Mai Châu còn đâu thơm nếp xôi...

Chủ Nhật, 31/08/2008, 22:10
Nghe anh bạn người Mai Châu cảnh báo "Không nên đi Mai Châu vào mùa đông vì xe dễ lạc trong sương mờ hoặc rơi tõm xuống vực", tôi vội lên đường vào những ngày chớm thu còn oi nồng, nắng gắt. Chợt thấy vui vì Mai Châu giờ đây đã trở thành một điểm du lịch mạo hiểm của Tây Bắc, kinh tế đã giàu lên trông thấy. Nhưng lại chợt buồn, vì khi cơn bão du lịch tràn về, thì cái vẻ hoang sơ, bí ẩn, phong tình năm nào của Mai Châu vốn đã từng đi vào thi tứ của tác giả "Tây Tiến", đã gần như phôi phai…

Còn đâu những ngôi nhà cổ mang đậm kiến trúc dân tộc Thái! Còn đâu những đêm hội múa xòe trai gái nắm tay nhau, uống rượu cần ngà say, thề ước, rủ nhau về… Mai Châu đang quay cuồng trong cơn lốc du lịch. Không gian văn hóa của người Thái cũng đang bị thương mại hóa…

Mai Châu không còn hoang sơ

Những cái tên: Bản Lác, Nà Phòn, Pom Coọng, Pù Pin, Pà Cò, Cun Pheo, Piềng Vế, Săm Khòe… vốn đã gợi lên vẻ hoang sơ, xa lạ. Nghe những người Thái ở Mai Châu kể lại, trước đây Mai Châu vốn chỉ là một vùng đất hoang sơ, vắng bóng người sinh sống, bốn bề là rừng rậm, chỉ có gió hú và tiếng thú dữ gọi mồi rùng rợn trong đêm.

Tới năm 1968, một đoàn khảo sát địa chất từ dưới sông Đà ngược lên đã phát hiện ra Mai Châu. Vẻ hoang sơ, bí ẩn của núi rừng đã hấp dẫn họ. Từ đó thỉnh thoảng lại có đoàn Tây ba lô nai nịt đầy người, lặn lội vào bản Lác dựng nhà lá ở tạm. Cứ thế, người nọ truyền tai người kia.

Rồi người Thái ở Mộc Châu xuống, từ Tân Lạc lên, cặm cụi lên rừng lấy gỗ dựng nhà, lập bản. Lác đác vài nóc nhà giữa thung lũng, vẫn thưa thớt bóng người. Dòng sông Mã chạy quanh vẫn gào thét, cất lên những âm thanh man dại.

Chỉ tới khi bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng được phổ biến rộng rãi, Mai Châu mới thực sự trở thành một dấu chấm khá đậm trên bản đồ Tây Bắc. Nhưng ngày đó, vẫn chưa có ai có ý nghĩ làm du lịch ở đây, bởi lẽ con đường lên Mai Châu quá gập ghềnh, hiểm trở. Từ những năm 90 trở đi, khi QL6 được sửa sang cho bớt hiểm nguy, du lịch ở Mai Châu mới được khai thác mạnh.

Đứng ở chân cột cờ trên đỉnh Thung Khe nhìn xuống, Mai Châu nằm lọt thỏm giữa thung lũng Chiềng Châu như một cô sơn nữ xinh đẹp, dáng đứng thiết tha, yểu điệu. Để lên Mai Châu chỉ có con đường độc đạo men theo QL6 với triền núi quanh co, nhọn hoắt. Nhìn từ chân đèo, mấy chiếc xe du lịch đang bò chậm chạp, cẩn thận. Chợt có cảm giác như chúng đang bị núi ăn mất hút.

Ngay giữa tháng 8, đỉnh Thung Khe đã mịt mờ sương phủ. Dường như chỉ đứng cao lên một chút, giơ tay cao một chút là với tới mây. Xuống dưới đèo Thung Ảm lại thấy mưa phùn rơi. Thiên nhiên hào phóng đã ban cho Mai Châu những nét vẽ tuyệt vời.

