Mai này còn ai viết tay?

Thứ Sáu, 25/02/2011, 07:27
Vào thời buổi mà thư từ, giấy má đều được thảo ra và gửi đi một cách chóng vánh và dễ dàng trên máy tính, không ai phủ nhận sự tiện lợi của chat, email, fax hay SMS. Tuy nhiên đang có nguy cơ mất dần một nét văn hóa: viết bằng tay.

Loài người cần hơn 4000 năm để sáng tạo và hoàn thiện chữ viết, vậy mà chỉ hơn hai thập niên cuối của thế kỷ XX đã "đóng góp" đáng kể vào việc xóa bỏ thói quen viết tay. Ngày hôm nay, ngay cả chữ viết của con người cũng bị "toàn cầu hóa" đến từng cái dấu phẩy. Chẳng hạn như thế giới dùng font TimeNewRoman, Việt Nam chúng ta từ VNTime cỡ 14 nay cũng dần chuyển sang TimeNewRoman cỡ 14 cho "hội nhập" về mặt giấy tờ. Có nơi chỉ là quy ước chung, có nơi quy định cụ thể bằng văn bản, chứng tỏ đây là một trong những "chuẩn" của cuộc sống hiện đại.

Không thể phủ nhận rằng, khả năng viết tay và thể hiện chữ viết của con người ngày một kém dần, trên cả hai phương diện: cách viết và công cụ để viết. Trong khi máy tính, điện thoại di động và fax nhanh hơn bất cứ bàn tay nào, nét chữ viết tay không còn là phương tiện chính thức để soạn thảo văn bản nữa. Nhưng nó hàm chứa những thông tin mà máy móc không bao giờ thay thế được. Đại văn hào Goethe từng nhận xét: "Chữ viết thể hiện tư cách và tâm tính của người viết". Người Việt Nam thì nói giản dị hơn: "Nét chữ nét người".

Chẳng vậy mà có môn bói chữ, chỉ nhìn vào dòng chữ ký có thể đoán ra khá chính xác chủ nhân của nó là người rụt rè, nhút nhát hay mạnh mẽ, quyết đoán… Người Trung Hoa còn nâng viết chữ lên thành nghệ thuật thư pháp với nhiều lối viết thành trường phái hẳn hoi. Trong một số cuộc thi lớn, như cuộc thi "Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của chúng ta diễn ra thời gian gần đây, những bài thi viết tay hàng vài trăm trang luôn được nhắc đến với sự trân trọng, dẫu không được giải nhất nhì thì cũng được trao giải về sự công phu chuẩn bị. Hay là ở những cuộc tuyển dụng quan trọng, bao giờ ứng viên cũng được yêu cầu nộp đơn xin việc viết tay. Thậm chí ngành Công an còn có cả khoa học hình sự về giám định chữ viết để kết tội ai đó. Có thể thấy chữ viết chính là con người, là một dạng "dấu vân tay" về văn hóa. Tuy nhiên "con người trong chữ viết" đang có nguy cơ bị mai một bởi những bộ font mà chiếc máy tính nào cũng có.

Cho đến thời điểm người châu Á dùng bút lông làm từ lông mèo hay bờm ngựa để viết mực Tàu, còn châu Âu dùng lông ngỗng chấm vào lọ mực để viết thì bộ chữ viết của nhân loại đã tương đối hoàn chỉnh. Mãi đến năm 1888, giáo viên người Mỹ George Parker sáng lập ra hãng bút máy Parker (loại bút không phải chấm mực liên tục) nổi tiếng đến tận ngày nay. Thời điểm đó đánh dấu cuộc "toàn cầu hóa" lần thứ nhất về công cụ để viết - cây bút máy. Những năm đầu thế kỷ XX, cây bút máy bắt đầu chiếm lĩnh trên bàn viết. Ngày nay, hãng Parker chỉ sản xuất hạn chế những chiếc bút làm quà tặng có đính đá quý hoặc mạ vàng giá tới 20.000 USD, còn doanh số bán các loại bút thông thường đang điêu đứng vì số người dùng ngày một ít đi, tên tuổi bút Parker cũng không còn rực rỡ như trước.

