Viết về nhà văn Lê Tri Kỷ

Mãi đồng hành với hình tượng đẹp người chiến sĩ Công an

Thứ Năm, 28/08/2014, 14:38
Nhà văn Lê Tri Kỉ, tức Nguyễn Duy Hinh sinh năm 1923, tham gia cách mạng và vào Công an từ tháng 8/1945. Suốt cuộc đời hoạt động, ông công tác trong ngành Công an. Là một cán bộ lãnh đạo, thông minh mẫn cảm, giàu suy tư, cảm thông với các đồng đội và thấu hiểu những tình huống éo le trong nghề nghiệp, lại vốn là một trí thức yêu văn chương, việc cảm khái cầm lấy bút để suy tư, để tâm sự, để ghi nhớ và giải tỏa với ông nó tự nhiên như một nhu cầu.

Trong hội thảo văn học về đề tài “Vì an ninh quốc gia và bình yên cuộc sống” lần thứ II tại hội trường Hội nhà văn Việt Nam, nhà nghiên cứu văn học - PGS TS Đinh Xuân Dũng đã nói, trong quá trình đọc các tác phẩm của nhiều tác giả viết thành công về cuộc đấu tranh thầm lặng bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự xã hội, ông đã dừng lại ở những truyện ngắn của nhà văn Lê Tri Kỉ. Đối với ông, đó là “một sự phát hiện, một cảm nhận mới. Lê Tri kỉ sâu sắc mà bình thản, rất nhân văn mà nhẹ nhàng từ tốn không hề lên gân lên cốt, rất Công an mà chẳng có gì là trinh thám. Ông thực sự viết về cuộc đời, suy ngẫm về con người, khám phá về “ông thiện, ông ác”, cái cao cả và thấp hèn trong con người thông qua sự từng trải nghề nghiệp riêng công tác trong ngành Công an của ông và của bạn bè, đồng nghiệp”.

Đúng như vậy, các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Lê Tri Kỉ được xây dựng trên cơ sở những con người bình dị trong những cảnh đời bình thường qua các giai đoạn của cuộc sống thường nhật trong xã hội chúng ta đang sống. Vì vậy tác phẩm của ông là tác phẩm tâm lí xã hội trong nền văn học hiện thực Việt Nam. Những nhân vật trong các tác phẩm văn học của ông bao gồm nhiều tầng lớp trong xã hội, nổi bật lên là những đồng chí, đồng đội gần gũi gắn bó với đời công tác của ông. Có thể nói, Ông đã dành nhiều tâm huyết gửi gắm nhiều tình cảm và kì vọng trong khắc họa, tái hiện hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trong hai cuộc kháng chiến và một thời xây dựng đất nước.

Trong truyện ngắn “Mụ Quới” ông viết:

“Cách mạng thành công chưa tròn hai tháng thì Việt minh ở Quảng Trị rút một số cán bộ về thay thế khung bộ máy cai trị cũ. “Thế là, đang làm bí thư “Thanh niên cứu quốc” một huyện miền núi, tôi được điều về tỉnh, làm luôn… Cảnh sát trưởng”. Như một lời tự sự của tác giả nhưng nó điển hình cho rất nhiều những lớp thanh niên xếp bút nghiên đi làm cách mạng, và trở thành Công an. Mụ Quới là một lưu manh sống bằng ăn cắp vặt và đòi nợ thuê nổi tiếng lì lợm, bị dẫn tới Công an cùng với mụ Doàng, một người lai, tố cáo bị mất cắp con gà ngoài chợ.

May khi đó bác Nhạ, một cảnh sát cũ từ thời Pháp được lưu lại để làm phó giúp cho “tôi” nắm dần công việc, đi tuần trở về.

Chỉ trông thấy viên cảnh sát cũ, mụ Quới đã co dúm vào góc nhà. Thế là màn “kẻ cắp gặp đội xếp” diễn ra trước người Cảnh sát trưởng cách mạng.