Hôm nay ghé thăm, Mai Châu gần như lột xác. Nét xưa không còn. Vẻ đẹp thời Tây Tiến đã lùi xa. Về đêm, Mai Châu hiện lên như một thành phố sang trọng, rực rỡ. Có lẽ trên miền Tây Bắc này, chỉ có nơi đây là thừa thãi ánh sáng. Đèn điện lung linh từ các con ngõ tới từng nóc nhà, điện sáng thâu đêm.

Cũng có lẽ, chỉ có nơi đây trên miền Tây Bắc là có đường bê tông chạy dài các ngõ ngách, dẫn tới từng nóc nhà. Quán xá rầm rập, có cả nhà hàng karaoke, những bar cà phê ca nhạc… Mọi thứ dịch vụ đều chẳng thua kém gì Hà Nội. Trẻ nhỏ ở đây được quan tâm dạy tiếng Anh hơn là tiếng Thái hay tiếng Kinh. Đơn giản một điều, chúng cũng phải làm du lịch.

Cũng chỉ ở đây mới có cảnh cả nhà làm du lịch. Thanh niên đi múa hát, người già dệt thổ cẩm, trẻ nhỏ cũng đã biết cách tiếp thị khách… Thấy tôi cao lớn, quần soóc, khoác ba lô, chúng cũng tưởng là khách nước ngoài nên cứ xúm xuýt lại "hello, hello". Tôi nhận ra người Thái nói tiếng Anh rất thạo. Đó chỉ là thứ ngoại ngữ bồi họ học lỏm được từ việc thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài.

Múa Thái: Còn đâu bản sắc…

Người Thái ở Hòa Bình vốn mê múa xòe, nhảy sạp. Trong năm họ không có nhiều lễ, Tết như các dân tộc khác. Ngoài Tết Nguyên đán thì chỉ có thêm lễ Xên bản, Xên mường, Khau mờ… Dù vậy, các bản vẫn hàng tuần tổ chức múa xòe cho trai gái gặp nhau, kết mối lương duyên.

Người Thái vẫn có câu: "Không xòe không vui. Không xòe, cây lúa không trổ bông. Không xòe, cây ngô không ra bắp. Không xòe, trai gái không thành đôi". Trong những đêm hội múa xòe, những cô gái Thái rực rỡ trong những bộ trang phục lộng lẫy, đúng như xúc cảm của nhà thơ Quang Dũng: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa, Kìa em xiêm áo tự bao giờ…".

Trai gái quây quần bên đống lửa, nắm tay nhau cùng xòe trong tiếng chiêng trống bùng bùng. Các điệu xòe hoa, xòe quạt, xòe khăn… cứ đan kết liên hồi. Rồi lại cầm tay nhau nhảy sạp. Múa xòe không thể thiếu được rượu cần. Và khi men rượu đã ngà say, chàng trai, cô gái Thái tỏ tình với nhau thật dễ thương.

Thế mà giờ, tới bản Lác, Pom Coọng… muốn xem người Thái múa xòe thật không dễ. Đơn giản một điều, mọi thứ ở đây đã được khoanh trong khuôn khổ du lịch. Có nghĩa là mọi hoạt động đều phải trả tiền. Muốn xem múa Thái, du khách sẽ phải trả 400 ngàn/ca diễn vẻn vẹn một giờ, trong đó 300 ngàn đồng tiền thuê đội múa, 50 ngàn tiền mua củi đốt lửa, 50 ngàn mua rượu cần.

Hôm tôi tới bản Lác gặp ngay đoàn du lịch của Công ty Toyota Giải Phóng cùng đoàn sinh viên đông tới cả trăm người từ Hà Nội lên đăng kí thuê hai đội múa. Có cảm giác như, nhờ có du lịch mà mọi người ở đây học được tác phong làm dịch vụ rất chuyên nghiệp. Đúng giờ hẹn, đội múa đến. Nhạc xập xình cất lên, họ bắt đầu ngay tiết mục của mình. Có cả cô MC người Thái xinh đẹp, mặc trang phục Kinh diêm dúa, hệt như trang phục dạ hội. 

