Lửa thiêng không tắt

Thứ Hai, 21/02/2005, 07:32

Và thế là nhà thơ Huy Cận, một trong những tên tuổi có giá trị nhất của nền thơ Việt Nam thế kỷ XX đã ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 86. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học đồ sộ, trong đó có những bài thơ, câu thơ ở tầm trác tuyệt, mãi mãi như những dấu ấn không thể phai mờ được trong kho tàng văn hóa tinh thần của dân tộc và cả nhân loại nữa.

Ngay từ lúc học lớp 7, lớp 8, tôi đã thuộc lòng gần hết tập thơ Lửa thiêng. Và những khi trong lòng buồn nhất, tôi lại lẩm nhẩm đọc lại những câu thơ Huy Cận mà tôi thích và tự nhiên cảm thấy vui hơn như mình vừa được an ủi... "Nắng chia nửa bãi; chiều rồi, Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu. Sợi buồn con nhện giăng mau, Em ơi! Hãy ngủ ... anh hầu quạt đây...". Hay: "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, Con thuyền xuôi mái nước song song. Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả; Củi một cành khô lạc mấy dòng...". Đó là thơ của giai đoạn mà Huy Cận luôn nghĩ về mình bằng câu cảm thán: "Chàng Huy Cận ngày xưa hay sầu lắm...". 

Lớn lên, đọc cả những bài thơ mà Huy Cận sáng tác những năm sau này, tôi cũng thấy rất thích những bài thấm đẫm trí tuệ và tình cảm như Các vị La Hán chùa Tây Phương hay Ngã ba Đồng Lộc... Và tôi nhớ nhất là câu ông viết về nỗi niềm muôn thuở của những hiền nhân xưa và nay: "đau đời có cứu được đời đâu...". Với cảm xúc thơ như thế, tôi cứ hình dung ra một Huy Cận thanh cao, sang trọng và tinh tế...

Rồi công việc làm báo đã cho tôi được trực tiếp gặp ông không chỉ một lần. Đặc biệt, cùng các đồng nghiệp của mình, có lần tôi được thực hiện một cuộc phỏng vấn khá dài cho chuyên mục "Trò chuyện cuối tháng" trên tờ ANTG cuối tháng. Thực sự là sau dịp ấy, tôi lại càng thấy thú vị hơn phong độ của một đại thi sĩ, dù ở tuổi bát thập rồi vẫn giữ được nguyên trong mình những nét hồn nhiên tới thô mộc như trẻ thơ. Nếu thi ca của ông được gọt giũa tới tinh xảo thì cách sống của ông lại rất bình dị, đến độ tự nhiên, như nhiên... Ông nghĩ thế nào thì ông nói nguyên như vậy. Ông thích cái gì thì ông cũng thẳng thắn bộc lộ ra... Không phải nhà thơ lớn nào cũng thế!

Huy Cận đã rất tự hào khi kể rằng, viết thư cho ông, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã dùng từ "Bậc thầy" để gọi ông. Ông cũng rất sung sướng kể chuyện Bác Hồ đã làm thơ tặng ông như thế nào: "Năm 1963, tôi có ra tập thơ lấy tên là Bài thơ cuộc đời, rồi kính Bác một bản để Bác cho nhận xét. Hai ba hôm sau, anh Việt Phương mang đến cho tôi bài thơ Bác viết. Bài thơ đó như sau:

“Cảm ơn chú biếu Bác
quyển thơ
Bác xem quyển thơ
suốt mấy giờ
Muốn Bác phê bình
khó nói nhỉ
Bài hay xen lẫn
với bài vừa”.

Huy Cận cho tới cuối đời mình vẫn luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất dành cho người bạn thơ chung thuỷ của mình, thi sĩ Xuân Diệu. Tình bạn giữa hai người cũng là chuyện hiếm có trong giới văn học nghệ thuật nước nhà. Khi chúng tôi hỏi: "Thông thường những nhà thơ lớn thường rất khó sống chung với nhau, vì mỗi nhân cách sáng tạo là cả một thế giới. Làm thế nào mà bác và bác Xuân Diệu lại sống được với nhau lâu như thế?", Huy Cận đã thẳng thắn trả lời:

- Thứ nhất, các anh có thấy được thơ tôi và thơ Xuân Diệu rất khác nhau không? Hết sức khác nhau. Đề tài khác nhau, nội dung khác nhau, và phong cách hoàn toàn khác nhau. Câu thơ của Xuân Diệu và câu thơ của Huy Cận là hoàn toàn khác biệt nhau. Chính vì hai tâm hồn rất khác nhau, và có thể nói là lại dễ gần nhau, quý nhau hơn. Những người tính cách rất khác nhau nhưng mà có bản lĩnh mạnh lại rất dễ thân với nhau. Anh Xuân Diệu cũng từng nói thế: "Chúng mình giống nhau thì một thằng thừa, hoặc là thừa Xuân Diệu, hoặc là thừa Huy Cận". Nhưng mà may anh ấy và tôi không giống nhau nên được cả hai đứa...

Huy Cận đã sống một cuộc đời phong phú sự kiện và giàu có sáng tạo. Đã có những thời điểm ông còn là một quan chức cao cấp, từng là Bộ trưởng Canh nông trong chính phủ lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám, rồi còn làm Bộ trưởng Đặc trách công tác Văn hóa - Thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng giữa những năm 80 của thế kỷ trước... Nhưng trên hết mọi sự, ông là một thi sĩ đã lập nên những thành tựu nghệ thuật đỉnh cao mà tất cả đều công nhận. Ngọn lửa thiêng thi ca mà ông đã thắp lên sẽ mãi còn sưởi ấm tâm hồn hậu thế

.
.
.