MPK an trú trong hiện tại

Chủ Nhật, 25/10/2009, 10:39
Thực ra MPK chỉ say khi sáng tác, còn rất tỉnh trong cuộc đời. Anh không phải kẻ lơ ngơ, mà anh đi theo cái đạo của mình, sống an hòa với thiên nhiên, và tin rằng, hiện tại luôn là một ngày vui đáng thụ hưởng. MPK không khùng!

Người ta thường nhìn về một con người theo cách mà họ muốn, chứ không theo cách mà họ thấy. Đó chính là lý do vì sao, chân dung nhiếp ảnh gia MPK trên báo chí luôn là một lãng tử khùng, suốt ngày thơ thẩn với cây cỏ và côn trùng. Người ta dựng phim về MPK cũng theo hướng anh là một kẻ coi sự đời không là gì hết, thích lang thang và chẳng… có nguồn gốc.

1. Phước đã quen với việc người ta gọi anh là Phước Khùng. Anh cũng tự cười, cái tên đó là một điểm đáng yêu mà anh không thấy phiền. Nhưng, với những người chưa quen, chưa gặp, hình dung về MPK cũng ít nhiều méo mó. MPK không phải là người ngây thơ. Càng không phải là người có vấn đề về thần kinh.

Hằng ngày, anh thức dậy và đến quán cà phê quen thuộc, một cái quán cũ mèm mà ở đó anh thường chào và được tất cả mọi người chào vui vẻ. Ai cũng qua chào hỏi. Và với ai anh cũng nói chuyện với một thái độ thân thiện như vậy. Và ở quán cà phê Tùng này, thì MPK như một nhà ngoại giao mẫu mực, không làm mất lòng ai và ai cũng cảm thấy vui khi nói chuyện với anh. Mà những câu chuyện liên quan đến MPK là câu chuyện liên quan đến nghệ thuật, những câu ranh ngôn, những câu chuyện vui và nhiếp ảnh. Và phong cảnh. Và côn trùng. Giọt sương. Chiếc lá. Không đụng đến đời riêng của ai. Không làm ai bị tổn thương hay chạm tự ái. Ai cũng có thể góp chuyện. Và tình yêu Đà Lạt với Phước và những người đang có mặt tại nơi này thì không bao giờ dừng lại.

Nhà báo Nguyễn Hàng Tình, người bạn thân của MPK nói, ở một nơi như Đà Lạt mà không thấy đáng yêu, không thấy đáng quý thì mới lạ. Ai cũng sẽ yêu nơi này, như thể đó là nơi sinh ra dành cho họ. Nguyễn Hàng Tình nói, anh cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi sống ở đây. Và đó là lý do anh chọn nơi này để làm việc chứ không phải một nơi sôi động như Sài Gòn.

Nếu như Nguyễn Hàng Tình nặng lòng với từng gốc thông, từng ngôi biệt thự của Đà Lạt, và dùng ngòi bút của mình để bảo vệ sự vẹn nguyên của chúng trước sức tàn phá của con người, thì MPK không đi vào trực diện như thế. Anh yêu và níu giữ Đà Lạt bằng những khoảnh khắc anh bắt gặp mỗi ngày, mọi lúc mọi nơi, khắp những ngõ ngách của một nơi mà cảm giác như bàn chân anh đã thuộc đến mức, không còn nơi nào là lạ lẫm, không còn nơi nào là đáng ngạc nhiên. Đôi khi, anh chạy lên đồi để chụp những giọt sương, những chiếc lá. Đôi khi lại là những bộ ảnh chụp những ánh mắt côn trùng. Và đôi khi là Đà Lạt dưới mặt nước, như những giấc mơ.

Trong sáng tác của MPK, Đà Lạt không phải là một Đà Lạt với những con dốc và những ngôi nhà quen thuộc mà người ta vẫn hình dung. Trong những bức ảnh anh chụp, đó là một thế giới kỳ ảo và đầy mới lạ. Lấp lánh và tinh khôi. MPK nói, anh thích cuộc sống được an hòa theo thiên nhiên. Đôi khi chúng ta cứ bắt mọi thứ thuận theo ý riêng của mình, nên dễ gặp những cơn nóng giận, tai ương. Và hay cảm thấy bất lực, bực bội. Nếu chúng ta coi thiên nhiên là những điều tự nhiên nhất và chúng ta nương theo thiên nhiên, có lẽ mọi thứ sẽ không trở nên khó khăn. Và, mỗi ngày chúng ta đang sống là mỗi ngày được thụ hưởng. Không nên nhìn quá khứ để hối tiếc, cũng không nên quá kỳ vọng vào tương lai để rồi thất vọng.