Cô gái Thái xinh đẹp Hà Thị Tuyết (Bản Lác) tâm sự: "Trước đây mỗi tối thứ 7, trai gái trong bản đều háo hức đợi một tiếng trống thúc lên, báo hiệu sẽ có múa xòe, nhảy sạp ở bản. Cứ theo hiệu trống đó mà lũ lượt rủ nhau đi xem. Ngày ấy, đội văn nghệ của bản chỉ phục vụ dân bản. Giờ có du lịch rồi, người Thái bản ta chỉ múa xòe nếu khách trả tiền thôi".

 Những đêm hội múa xòe cũng được tổ chức vội vã theo "hợp đồng".

Trước đây người Thái đi múa xòe chỉ để cho vui, nghề chính của các sơn nữ ở Mai Châu vẫn là trồng lúa nương, dệt thổ cẩm. Nay nhờ du lịch, họ chỉ cần ở nhà, mặc thật đẹp và đi múa hát.

Múa Thái bây giờ cũng khác ngày xưa. Trước đây người Thái chỉ múa điệu của người Thái, mặc trang phục của người Thái, thì nay để phục vụ du lịch, người Thái mặc cả trang phục của người Mông, múa cả điệu của người Mông. Người ở bản Lác giải thích "khách du lịch thích thì chúng tôi phục vụ".

Trước đây múa xòe luôn phải đi kèm với các loại trống, chiêng, khèn… thì nay, người ta mở đĩa nhạc đã ghi sẵn. Nhảy sạp cũng được mở kèm nhạc sống, đàn Oóc-gan… Múa Thái đang bị thương mại hóa trước cơn bão du lịch tràn về Mai Châu. Không ít khách du lịch đã phải thốt lên rằng, văn hóa Thái đang nhạt nhòa…--PageBreak--

Tiếc nuối những ngôi nhà cổ

Nhà cổ của người Thái cũng đang rời bỏ Mai Châu mà đi. Từ khi có du lịch, rầm rầm mọc lên những ngôi nhà bán bê tông, nhà sàn cách tân, rất hiện đại và bắt mắt. Bản Lác là trọng điểm du lịch của Mai Châu nên cũng đi đầu về tần số biến mất của những ngôi nhà cổ.

Đi khắp bản Lác 1, Lác 2, qua hơn trăm nóc nhà, chỉ thấy còn hai nóc nhà giữ được kiến trúc cổ. Bản Pom Coọng có 64 nóc nhà thì cũng chỉ còn 6 nhà giữ được kiến trúc cổ. Bản Văn có 96 nóc nhà thì cũng chỉ còn 3 nhà cổ…

Một du khách Anh thổ lộ: "12 năm trước tôi đã đến Mai Châu. Tôi đã ở trong một ngôi nhà sàn cổ của người Thái. Lần này trở lại, Mai Châu thay đổi lớn quá. Tôi đã không tìm được ngôi nhà ấy nữa, bởi nó đã bị phá đi cách đây không lâu. Người ta đã xây một nhà sàn-bê tông ở đó".

Dạo một vòng quanh bản Lác, Pom Coọng… thấy đâu đâu cũng là nhà sàn cách tân, kiểu biệt thự nhà sàn. Thấy tôi khen bản giàu có, ông già Vì Văn Soát cười hề hề: "Những cái nhà đẹp kia không phải của người Thái chúng tôi đâu. Đều là của người Hà Nội đấy. Họ thuê nhà của chúng tôi rồi sửa sang lại để làm nhà khách, nhà nghỉ. Đắt khách lắm, ngày nào họ cũng kiếm được bạc triệu".

Hỏi ra thì biết, thông tin của ông già ấy là hoàn toàn chính xác. Bản Lác là bản của người Thái nhưng phần lớn những ngôi nhà sàn đã được "nhượng" lại cho người Hà Nội để họ làm du lịch.

