Mèo trong văn hóa của các quốc gia

Thứ Tư, 02/02/2011, 10:36
Suốt 3.000 năm qua, kể từ khi lần đầu tiên được người Ai Cập cổ đại tôn sùng là con vật thiêng, mèo đã chiếm vị trí quan trọng trong nền văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Điều đó có lẽ do mèo là sinh vật còn nhiều bí ẩn!

Ở nước ta, theo các nhà nghiên cứu, mèo nhà (Felis Catus) chỉ mới được nuôi từ khoảng vài trăm năm trước công nguyên, tức vào cuối thời đại Hùng Vương - Thục Phán, mèo mới có mặt trong những ngôi nhà của người Việt và trở thành vật nuôi thân thiết, gắn bó với mọi gia đình.

Vào thời hoàng kim của nền văn minh Ai Cập, cách đây 3000 năm, mèo là loài gia súc phổ biến và đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm hội họa ở lăng mộ Ai Cập. Dần dần, mèo đã trở thành một trong những vật nuôi linh thiêng nhất ở Ai Cập. Khi một trong các con mèo linh thiêng ở Ai Cập cổ đại chết, thân thể của nó được ướp rồi được bọc vải và đặt trong một ngôi mộ đặc biệt. Thế kỷ trước, các nhà khảo cổ học khai quật các ngôi mộ này và họ đã tìm thấy hàng triệu xác mèo chết chồng lên nhau.

Vì mèo được coi là thiêng liêng nên chúng thường được sử dụng để trang trí đồ trang sức, như chiếc nhẫn bằng vàng và mã não hồng ở Ai Cập. Sự sùng bái mèo ở Ai Cập đã lên đến đỉnh cao với việc thờ phụng nữ thần đầu mèo, thường được thể hiện dưới dạng một phụ nữ đầu mèo. Nữ thần thường cầm một dụng cụ âm nhạc là đàn rung và một cái mộc có hình đầu sư tử cái. Nữ thần là biểu tượng của hạnh phúc và sự đầm ấm. Vậy mà ở nhiều nước châu Âu, biết bao con mèo đã bị giết hại dã man vào cuối thời Trung cổ, vì người ta nghĩ rằng chúng liên quan tới phép phù thủy.

Đám cưới chuột - Tranh dân gian Đông Hồ.

Vào khoảng những năm 1400 đến 1700, mèo thường được coi là "kẻ tâm phúc" của mụ phù thủy - là mối liên lạc giữa mụ ta với ma quỷ. Tại các quốc gia này, người ta cho rằng phù thủy cũng có khả năng  biến thành mèo nếu muốn. Vì thế, trong thời kỳ này mèo bị sát hại khá nhiều. Đã có những cuộc thiêu sống hàng loạt mèo tại nhiều nơi ở châu Âu, mới đây nhất có lẽ là ở thành phố Metz thuộc Pháp.

Dẫu vậy, trong thời đại hiện nay các chú mèo đã có mặt trong phim trinh thám. Erust Blofeld, kẻ thù không đội trời chung của điệp viên James Bond luôn có một con mèo trắng Ba Tư bên mình mỗi khi đối diện với Bond. Còn ở miền Nam nước Pháp, đã lan truyền một niềm tin phổ biến vào các con mèo có phép lạ được gọi là Matagot khiến nó nổi tiếng nhất trong số các câu chuyện "Chú mèo đi hia" do Charles Perrault sáng tác. Chú mèo này khôn khéo tới mức đã kiếm được cho chủ nó một gia tài và một nàng công chúa làm vợ. Còn ở nước Nga, mèo chiếm một vị trí nổi bật trong các câu chuyện cổ tích của nước này.

Tương tự ở Nhật Bản, trong các truyện thần thoại, mèo được coi là vật có khả năng biến thành các thần linh siêu đẳng khi chúng chết. Có lẽ nguyên do là theo Phật giáo, thân thể mèo là nơi trú ngụ của hồn vía của người rất linh thiêng. Nói chung ở các nước phương Đông, số phận của mèo dễ chịu hơn nhiều. Ngoài biển, mèo được trọng vọng chỉ vì chúng không những giết chuột trên tàu thủy, mà còn nhiều thủy thủ tin rằng mèo có thể dự báo được cơn bão tố.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, nhà văn Tô Hoài, là bậc thầy về truyện loài vật; trong tác phẩm "O chuột" ông đã viết về con mèo bằng những dòng thật sinh động: "… Mèo lừ đừ và nghiêm nghị tựa một thầy giáo nhà dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào hắn cũng ra vẻ nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm. Có phải thế chăng, hỡi các gã lù đù và nghiêm nghị kia? Gã lại làm ra vẻ khó hiểu hơn. Nhưng cái vẻ ngoài chưa đủ nói rõ được bề trong của con người ta. Biết đâu mèo ta không khó chịu như mình tưởng. Mà vốn hắn lại lành hiền cũng nên".

Còn cụ Nguyễn Công Trứ, nhà thơ lớn, người làm quan đại thần dưới triều Nguyễn. Cụ đã kinh qua các chức vụ lãnh đạo từ Tổng đốc, Đại tướng, Thượng thư Bộ binh đến Thừa Thiên Phủ doãn… Bất cứ ở cương vị cụ cũng được nhân dân tin yêu, kính trọng, nhưng thường bị bọn Lý Miêu trong triều ghen ghét, gièm pha, làm cụ bao phen điên đảo. Năm lần bị cách chức, giáng chức, có lần bị án "trảm giam hậu", lần khác bị đày xuống làm lính thú ở Quảng Ngãi. Và tương truyền, cụ đã gửi gắm tâm sự của mình qua câu đồng dao: "Con mèo nằm bếp lo xo/ Hay ăn mà lại ít lo, ít làm/ Con ngựa đi Bắc về Nam/ Ít ăn mà lại hay làm hay lo"... "Con mèo nằm bếp" này được ông đề cập để ám chỉ những tên Lý Miêu, mà bất cứ thời nào cũng có trong xã hội

Quang Phú - CAND Xuân Tân Mão 2011
.
.
.