“… bác với tay lên nóc tủ, thờ ơ cầm lấy cây roi…

Bác Nhạ bước từng bước chậm rãi đến bên mụ Quới, rồi bất thình lình vung tay lên! Cây roi quất xuống tới tấp, mạnh như đường gươm ! Mụ Quới đưa lưng ra đỡ để tránh bị quất vào mặt, lại đưa vai ra đỡ để tránh bị quất vào lưng nhưng vẫn không kêu oan một tiếng.

Tôi nổi gai tận mắt cá chân. Nhảy vội đến giữ tay bác Nhạ lại, tôi run run vì nhục hơn vì giận:

- Không được làm thế !

- Con này chỉ đòn mới nhận !

… Tôi lúng túng nhìn mụ Quới, trong bụng cứ mong mụ chạy đi. Nhưng mụ hình như quá quen những cảnh này nên càng cuộn gọn như con sâu vào góc tường… Cái bản năng hung dữ của bác Nhạ hiện dần ra, làm cho tôi cảm thấy ghê ghê, không “chính sách” như ngày thường nữa. Tôi kéo cánh tay hộ pháp của bác ta xuống, gắt:

- Bằng chứng đâu ?

- Không bằng chứng mới phủ đầu ! 

“Ra phép nhà nghề là thế”… Tôi chưa kịp nghĩ hết, thì một đường roi hiểm độc quất xuống nhanh đến nỗi tôi không kịp nhận ra lúc nào và đánh trúng chỗ nào. Chỉ thấy mụ Quới kêu lên một tiếng đau đớn và ngã ra giữa nền nhà, rãy rụa như con lươn phải muối.

Nước mắt tôi bỗng trào ra, đồng thời một cơn giận dâng lên đến từng sợi tóc. Dồn hết sức lực vào hai cánh tay, tôi đẩy bác Nhạ một cái rõ mạnh làm bác ngã dúi về phía sau, xô cái bàn giấy nặng nề lùi tận vách. Tôi quát lên :

- Đồ dã man ! Chế độ này không có thế !

“Chế độ này”... đó là ba tiếng cán bộ dân vận chúng tôi thời ấy quen dùng, nhưng với bác Nhạ, tôi chưa lần nào nói ra một cách thẳng tuột như vậy để tránh cho bác những sự liên hệ phiền phức về lịch sử”.

Quá trình đào tạo, rèn luyện và thực tế cùng yêu cầu nhiệm vụ làm cho Công an nhân dân trưởng thành dần theo sự phát triển của cách mạng và đất nước. Nhà văn Lê Tri Kỉ rất quan tâm đến từng bước phát triển về mọi mắt của lực lượng Công an, đặc biệt trong tác phẩm của mình ông chú tâm nhiều vào những nét diễn biến nội tâm của những người có nhiệm vụ “thức cho dân ngủ, gác cho dân yên”. Có thể do yêu mến nghề nghiệp, trong quá trình hoạt động, trái tim ông đã rung động khôn nguôi trước những tình cảm, những cuộc đời của các đồng đội Công an, trước những trường hợp éo le đầy kịch tính trong xã hội nhiều biến động và cuộc chiến luôn cam go sống mái không ngơi nghỉ, không chiến tuyến giữa ta và địch, giữa thiện và ác và cao hơn cả là trái tim của người Công an cách mạng trong ông đã thôi thúc ông luôn đổi thay, nâng cao tầm tư tưởng của tác phẩm như một sự chẳng thể đừng.

Ví như truyện ngắn, qua những lời văn nhẹ nhàng gợi cảm tác giả đã đưa người đọc trở lại một khung cảnh của thời đầu kháng chiến chống Pháp ở vùng tự do Thanh Hóa. Và câu chuyện có thể tóm tắt như sau: Đỗ Thế, người đi viếng, xưa là một cán bộ thuế vụ  vốn thông minh, đã có nhiều thành tích công tác. Nhưng rồi anh đã có vi phạm về công tác và đạo đức. Anh bị người quá cố là Tư Hoàng, lúc đó là Trưởng ty Công an bắt quả tang. Sau khi thẩm vấn, Tư Hoàng thấy Đỗ Thế thành khẩn nhận tội, một phần lỗi lầm do hoàn cảnh công việc đưa tới. Đỗ Thế hứa không bao giờ tái phạm sai lầm trong đời công tác. Tư Hoàng giúp đỡ cho Đỗ Thế  đến công tác ở một nơi phù hợp và nhận lời giữ kín sự việc lỗi lầm của Đỗ Thế. Và họ đã cùng giữ được lời hứa. Tuy trong thâm tâm Đỗ Thế vẫn có khi thấp thỏm lo lắng cho bước đường công danh đang tấn tới...