Chúng tôi đã dừng chân ở nhà nghỉ Kiều Nguyệt Nga, số nhà 36. Chủ nhà là một người phụ nữ đã trạc tuổi ngoài năm mươi, tên Nga, người Hà Nội gốc. "Lúc đầu nghe kể chuyện kinh doanh nhà sàn, cũng chẳng hứng thú gì. Nhưng mấy người bạn rủ ghê quá nên cũng bỏ tiền làm thử xem sao. Ngay tháng đầu đã có lãi…" - chủ nhân tên Nga bộc bạch.

Ngôi nhà sàn này bà thuê của một người Thái đã ngược lên vùng Mộc Châu - Sơn La. Giá thuê là 3 triệu đồng/năm. Được biết, giá để tân trang một ngôi nhà sàn cổ thành hiện đại vào khoảng trên trăm triệu. Thế nhưng, theo hầu hết những "đại gia" kinh doanh du lịch ở đây, số tiền ấy là quá nhỏ so với lợi nhuận mà họ thu được.

Thấy tôi cứ trở đi trở lại cái đề tài kinh doanh nhà sàn, một anh chàng người Thái bên Pom Coọng hồ hởi bảo: "Bản tao có mấy nhà muốn cho thuê đấy. Hôm qua tao mới dẫn một tốp khách xịn đi xem nhà, xem chừng đã ưng ý lắm. Bản Lác hay Pom Coọng đều kém rồi, giờ khách du lịch thích đi tour mới.

Nhiều người đã tới Nà Phòn (cách bản Lác không xa - PV) để đầu tư. Có muốn kinh doanh nhà sàn thì bảo tao, tao chỉ chỗ cho. Thích trung tâm được trung tâm, thích rìa núi được rìa núi, muốn vào sâu hơn cũng được. Nhiều nhà lắm, mày cứ có tiền đầu tư làm du lịch chẳng mấy mà giàu đấy".

Và để chứng minh điều đó, anh ta chỉ cho tôi một loạt các ngôi nhà mà chủ nhân của nó đều thuộc hạng "đại gia" phất lên nhờ du lịch. Vẫn nhà sàn thôi nhưng luôn có ôtô con để dưới gầm nhà. Đồ đạc bên trong thì chẳng thiếu thứ gì, nói chung đều là "vua xứ núi".

Cách bản Lác không xa là bản Văn. Du lịch còn chưa đặt chân tới nên nơi đây còn khá hoang sơ. Cảnh vật rất yên bình, con người sống chậm rãi và có vẻ cam chịu. Vẫn tù túng, vẫn đói nghèo. Nhưng người ta bảo, ở Mai Châu chỉ còn bản Văn là còn ít nhiều giữ được không gian văn hóa Thái.

Chưa có cảm giác mọi thứ đang thương mại hoá. Thế nhưng lại chợt nghe tin, huyện Mai Châu đang có kế hoạch mở rộng hoạt động du lịch lên bản Văn, tôi bỗng bồn chồn lo viễn cảnh nơi đây lại bị du lịch "ăn" mất.

Không ai phủ nhận du lịch đang từng ngày thay da đổi thịt cho Mai Châu - vùng đất vốn quanh năm mây mờ sương phủ. Nhưng chúng ta cũng không thể chối cãi rằng, không gian văn hóa của người Thái ở Mai Châu đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi cơn bão du lịch.

Chúng ta không thể vì tiền mà từ bỏ văn hóa. Còn đâu Mai Châu thời Tây Tiến - vừa hoang sơ, man dại, vừa lãng mạn, phong tình? Đêm hội múa xòe chợt tan, đoàn vũ nữ, vũ công lại nhảy lên xe máy về bản, đợi một tiếng trống khai hội khác. Mắt người Thái không còn tình tứ. Rượu cần người Thái không còn say nồng. Tôi rời Mai Châu trong buổi chiều Thung Khe lại mờ sương. Vượt qua đỉnh đèo giáp mây, Mai Châu đã khuất hẳn. Lại chợt buồn, không hiểu du lịch sẽ đưa Mai Châu về đâu?

Hà Ly
.
.
.