Chung kết "Én vàng" 2008:

MC truyền hình - Quá nhiều và... không có

Thứ Hai, 15/09/2008, 07:15
Cuộc thi người dẫn chương trình truyền hình mang tên "Én vàng" sẽ tìm được chủ nhân vào đêm 15/9. Sáu thí sinh được lựa chọn từ hơn 500 thí sinh đăng ký dự thi cho thấy sức hút của nghề MC đối với giới trẻ. Nhưng "Én vàng" có thực sự mang sức nặng như lẽ ra nó phải có?

Câu trả lời là "không thể", bởi nhìn từ thực tế chất lượng cuộc thi năm nay và nhìn từ lịch sử của giải “Én vàng” sau nhiều năm tổ chức. Thế nên, MC vẫn là câu chuyện dài nhiều tập và bệnh nhảm của MC vẫn là bệnh trầm kha, mà khán giả buộc phải chấp nhận hàng ngày một cách... vô điều kiện.

Lời bài hát của giải "Én vàng" có câu: "Nói sao cho vừa lòng mọi người". Nhưng tất cả các MC của chúng ta đều không thể làm được công việc tưởng chừng như đương nhiên ấy. Từ MC nổi tiếng cho đến MC mới nhập môn. Vì sao tất cả các chương trình của chúng ta luôn ngập tràn những sáo ngữ? Tại sao từ MC nổi tiếng nhất cho đến các thí sinh dự thi đều mong muốn được thể hiện sự sáo rỗng, càng diễn nhiều càng tốt?

MC không phải là nhân vật chính của chương trình. MC là cây cầu nối và gây không khí, làm sao để chương trình thu hút và hấp dẫn hơn. Nhưng dường như có những MC luôn muốn mình phải là nhân vật chính. Đó chính là nỗi chán chường của khán giả khi xem những chương trình truyền hình trực tiếp. Những lời "thân mến" với "cảm ơn" dường như được trao gửi đến nỗi người nhận cũng không muốn nhận, người phải nghe cũng đến nhàm tai. Và những lời chúc tụng sáo rỗng đến mức người được chúc đôi khi cũng phải... đỏ mặt.

Những lời ngợi khen nhân vật lên đến tận mây xanh, dù nhiều khi nhân vật tự biết mình vẫn còn... trên mặt đất. MC khi ấy thành một kẻ lố bịch, làm cho nhân vật và khán giả rơi vào trận đồ bát quái của những từ ngữ ồn ào kém chất lượng mà không thể tự mình tìm cách thoát ra (bởi quyền điều khiển luôn thuộc về MC).

MC Việt Nam thường có hai dạng. Một là những MC của showbiz, ồn ào, hoạt náo, sáo rỗng và... trôi chảy. Luôn là những lời ngọt ngào có cánh. Và học sự sáo rỗng của nhau một cách chóng vánh. Và vì không hiểu rõ một lĩnh vực nào, không chịu đầu tư sâu vào việc tìm hiểu kịch bản (và kịch bản MC cũng chưa được các đạo diễn coi trọng), nên tiện miệng thì nói cho trót lọt, cảm giác cái gì cũng lơ mơ, nên nói ra lời nào khán giả thót tim lời ấy.

Chẳng hạn như một MC xuất thân từ người mẫu thích khen nhạc sỹ lão thành "ông cũng có tài đấy nhỉ", hay một ca sỹ làm MC “Bài hát Việt” hỏi "Hồ Quỳnh Hương hát hay thế để làm gì nhỉ?". Thậm chí như Quỳnh Trâm, người cũng từng đoạt giải "Én vàng", trong một chương trình truyền hình trực tiếp về âm nhạc, chị nói vòng vo rất nhiều trong những lời dẫn của mình, khiến khán giả bị "ngộ độc", cảm giác không hiểu chị đang muốn nói gì.

Nếu ghi ra giấy những lời dẫn của MC trong các show truyền hình trực tiếp sẽ thấy rất nhiều câu què cụt, có những đoạn dài nói ra quá mông lung mà móc vào chủ đề cần giới thiệu thì dài như... tàu Thống Nhất...

Hay đơn cử như những vòng thi phụ của Hoa hậu hoàn vũ 2008 tại Việt Nam, các MC gần như hụt hơi với các thí sinh và nghe họ đọc tiếng Anh quả là vất vả. Thế nên hàng trăm MC tại TP HCM nhưng cuối cùng Ban tổ chức phải tìm đến một MC không đào tạo, không thi “Én vàng”, nhưng ngoại ngữ tốt, làm giảng viên đại học để dẫn cùng Hoa hậu hoàn vũ 2007 trong một phần thi chính thức của cuộc thi...

