Lớp cha trước, lớp con sau...

Thứ Năm, 03/02/2005, 08:45

Nguyên Đại tá Công an nhân dân, Trưởng đoàn Kịch nói Bộ Công an, nguyên nghệ sỹ Đoàn Kịch nói Quân đội: Hoàng Thành Lợi đã đi xa nhưng những đóng góp của ông với sân khấu kịch nói CAND và QĐND vẫn còn mãi. Tiếp nối ông, nghệ sĩ Hoàng Tuấn, con trai ông đang nối nghiệp cha hoàn tất những đam mê còn dang dở của cha mình…

Quê ông ở tận Lạng Sơn, nhưng ông lại ra đi ở Tp. Hồ Chí Minh, bởi một căn bệnh hiểm nghèo. Lần cuối cùng tôi được gặp ông là lần ông ra Bắc thăm anh em bạn bè trước khi về với tổ tiên, vì bác sỹ điều trị báo trước cho ông biết sẽ chẳng còn bao lâu...

Tôi thương nhớ ông và rất quý con người tài năng, sống đa cảm và gây ấn tượng cho tôi từ buổi đầu tiên gặp gỡ, khi tôi còn là chiến sỹ pháo binh Sư đoàn 312. Sau cái đêm xem diễn kịch tại Phổ Yên (Thái Nguyên) nơi đóng quân của Sư đoàn bộ, sáng hôm sau, tôi cứ ngẩn ngơ nhìn ông - người đóng vai Phú và ông Tường Sơn đóng vai Chánh Tòng trong vở "Chị Nhàn" - kịch bản nổi tiếng của tác giả Đào Hồng Cẩm, với đôi mắt như bị hút hồn. Lúc đó, ông Lợi mỉm cười nhìn tôi và bảo: "Cậu có nhiều yếu tố trở thành diễn viên kịch đấy, xin phép thủ trưởng đơn vị về tuyển vào Đoàn Kịch nói Quân đội đi". Câu nói bâng quơ ấy làm tôi trăn trở và đeo đẳng tôi hai năm liền, để rồi năm 1965, ước mơ của tôi thành sự thật. Chính ông đã dìu dắt tôi những bước đi chập chững ban đầu, truyền cho tôi kinh nghiệm diễn xuất và ngọn lửa lòng nghề nghiệp trong tôi.

Trời phú cho ông một thân hình cao lớn, dù chân đi có hơi vòng kiềng, giọng nói có tý khàn khàn của người nghiện thuốc lào, song bù lại là sự nhập vai đầy đam mê nhiệt huyết, chân thực đến mức tối đa, nên ông xuất hiện trên sân khấu cứ lừng lững đầy thuyết phục, bởi khả năng khắc họa tính cách và xử lý đài từ (tiếng nói sân khấu) có một sức truyền cảm mãnh liệt. Ông đã thể hiện thành công nhiều vai diễn từ khi là nghệ sỹ Đoàn Kịch nói Quân đội trong các vở Cửa sổ cuối cùng, Trưởng thành trong chiến đấu, Ánh sáng Hà Nội, Trước giờ chiến thắng, Nổi gió, Chị Nhàn... cho đến khi ông được điều động về Đoàn nghệ thuật Bộ Tư lệnh 559, rồi khi đất nước thống nhất, ông về Đoàn Kịch nói Công an chủ yếu làm công tác quản lý.

Tôi phải ơn ông vì những dìu dắt ban đầu và sau đó là hàng loạt vai diễn ông đã dành cho tôi đóng thế (gọi là kíp 2) như vai bác sỹ Trọng hoặc cố vấn Dule trong vở Nổi gió, vai đội Phú trong vở Chị Nhàn... Tôi không bắt chước ông, nhưng khi diễn, hình ảnh của ông cứ nhập vào tôi một cách vô thức... Từ những trang "vở học" đó để sau này đứng vững trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi vẫn coi ông là một người thầy, vẫn coi Đoàn Kịch nói Quân đội là cái nôi cho tôi lớn khôn nghề nghiệp.

50 năm thành lập Đoàn Kịch nói Quân đội, ông không được dự vì đã đi xa, trong ngày ấy tôi đã phân cho con trai ông là nghệ sỹ Hoàng Tuấn của Đoàn Kịch nói Quân đội hiện nay, đảm nhiệm vai Phú của ông trong trích đoạn Chị Nhàn của màn nghệ thuật truyền thống kỷ niệm chặng đường 50 năm Đoàn Kịch nói Quân đội.

Vợ ông ngồi dưới khán phòng long lanh nước mắt, còn tôi mũi cay xè khi thấy Tuấn đã vững vàng tiếp bước trong phần việc thiêng liêng một đời nghề của ông. Như vậy là tôi đã thắp cho anh tôi, cho thầy tôi một nén nhang ngưỡng vọng những gì ông đã đóng góp cho Đoàn Kịch nói Quân đội, cho sân khấu kịch nói Việt Nam. Nhìn Tuấn từng bước trưởng thành trên con đường nghệ thuật, tôi mỉm cười vì hồn ông còn trên dương thế ở nơi đứa con trai.

Sẽ là sớm nếu vội viết chân dung nghệ thuật của Hoàng Tuấn, bởi trước mắt là chặng đường dài đi tới đỉnh cao, dù Tuấn đã thể hiện khá tốt một số vai trên sân khấu Quân đội cũng như phim truyền hình. Chúng ta hy vọng ở Tuấn có tình yêu đam mê sân khấu thật sự như cha. Thế là ông Đại tá Hoàng Thành Lợi và Hoàng Tuấn, con trai ông, đã thành đồng chí chung câu quân hành

Đức Trung
.
.
.