“Mẹ ơi! Cây lúa của con ơi!”

Thứ Hai, 13/11/2006, 09:02

"Trái tim người mẹ là trường học của đứa con" - đó là nhận xét của mục sư Mỹ Lyman Beecher (1775-1863), người từng đấu tranh rất nhiệt thành cho công cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ. Đó cũng thực sự là chân lý không cần bất cứ một sự chứng minh nào. Các cụ ta cũng từng nói rồi,  "phúc đức tại mẫu".

Chính người mẹ đã quyết định về công việc tương lai của các con trai. Một công trình nghiên cứu từng được đăng trên tạp chí Pháp "Lire" đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng về vai trò tối thượng của người mẹ trong việc con trai mình sau này chọn nghề văn. Tất cả các nhà văn bằng cách này hay cách khác đều cố gắng trong các cuốn sách đối thoại với mẹ mình, tranh luận, bày tỏ tình yêu, hay thậm chí là "trả thù" vì những vụ việc đã tạo nên cảm giác bị xúc phạm thời thơ ấu.

Hình ảnh người mẹ dù hay hay dở cũng đều ám ảnh ngòi bút của các con trai họ. Và dẫu thế nào cũng không thể phủ nhận công lao của các bà mẹ trong việc con trai họ đã trở thành nhà văn: Một số làm vậy để chiều ý mẹ mình, số khác - để cưỡng lại ý mẹ mình! Nhiều nhà văn cho tới ngày sau cuối trên cõi đời, trong sâu thẳm cõi lòng vẫn luôn là những cậu bé, cố gắng tìm chỗ dựa và niềm an ủi ở người phụ nữ đã từng sinh ra họ. Lời cuối cùng mà nhà văn Anatole Prance (1844-1924) nói khi hấp hối là "Mẹ ơi!".

Nhà văn lớn Albert Camus (1913-1960) bắt đầu viết văn là để biểu lộ những ý nghĩ và tình cảm đối với mẹ mình, một phụ nữ thất học, khiếm thính. Văn hào Gustave Flaubert (1821-1880) rất sùng bái mẹ mình và đã dành cho bà những dòng tràn trề hứng khởi nhất. Marcel Proust (1871-1922) đã dành hàng nghìn trang sách cho mối quan hệ kỳ diệu và cảm động giữa ông với mẹ mình....

Ngay cả khi không trở thành nhà văn chuyên nghiệp thì những ký ức về mẹ vẫn có thể giúp chúng ta có những phút thăng hoa và viết nên những câu chữ ấn tượng. Tôi đã vẩn vơ nhớ lại những điều trên khi nhận được bài thơ tặng mẹ mới nhất "Mẹ ơi! Cây lúa của con ơi!" của người bạn trong lực lượng CAND, Thượng tá Dương Tự Trọng, hiện đang làm việc ở Hải Phòng. Dương Tự Trọng rất tha thiết công bố bài thơ mà anh đã viết tặng mẹ anh. Dường như khi nghĩ về mẹ mình, tâm hồn rắn rỏi của người Cảnh sát hình sự dày dạn và quả cảm, từng lập nhiều chiến công đã chùng lại và thật thà đến cảm động. Có lẽ chính những suy tư đằm thắm về người mẹ đã giúp cho Dương Tự Trọng giữ được niềm tin vào những sự tốt đẹp, tử tế trên cõi thế sau vô số lần phải lao mình vào những trận chiến sát sàn sạt với cái ác, cái xấu, cái thô bạo ở đời. Biết nhiều mảng tối nhưng vẫn nhân văn và yêu con người, đó là việc không hề dễ dàng chút nào. Dương Tự Trọng đã làm được điều này vì trong trái tim anh luôn cháy được ngọn lửa tình yêu mà ký ức về người mẹ đã thắp lên.

Bài thơ của Thượng tá Dương Tự Trọng như sau:

"Mẹ ơi! Cây lúa của con ơi!
Còng lưng trĩu hạt góp nắng trời
Chắt từng giọt sữa, từng giọt sữa,
Nuôi dưỡng cho con
sớm nên người.

Nhà tranh, mái rạ đẫm mồ hôi,
Rơm óng, đêm đông đệm trải rồi.
Vỏ trấu, than hồng ran vách đất
Lời ru, tro lửa giấc mơ cười.

Năm lại qua năm, con mải xa,
Nắng về với lúa, mẹ nhanh già.
Mắt mờ, da bạc màu gốc rạ,
Ước gì! Mãi ở cạnh mẹ ta
..."

Có thể nhận xét theo nhiều cách về bài thơ này. Riêng tôi, tình cảm của Dương Tự Trọng làm tôi xúc động. Câu đầu tiên của bài thơ giản dị nhưng thực sự sâu sắc: "Mẹ ơi! Cây lúa của con ơi!". Cây lúa không chỉ nuôi sống chúng ta mà còn dung dưỡng cho tâm hồn chúng ta những bài học nhân tình muôn đời không cũ. Đọc thơ của Dương Tự Trọng, tôi bất giác lại nhớ tới một bài thơ nhỏ viết về nhánh lúa của nhà thơ Bỉ Jean Dipreo mà tôi đã dịch:     

"Dạy những con đường
vươn thẳng

tất cả dịu dàng
hiến dâng cho gió

vươn tới con người
những chùm hy vọng

và thấy
trong lưỡi liềm xao động
ánh sáng thân thương
của bánh mì ấm áp
..."

.
.
.