MC: Nghề làm dâu trăm họ

Thứ Bảy, 23/07/2005, 07:34
Đứng trước công chúng, MC thường phải chịu áp lực tâm lý rất lớn. Đã có câu "sai một ly, đi một dặm", song với nghề MC, nếu lỡ nói sai một vấn đề gì đó thì rất dễ gây đổ vỡ trong lòng người nghe. Thậm chí với những vị khán giả cố chấp, sau này dù MC ấy có nói hay mấy, lỗi kia vẫn còn in trong tâm trí họ.

So với vài năm trước đây, "trình độ" nói trước công chúng của đa số người dẫn chương trình (MC) ở nước ta đã tiến bộ rất nhiều. Không những riêng về khả năng nói mà nhiều mặt khác cũng dần đáp ứng được nhu cầu nghe và nhìn của khán giả như ngoại hình đẹp, phục trang đẹp, phong thái đĩnh đạc, tự tin…

Gần đây, cũng ít thấy khán giả viết thư hay gọi điện thoại, gửi mail đến các báo đài góp ý, phê bình MC này nói sai chỗ nọ, MC kia "vô duyên" chỗ kia… Một phần do nỗ lực của những người dẫn chương trình tự mình "nhặt sạn", có nghĩa là biên tập trước bởi không ai muốn dù rằng một câu hớ hênh để trở nên lố bịch trước khán giả. Một phần thời gian gần đây, lực lượng MC xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ ngày một đông, tiếp cận nhiều với cả người biểu diễn lẫn người xem nên khán giả phần nào hiểu và thông cảm với công việc của họ.

Một "thống kê" nho nhỏ của chính những người trong làng MC về những điều kiện hội đủ để trở thành một MC, nghe mà giật mình và không khỏi nghĩ rằng "nghề nói" cũng lắm công phu. Một MC có lúc như một giảng viên đang bình văn thơ lưu loát, rõ ràng;  có lúc như một người thuyết trình trước công chúng đòi hỏi phải có sự tự tin, nhạy bén, bình tĩnh, biết làm chủ tình hình; lại phải như một nghệ sĩ có thanh sắc, ngoại hình dễ nhìn, duyên dáng, "ăn" hình, "sáng" sân khấu; có lúc phải vận dụng khả năng của một diễn viên hài chọc cười khán giả, làm dịu không khí; có đôi khi lại là nhà tâm lý chịu lắng nghe và "đọc" được tâm lý, suy nghĩ của nhân vật và khán giả để "quăng bắt" chính xác. Bên cạnh đó, kiến thức của một MC đòi hỏi phải sâu, rộng, nắm bắt được mọi diễn biến từng lĩnh vực của xã hội thì mới có thể tùy cơ ứng biến mọi tình huống…

Đó là ở trong nước, còn ở nước ngoài, theo kinh nghiệm của người dẫn chương trình đang được xem là hay nhất nước Mỹ - Oprah Winfrey cũng tương tự, chỉ có khác là MC cũng cần phải kiểm soát được thời gian.

Thử đem những điều kiện này so với 20 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Người dẫn chương trình truyền hình 2005" của Đài Truyền hình Tp.HCM tổ chức vừa kết thúc có thể thấy đa số hội đủ những yêu cầu kể trên. Tất nhiên vẫn còn nhiều thí sinh khiếm khuyết như nói dài, lúng túng khi nhân vật được phỏng vấn hỏi lại họ, còn nói nhiều câu theo công thức, nhàm chán. Song vì đây mới chỉ là cuộc thi và họ cũng chưa được đào tạo hay có điều kiện xuất hiện nhiều trước công chúng nên từ  cuộc tuyển lựa này có thể hy vọng sẽ có nhiều người thành công khi chính thức bước vào nghề MC, góp phần làm cho "làng MC" không còn khan hiếm người nữa.

Cũng qua cuộc thi, có một "bệnh" mà nhiều thí sinh mắc phải đó là lạm dụng quá nhiều từ "ạ" ở cuối mỗi câu hỏi. Điều này ngay cả những người dẫn chương trình chuyên nghiệp và không chuyên  thời gian gần đây thường mắc phải. Cứ bắt đầu hỏi là gần như câu nào cũng có chữ "ạ" dù người được hỏi lớn hay bé, già hay trẻ.

Có MC đã quen miệng đến độ từ đầu đến cuối chương trình, không có câu hỏi nào là anh ta không lặp lại từ này khiến khán giả cảm thấy chói tai. Người mắc phải "bệnh" này nhiều nhất là đôi bạn dẫn chương trình "Hát với ngôi sao" trên HTV. Nguyên Vũ liên tục hỏi: "Bạn có thấy vui không ạ?" hay "Đến với chương trình bạn thấy thế nào ạ?"… trong khi đối tượng được hỏi đa phần là những bạn còn rất trẻ và không ở lứa tuổi mà Nguyên Vũ phải tôn kính đến mức luôn kèm theo từ "ạ"…

Nếu ai đó chịu khó xem các chương trình ca nhạc trên sân khấu, trên đài truyền hình TW lẫn địa phương sẽ thấy chữ "ạ" đang được dùng một cách vô tội vạ, được nhắc đi nhắc lại đến phát chán. Một vị khán giả khi xem Nguyên Vũ dẫn chương trình đã phản ứng - không thể nghe từ "ạ" này thêm một lần nào nữa và nhấn nút chuyển sang kênh khác. Kiểu lạm dụng từ "ạ" này đã "lây lan" sang nhiều MC  đến độ trở thành phản xạ quen thuộc vì có lần, MC nọ khi phỏng vấn một em thiếu nhi đã hỏi rằng: "Cháu ơi cháu có vui không ạ?"

Hạnh Chi
.
.
.