Vũ kịch "Chuyện tình non sông" đến với khán giả trẻ:

Mãi sáng ngời lòng thủy chung son sắt

Chủ Nhật, 07/12/2014, 11:32
Sau nhiều kế hoạch lớn như công diễn hai đêm lần đầu tiên phiên bản đầy đủ của vở nhạc kịch “Cây sáo thần”, vở ba lê cổ điển “Kẹp hạt dẻ”, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ đưa vở vũ kịch "Chuyện tình non sông" đến với khán giả trẻ vào ngày 9/12 tại nhà hát TP Hồ Chí Minh.

Nằm trong khuôn khổ chương trình Giai điệu trẻ thường kỳ mỗi tháng, việc đưa vũ kịch "Chuyện tình non sông" trở lại sân khấu là một trong những hoạt động nhằm quảng bá các tác phẩm đoạt giải thưởng VHNT TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh.

"Chuyện tình non sông" kể về mối tình chung thủy của đôi trai gái trong thời chiến tranh. Năm 1945, Trí, anh bộ đội Vệ quốc quân từ Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc. Cuộc sống chiến đấu gắn bó với miền quê Nam Bộ đã cho anh nhận được tình yêu của Tư Nghĩa, cô du kích Bến Tre. Người con trai được họ đặt tên là Kiệt như là một sự gửi gắm của miền đất anh hùng. Năm 1954, sau khi đưa chồng con ra Bắc tập kết, bà Tư Nghĩa cùng “đội quân tóc dài” đã góp phần làm nên cuộc Đồng Khởi vang dội cho một cuộc chiến đấu mới chống Mỹ cứu nước. Ở ngoài Bắc, Kiệt đã trưởng thành và trở thành đồng đội của cha. Trước sự hy sinh của ông Trí trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, Kiệt quyết chí lên đường vào Nam chiến đấu, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình.

Cảnh trong vở vũ kịch "Chuyện tình non sông".

Sống, chiến đấu trên vùng đất thép Củ Chi, Kiệt có được hạnh phúc gia đình cùng Út Linh với sự vun đắp của dân làng. Đúng lúc Kiệt hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu ác liệt thì dưới địa đạo, đứa con trai của Kiệt - Linh cất tiếng khóc chào đời. Dân làng đặt tên cho cậu bé là Tân với niềm hy vọng của quê hương. Năm 1975, đất nước thống nhất. Sau khóa học ở nước ngoài về, Tân trở thành kỹ sư công tác trên đường Trường Sơn - nơi đã mang đậm dấu ấn của ông. Trên những chặng đường kháng chiến năm xưa, một công trình mới tiếp tục nối liền tình nghĩa Bắc - Nam trong sự nghiệp đổi mới và dựng xây đất nước.

Thông qua vở vũ kịch, tình nghĩa Bắc - Nam ruột thịt đã được thể hiện từ đời ông cha đến đời con cháu và chuyện tình của những người chiến sĩ luôn hòa quyện cùng chuyện tình lớn lao của non sông và dân tộc. Dù kẻ Nam, người Bắc nhưng họ vẫn giữ trong lòng sự son sắt, thủy chung. Tình yêu ấy được truyền qua 3 thế hệ cha mẹ, ông bà, con cháu cho đến khi đất nước thống nhất...

N.H - N.T.
.
.
.