“Không ngờ chỉ toàn lo hão!

Cho đến hôm nay, trong giờ phút tiễn đưa Tư Hoàng tới nơi an nghỉ cuối cùng, khi biết rằng người bạn tâm sự gần gũi nhất của anh Tư cũng không hề được anh thổ lộ câu chuyện, Đỗ Thế mới lần đầu tiên nhận ra cái son sắt của ông Trưởng ty Công an cũ...”

Nhà văn Lê Tri Kỉ đã để nhiều công sức viết vở kịch “Biến động ngày hè” tái hiện không khí của một thời lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Hà Nội những ngày chống thù trong giặc ngoài bảo vệ Chính quyền nhân dân còn non trẻ với tất cả tính chất phức tạp, khó khăn và thắng lợi. Nhà lý luận phê bình sân khấu, PGS Tất Thắng đã viết trong lời giới thiệu bản in kịch bản: “Vở kịch đã nặng về hướng trình bày con người, đi sâu vào tâm tư, tình cảm, thậm chí cả những sắc thái của tình cảm, nội tâm nhân vật, khắc họa tính cách, hay ít nhất là những nét hằn nổi của tính cách, và cả số phận nhân vật. Đặc biệt tác giả đã xây dựng được một số nhân vật có dáng vóc của anh hùng thời đại, như Thanh tra Chính phủ, Chủ sự chính trị Nha Công an. Đó là Nghĩa – trinh sát Nha Công an – nhân vật xuất hiện không nhiều nhưng để lại những ấn tượng khá sâu đậm trong lòng người đọc...”.

Sau những lời diễn thuyết phỉnh phờ, khiêu khích của Tạ Văn Hùng

“Thanh tra chính phủ : (Với Chủ sự phòng chính trị) -  Anh hãy bắt giam ngay Tạ Văn Hùng lại!

Huỳnh Thúc Kháng: - Tại sao ông cho bắt con người ấy ?

Thanh tra chính phủ: - Tên Tờ-rốt- skít ấy lợi dụng lòng căm phẫn chính đáng của nhân dân để kêu gọi chia rẽ và phản đối điều đình.

Huỳnh Thúc Kháng: - Các ông quả là tỉnh táo.

Sau khi Tham Hoan đem tập hồ sơ danh sách Quốc Dân đảng nộp cho Thanh tra chính phủ và Chủ sự chính trị Công an để hòng thoát tội, họ đã yêu cầu Tham Hoan tự tay đánh diêm hủy tập tài liệu quan trọng đó.

“Huỳnh Thúc Kháng: - Đẹp đẽ thay! Quân tử thay (...) Các ông là những người con xứng đáng của Cụ Hồ...”.

Nhà văn Lê Tri Kỉ đã quá cố nhưng đúng như người bạn văn thân thiết của ông, Nhà văn Xuân Thiều đã nói: “Chắc ông vẫn sẽ cảm nhận được niềm vinh quang của thành quả của riêng mình và lòng mến mộ của người đọc, của bạn bè đồng nghiệp khi, năm 1994, tập truyện ngắn “Cuộc tình thế kỉ” của ông được tặng giải A của Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang Hội Nhà văn. Năm1995, tập truyện ngắn “Không thiện không ác” của ông lại được Bộ Nội vụ - nay là Bộ Công an - kết hợp với Hội nhà văn tặng giải A”. Và năm 2012 ông là nhà văn đầu tiên của lực lượng CAND được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Sau 19 năm từ biệt cõi trần, giải thưởng tuy rất muộn, nhưng chẳng những tôn vinh ông mà còn mở đường cho một chân trời văn chương vô tận cho lực lượng CAND

Nhà văn Văn Phan
.
.
.