Cuộc "toàn cầu hóa" lần thứ hai về cây bút là năm 1953, người Mỹ phát minh ra bút bi. Nó trở thành loại công cụ để viết đầu tiên được con người mang vào vũ trụ. Có câu chuyện vui kể rằng, trong giai đoạn chiến tranh lạnh, người Mỹ phải đau đầu và tốn kém hàng trăm nghìn đôla nghiên cứu chế tạo loại bút bi cho các phi hành gia có thể viết nhật ký trong tình trạng không trọng lực mà mực không bị bay lung tung ra ngoài. Người Nga giải quyết chuyện này đơn giản hơn: Trong vũ trụ, họ viết nhật ký bằng bút chì.

Từ khi ra đời, bút bi làm cuộc lấn át bút mực một cách rầm rộ và khá hiệu quả vì tính tiện dụng trong nhiều môi trường khác nhau. Tuy nhiên bút bi vẫn không thể vượt bút máy về độ sang trọng khi người ta dùng để ký kết các văn bản quan trọng. Phần mềm soạn thảo văn bản Microsoft Office ra đời năm 1991 được người ta đánh giá là cuộc "toàn cầu hóa" lần thứ ba về công cụ viết. Và lần này tình hình xem ra bi quan với những người hoài cổ về văn hoá viết tay.

Ở nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám, phong trào "Diệt giặc dốt" do Bác Hồ khởi xướng đưa cả dân tộc vào một cuộc học tập sôi nổi. Trong phong trào bình dân học vụ, cây bút ngòi lá tre do người Pháp mang đến Việt Nam trở nên thân quen với mọi người. Viết loại bút này phải chấm mực trong lọ vì ngòi bút chỉ chứa được vài giọt mực. Bút máy cũng xuất hiện nhưng chỉ rất ít người có, đa số là bút của Pháp và của Trung Quốc sản xuất. Mãi đến thập niên 60, bút máy Trường Sơn do nước ta sản xuất mới ra đời và được yêu quý đến mức đi vào thơ vè mà học sinh nào cũng thuộc: "Mực Cửu Long in dòng tâm sự/ Bút Trường Sơn tôi viết trang thơ".

Về sau có thêm bút máy Hồng Hà của Việt Nam, bút Kim Tinh của Trung Quốc cũng khá nổi tiếng. Cho đến hôm nay, những chiếc bút máy phải ngậm ngùi nhường chỗ cho bút bi với đủ chủng loại, kiểu dáng, màu sắc. Nhiều khi người ta cũng chẳng quan tâm xem mình đang dùng bút bi của hãng nào, nội hay ngoại. Nhất là khi viết bằng bút máy thì bao nhiêu tâm tính của người viết đều dàn ra mặt giấy, khác hẳn với người anh em họ hàng tên là bút bi: thuận tiện đấy, sạch sẽ đấy nhưng vẫn trơ trọi vẻ lạnh lẽo của kỹ thuật. Có vẻ như bút bi đang thống trị 100% trên các bàn viết từ trong trường học đến bàn làm việc và trên ngực áo… Nhưng rồi đây, bút bi sẽ phải lùi chỗ vì laptop, rồi netbook, máy tính bảng, điện thoại smartphone, công nghệ 3G… giá cứ hạ dần trong khi tốc độ làm việc của máy tính cứ tăng gấp đôi sau mỗi sáu tháng, khả năng soạn thảo ngày một hoàn hảo hơn.

Những nét chữ của hai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm cũng khiến chúng ta thêm xúc động về một phẩm chất tốt đẹp của họ, thêm một lần cảm nhận về con người thông qua chữ viết. Thế nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận, đã qua rồi cái thời "nắn nót dòng chữ trên trang giấy thơm", đang trôi qua cái thời vở sạch chữ đẹp. Người viết bài này dẫu đang hoài cổ về văn hóa viết tay, nhưng rốt cuộc vẫn phải cậm cạch thể hiện suy nghĩ của mình trên những bàn phím lạnh ngắt. Vì không gửi bằng file qua email thì chẳng tòa soạn nào chịu đăng, và vì các biên tập viên ngày nay đâu thích thú gì mấy bài viết tay nữa

Lê Phương Dung (Văn nghệ Công an số 146)
.
.
.