Cuộc sống của MPK, vì thế, ngày nào cũng không được sắp đặt trước, ngày nào cũng không có những kế hoạch cụ thể và có thể ngẫu hứng bất ngờ. MPK thích cuộc sống ấy và có triết lý riêng cho lối sống của mình, hoàn toàn không phải như người ta vẫn nghĩ rằng, đó là tính nghệ sỹ…

2. Căn gác nhỏ của MPK nằm trên một con dốc dài, lối đi vào qua một hành lang chênh vênh và hẹp. Trong căn phòng bừa bộn những bức ảnh, những vật dụng, quà tặng, những con thú nhồi bông và những cuốn sách, có cả một tấm nệm nhỏ trải làm chỗ ngồi và ngày thường Phước sẽ nằm ngủ luôn tại đó. Trên bàn, ly rượu vang bỏ dở lâu ngày đã lên men. Những bức ảnh lớn in ra làm triển lãm phải xếp trên những thanh gác như một nhà kho nhỏ. Bề bộn. Căn phòng sẽ chỉ được xếp gọn lại khi vợ anh lên Đà Lạt vào những ngày cuối tuần. Và khi cô trở lại Sài Gòn, thì dường như Phước đã trở lại cuộc sống độc thân trong suốt vài chục năm. Mà sự thu xếp của cô chỉ có ý nghĩa tạm thời. Căn gác quá nhỏ để cho một gia đình ở.

Và đã có lúc Phước muốn có một chỗ ở rộng hơn và bạn bè bày cho anh cách bán tác phẩm của mình. Có tin là anh bán toàn bộ tác phẩm mà anh chụp trong suốt hai chục năm. Có rất nhiều người ngỏ ý muốn mua. Nhưng, Phước không biết mình sẽ sống thế nào nếu không còn bức ảnh nào ở lại.

Đến tận lúc này MPK vẫn kiên quyết không sử dụng máy kỹ thuật số mà vẫn chung thủy với những cuộn phim ảnh. Và những cuộn phim nhiều đến mức anh phải cất chúng vào những vỏ thùng đạn năm xưa. Không thể biết có bao nhiêu bức ảnh đã được ra đời. Nhưng chính Phước cũng không thể biết mình đã chụp biết bao nhiêu mặt người. Có lúc tìm được những bức ảnh chụp khuôn mặt bạn bè, những anh em văn nghệ sỹ, người còn người mất, thấy thương trào nước mắt.

Hai năm qua kể từ khi Phước lập gia đình, nhưng anh cảm giác cuộc sống của mình không có nhiều thay đổi. Khi Phước lấy vợ, nhiều người cũng coi đó là sự lạ. Thực ra thì, đó cũng là một điều đặc biệt, khi người đàn ông tưởng như không ràng buộc, không bận lòng với bất cứ ai, bất cứ điều gì lại đột ngột lấy vợ, một cô gái trẻ ở một thành phố khác.

Vợ chồng họa sĩ MPK.

Ngày cưới của họ, có tờ báo giật tít lớn và đưa họ ra trang bìa, như thể họ là những ngôi sao đặc biệt của làng showbiz. Sức hấp dẫn của MPK, đôi khi không phải từ những gì anh có, mà từ hiệu ứng khác mà giới truyền thông tạo ra, để cho bạn đọc và những người xa anh, nhìn anh như một người kỳ lạ và có phần quái dị. Nhưng, nếu xét theo cái giá trị cuộc sống mà anh hướng tới, thì đó là điều hoàn toàn giản dị. Giản bị bởi, một người đàn ông, thuận theo tự nhiên thì đến một ngày sẽ lấy vợ. Và cũng giản dị bởi, MPK cũng là người biết yêu.

Người ta đưa ra những phỏng đoán, những suy nghĩ rằng, lấy vợ là MPK sẽ thay đổi để bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng cuối cùng, mọi dự đoán đều trật lất. Anh trở lại cuộc sống của mình, mà người vợ như một sự cộng hưởng chia sẻ, chứ không phải là nhà cách mạng, làm đổi thay toàn bộ cuộc sống của anh. Vợ vẫn làm việc ở Sài Gòn, còn chồng vẫn lang thang ngày này qua ngày khác trên những con dốc. Phước không đi xe máy. Hầu hết mọi chặng đường anh đi qua là đi bộ. Và có lẽ, không điều gì làm anh rời khỏi được mảnh đất này.

3. MPK là hình tượng cho nhiều người sáng tác và đưa vào tác phẩm của mình. Đã có những bộ phim xây dựng nhân vật là anh. Nhưng, đó chỉ là sự mô phỏng. Còn những thước phim về Đà Lạt thì Phước luôn là một trong những nhân vật quan trọng. Như một cuốn từ điển sống về Đà Lạt, Phước đã tạo nên một thứ hương vị riêng trong cảm giác của những người đến nơi này. Nhưng phải đợi đến cuối năm 2009, MPK mới chính thức làm… diễn viên. Đó là vai "thần rừng" trong bộ phim "Đời" của đạo diễn Trần Mỹ Hà. Đó là một người đàn ông yêu rừng đến mức kỳ lạ. Bất cứ ai nổi lửa đều có thể bị ông rượt đánh và ông là khắc tinh của đám lâm tặc. Một vai diễn mà MPK cho là rất thú vị. Anh thích được làm những công việc lạ lùng, nhưng phải hợp với mình.

MPK nói, lâu lâu đi đường tự dưng có bà già gọi lại hỏi, con là MPK phải không? Cứ như thể, anh đã là người quen của tất cả. Những điều đó không phải ai cũng có được. Và đó là một niềm vui không dễ tìm. MPK không phải là người ngơ ngẩn. Nhưng anh thích được thả mình theo tự nhiên…

Thảo Điền
.
.
.