tuổi, Maria chính thức ký hợp đồng với hãng IMG. Năm 13 tuổi, cô đã giành được chiến thắng đầu tiên trong cuộc thi dành cho các tay vợt nữ ở lứa tuổi 16. Hai năm sau, Maria trở thành tay vợt nữ ít tuổi nhất lọt vào vòng chung kết giải mở rộng Australia dành cho lớp trẻ.  Năm 2003, cô bé 16 tuổi Maria giành được chiến thắng đầu tiên trong giải người lớn ở Nhật Bản. Hai tháng sau, cô ký tên vào bản hợp đồng làm ăn đầu tiên: Quảng bá cho sản phẩm của NEC tại Nhật Bản trong một năm.

Cho tới thời điểm đó, IMG đã đầu tư vào Maria gần 500 triệu USD và gần như là chưa thu lại được đồng  nào. Họ dự tính tới năm 19 tuổi, khi Maria giành được thắng lợi ở những giải quốc tế hàng đầu thì mới tung cô vào những hợp đồng thật béo bở. Tuy nhiên, tới năm 18 tuổi, Maria đã vô địch tennis nữ ở Wimbledon. Truyền hình quay cảnh nhà vô địch trẻ gọi điện thoại di động cho mẹ báo tin mừng. Đại diện IMG liên lạc với hãng Motorola: Máy di động của Maria không phải của Motorola, nhưng rất có thể là cô sẽ dùng hàng của hãng này. Một tháng sau, Maria ký hợp đồng với Motorola, có giá 1 triệu USD một năm. Đây cũng là hợp đồng đầu tiên trong vòng 10 năm qua của Motorola ký với một ngôi sao.

Một ngày sau khi giải Wimbledon kết thúc, người cha của Maria cùng hai nhân viên đã ngồi cùng nhau nghiên cứu lịch làm việc cho tương lai trong điều kiện mỗi năm Maria chỉ được dành cho các nhà tài trợ 3 tuần. Sau đó, họ ký liền 10 hợp đồng. Một số nguồn tin cho rằng, những bản hợp đồng này mang lại cho Maria từ 15 tới 10 triệu USD một năm.

Có danh thì tất có lợi. Maria mới đây đã được xếp vào danh sách 100 nhân vật có thế lực nhất trong làng văn hóa thể thao giải trí. Việc của cô bây giờ là phải tiếp tục chiến thắng

Nguyễn Thu Phương
.
.
.