Lòng mẹ lặng im

Thứ Bảy, 06/05/2006, 09:05

Một buổi sáng nhiều nắng đầu năm 2006 tại bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp, tôi bất ngờ được nhà thơ Tạ Hữu Yên chậm rãi đọc cho nghe những câu này: Sáng tắm bia hơi /Chiều say rượu đế/Các con say rồi /Mình mẹ dọn mâm.

Được biết, những câu chữ có vần này nhà thơ được nghe lại từ lời kể của một nhà báo. Theo lời nhà báo nọ tường thuật lại thì những câu vừa vui và vừa buồn đó anh đã được nghe ai đó nhại theo giai điệu bài hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, phổ thơ của nhà thơ Tạ Hữu Yên trong một buổi nhậu quắc cần câu ở một quán ăn thuộc một tỉnh Nam Bộ. Hôm ấy chỉ có bia và rượu đế cùng những mặt người nhòe nhoẹt hơi men, chuyện thường ấy trong các bữa nâng lên đặt xuống chén chú chén anh mừng nhau hoặc trả nợ nhau sau những vụ việc làm ăn. Có khi họ còn gây gổ sát phạt nhau nữa nếu thiếu đi sự tỉnh táo khi bia rượu lại quá đầy. Và cuối cùng kết quả của sự ăn chơi ấy là nỗi khổ dành cho mẹ chịu.

Bốn câu nhại theo lời bài hát ấy sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi người đọc nó không phải là nhà thơ Tạ Hữu Yên. Tôi thấy nhói nhói ở trong lòng một nỗi đau. Cũng không phải chỉ riêng tôi. Nhiều người hôm ấy nghe xong cũng chẳng thể cười được khi nhà thơ Tạ Hữu Yên đọc cho nghe một vài câu gọi là nhại lại một bài thơ của ông được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc và đã trở thành ca khúc nằm lòng của nhiều thế hệ ca sĩ mỗi khi hát về Tổ quốc và Mẹ, về những hy sinh cao cả và vô giá của những người chiến sĩ Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đấy là khúc bi tráng của lòng quả cảm dân tộc được tượng hình bằng những người mẹ!

Bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Tạ Hữu Yên được sáng tác khoảng năm 1980 và được in lần đầu tiên ở Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phú (tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hồi chưa tách tỉnh). Năm 1983, sau khi chuốt lại, bài thơ đã được in trên Báo Sài Gòn giải phóng, khoảng năm 1985 bài thơ được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc. Nhà thơ Tạ Hữu Yên còn cho biết khi nhạc sĩ làm nhạc, phần lời một được giữ nguyên:

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Nghe nặng nỗi đau của mẹ
Ba lần tiễn con đi
Hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về
Lòng mẹ lặng im...

Nguyên mẫu của lời thơ là một người mẹ quê ở Thái Bình. Mẹ có ba người con trai ra trận. Từ ngày các con mẹ cầm súng cùng đồng đội đi đánh giặc, chưa một người nào trở lại quê hương. Ngày ngày mẹ thường hướng mắt ra phía đường làng chờ bóng con về. Đường chỉ in bóng mẹ còn các con thì vẫn biệt tăm. Chỉ có tiếng lá rụng trong vườn, tiếng gió nơi lũy tre làng và tiếng mẹ thổn thức tận trong tâm cùng những ký ức về con. Đêm đêm mỗi lần nghe tiếng động cổng mẹ lại giật mình ngỡ tiếng con về. Mẹ lại lần bước qua sân, lò dò ra tận cổng ngóng chờ. Mẹ chỉ nghe thấy tiếng gió xao xác mà xoáy sâu tận tâm can nỗi đau mất mát!

Những đứa con mẹ dứt ruột đẻ ra đã vì nước quên thân không trở về với mẹ. Đất nước những năm đánh giặc là đất nước của những bà mẹ cắt lòng mình cho con ra trận. Những năm các mẹ phải hy sinh cốt nhục của gia đình, dòng họ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Người mẹ Thái Bình ấy ba lần tiễn con đi là ba lần biền biệt. Mẹ chỉ là một trong biết bao bà mẹ trên đất nước này như thế. Có mẹ may mắn còn nhận lại được hài cốt của con. Có mẹ chỉ biết tìm con trong tâm tưởng. Xúc động trước những câu chuyện và nghĩa cử cao cả này của các mẹ, của người mẹ Thái Bình, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã viết bài thơ này. Ông bảo, ông chỉ viết: "Ba lần tiễn con đi - Hai lần khóc thầm lặng lẽ" chứ không dám viết "Ba lần tiễn con đi - Ba lần khóc thầm lặng lẽ" như sự thật diễn ra. Trong đáy lòng nhà thơ mặc áo lính từng vào sinh ra tử bao lần này vẫn muốn, rất muốn có một người con của mẹ được trở về với mẹ cho dù đấy chỉ là ước muốn mang tính tâm linh. Đây là một nén tâm nhang của người làm thơ trước nỗi đớn đau vĩ đại của những người mẹ Việt Nam Anh hùng!

Hôm nay ta sống trong no ấm, hòa bình từ những nỗi đau bom đạn, chiến tranh và những mất mát không thể bù đắp của mẹ. Xin đừng ai và đừng bao giờ để mẹ phải đau thêm...

.
.
.