Dạng thứ hai là những MC dán mắt vào những tờ kịch bản. Họ không dám rời khỏi những trang kịch bản dù cho đó là những lời dẫn đơn giản nhất. Có lẽ đây là những người coi sự an toàn cho một chương trình là trên hết, dù hình ảnh họ dẫn chương trình nhưng "không có nhu cầu nhìn khán giả" mà yêu tờ giấy trước mặt mình hơn là hình ảnh rất khó coi.

Không chỉ là những show truyền hình trực tiếp mà cả những show ghi hình để phát sóng, các MC kiêm BTV luôn là người ngồi nhìn chằm chằm vào tờ giấy để đọc như một thứ nghĩa vụ mỏi mệt. Có lẽ khi ấy họ muốn tìm sự yên ổn cho nghề nghiệp của chính họ hơn là tìm được điều gì đó mới mẻ cho công chúng. Và có lẽ không ít người trong số họ nghĩ, truyền hình miễn phí, ai xem thì xem, ngừng phát sóng chương trình này họ sẽ làm chương trình khác...

Nếu theo dõi tất cả các cuộc "Én vàng" sẽ thấy, các thí sinh đăng ký thi trong nhiều năm khá phổ biến. Nghĩa là chỉ có những thí sinh đoạt giải những năm trước sẽ không dự thi, còn rất nhiều thí sinh đã vào chung kết năm trước vẫn tiếp tục hy vọng tìm kiếm vị trí của mình ở cuộc thi năm sau. Điều đó cho thấy, những thí sinh tài năng ngày càng hiếm và những gương mặt cũ (nhưng không nổi bật) đang làm mòn các cuộc tìm kiếm mới.

Ngay cả những MC trưởng thành từ cuộc thi này những năm trước, trực tiếp dẫn trong chương trình này cũng mắc đầy lỗi. Chẳng hạn như MC Phương Thảo khi nói về bài hát "Một ngày mùa đông" của nhạc sỹ Bảo Chấn đã không tiếc những "xáo ngôn" sai bản chất. Bởi bài "Một ngày mùa đông" nói về nỗi cô đơn, mất mát, có thể nói là khá bi lụy, thì MC nói "đó là những giai điệu mượt mà, nồng nàn và lãng mạn"!

Điểm yếu của "Én vàng" ngày càng bộc lộ rõ ở khâu kịch bản. MC không có nghĩa chỉ là người nói giỏi và... học thuộc bài. Nhưng với những gì diễn ra trong vòng chung kết này thì nó đúng là như vậy. Tất cả các MC như thể đã được chuẩn bị trước chủ đề, biết trước khách mời giao lưu và biết trước cả chương trình mình sẽ thi (để đảm bảo tính hấp dẫn cho một chương trình truyền hình trực tiếp).

Thế nên, với một số game show mà MC rất thiếu chuyên nghiệp như Thanh Tùng và Bảo Thy lại được đem ra làm đề thi cho thí sinh. Và tất nhiên, các thí sinh vì đã được chuẩn bị trước nên ai cũng nói rất trôi chảy và ít khi mắc lỗi. Khi nói về một đồ vật, các thí sinh chuyển sang trạng thái... thi hùng biện, diễn giải phân tích và bình luận về ý nghĩa của một đồ vật hay hình ảnh.

Các thí sinh dường như đọc thuộc lòng những gì mình chuẩn bị. Nghĩa là MC nào cũng làm rất tốt phần thi của mình, nên rất khó để nói rằng ai xuất sắc hơn ai. Cái khó để tìm một MC đúng nghĩa trong cuộc thi này chính là ở chỗ kịch bản cuộc thi đã bó hẹp họ lại, làm nên một tổng thể vừa vặn và có phần hời hợt. Và vì kịch bản đóng khung như vậy nên người ta rất khó để tìm cho đúng một MC có phong cách riêng. Nên thật dễ hiểu khi tất cả các thí sinh đều ăn mặc lộng lẫy, trai gái đều được trang điểm phấn son và ra sân khấu chạy phần thi của mình như học sinh chăm học.

Quá nhiều MC truyền hình, nhưng lại không có MC nào thực sự đáng tin cậy. Nhiều người từng trào lộng rằng, tất cả những người thông minh và khôn ngoan đều đã chui sâu vào hậu trường, còn những ai thích danh tiếng và sự lộng lẫy bề ngoài mới chường mặt lên màn ảnh. Câu chuyện này có thể là chuyện đùa, nhưng không hẳn không có lý.

Một biên tập viên có thể làm một MC giỏi nếu được đào luyện tốt. Nhưng một MC xuất phát từ những lời có cánh hời hợt, rất khó để trở thành một MC có tầm. Thế nên, những ước mơ thành Oprah Winfrey hay Larry King có lẽ vẫn chỉ là những câu chuyện đùa, hoặc của những người mới vào nghề và còn quá nhiều ảo tưởng

Duy Văn
.
.
.