Lời chào cao như nhân cách

Thứ Bảy, 20/09/2008, 09:14
Trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, Nguyễn Hiền là một thần đồng về học vấn: 12 tuổi đỗ Trạng nguyên (khoá thi năm 1247), khiến vua Trần Thái Tông không khỏi ngạc nhiên.

Giai thoại kể lại rằng, sau khi thi Đình, vua Trần Thái Tông có hỏi "thêm" Nguyễn Hiền:

- Quan Trạng học ai mà giỏi thế?

- Tự học!

- Vậy khi gặp chữ khó thì quan Trạng hỏi ai?

- Hỏi nhà chùa!

Nhà vua mỉm cười ngẫm nghĩ "người này mới chỉ chú trọng học Văn, mà chưa được học nhiều về Lễ" (ý vua là, quan Trạng nói trống không), một lát sau mới nói:

- Nhà ngươi còn trẻ quá. Ta cho về quê 3 năm, đợi khi trưởng thành mới triệu về triều, bổ làm quan…

Rồi vua Trần Thái Tông bảo với các quan trong triều cử người dạy Lễ cho quan Trạng.

Thời ấy, cấp nhà nước có Bộ Lễ chuyên chăm lo việc lễ nghi phép tắc quốc gia cho thần dân; cấp làng xã cũng có Hương ước chăm lo việc luật lệ trong thôn xóm để mọi người cùng theo. Trong phần Lễ, Hương ước làng tôi có ghi: Khách đến, dù người lạ hay quen, dù bậc cao niên hay ít tuổi, chủ nhà đều phải cung kính chào hỏi, tiếp đón tử tế…

Ngày nay, chỉ còn lại một số làng quê, đặc biệt là các thành phố phía Nam, vẫn duy trì được đôi nét gia giáo ấy. Tuy nhiên còn nhiều thanh niên ngoài Bắc chưa có thói quen chào hỏi.

Tôi có anh bạn thân hiện đang công tác tại một toà báo lớn ở Hà Nội. Anh thường tâm sự rằng, nhiều phóng viên trẻ, mặc dù đã cùng công tác trong đơn vị tới hai, ba năm, mà gặp anh đầu đã bạc, buổi sáng, mặt đối mặt, họ vẫn không chào hỏi. Có lần, một phóng viên mở cửa phòng anh, nhìn quanh không thấy người mình cần gặp, anh quay ra, bốn mắt nhìn nhau chằm chằm, thế mà anh ta đóng sầm cửa lại.

Có lần anh đã mời phóng viên nọ vào phòng và nói: "Bạn có biết cụm từ "A Di Đà Phật" nghĩa là gì không?". Anh phóng viên ngơ ngác, bảo: "Cháu không biết".

Anh nói: "Ngoài ý nghĩa là niệm Phật, người theo đạo Phật còn dùng cụm từ này để chào hỏi nhau. Phật tử đến chùa am thanh cảnh vắng, niệm câu A Di Đà Phật vừa là lời chào hỏi, vừa là lời đánh tiếng để nhà chùa còn biết mà ra tiếp khách. Hồi tôi còn nhỏ, lên chùa chơi, sư ông trụ trì còn dặn rằng, con nhớ chào hỏi mọi người thật lễ độ, cung kính và thành tâm. Nếu con cùng sống trong một tổ chức, thì chỉ cần chào lần đầu gặp là được. Nhớ là không được chào nhau, nhất là với bề trên, ở nơi vệ sinh. Vì như thế, vừa thiếu tôn trọng người được chào hỏi, vừa nhiễm vào phổi uế khí, có hại cho sức khỏe". Anh bạn phóng viên cảm động lắm, nhận lỗi và hứa sẽ sửa chữa.

Lại một chuyện tức cười khác. Anh Phó trưởng Phòng Phát hành của một tờ báo nọ, trưa nào cũng phi xe máy về chỗ vợ ăn cơm và bật máy lạnh ngủ trưa. ăn nhờ ở đậu cũng là chuyện bình thường, nhưng cái không bình thường là anh ta không bao giờ chào hỏi bất kỳ một ai trong cơ quan vợ.

Mọi người phàn nàn, cô vợ thanh minh: Anh ấy ở đâu cũng vậy, đến cơ quan, gặp sếp cũng không chào. Sếp cáu, gọi lại bảo, tôi tuyển anh về đây, tạo công ăn việc làm cho anh xóa đói giảm nghèo, lương thưởng cấp chức đều đều, thế mà gặp tôi, anh không chào hỏi là cớ làm sao?

Công tác ở một cơ quan văn hoá thì không thể tồn tại những con người thiếu văn hoá được. Anh ấy là người tốt, hết lòng vì vợ vì con vì gia đình, chết nỗi, không được giáo dục từ bé, nên chưa có thói quen chào hỏi mà thôi. Cũng chỉ vì thế mà anh ấy phải xin chuyển đến báo X.

Một lần, gặp anh ta, anh bạn tôi chủ động chào trước, thì anh ta bật ra một tiếng "hư", anh bạn tôi gọi người đó lại và nói: "Tôi luôn sống tử tế với mọi người, gặp anh gác cổng, bảo vệ ít tuổi hơn, tôi cũng chào hỏi chân tình, thân thiện, anh bảo tôi "hư" ở điểm nào?". Anh ta lúng búng nói chẳng nên lời, mặt đỏ tía tai. Anh bạn tôi bảo, thôi thế cũng còn được.

Rồi anh bạn tôi giải thích: Cậu biết không, ngày xưa, người ta cho trái tim là vật để nghĩ ngợi, cho nên cái gì thuộc về tư tưởng đều gọi là Tâm. Nhưng theo khoa học thì Tâm (tim) cũng là nơi nhận về máu đen, biến đổi thành máu đỏ, rồi chuyển đi khắp cơ thể. Vì thế, trong tiếng Hán Việt cổ, chữ Sỉ, chiết tự ra, gồm bộ Nhĩ (là cái tai) và bộ Tâm (là quả tim). Sỉ nghĩa là xấu hổ, đến nỗi máu hồng dồn lên làm đỏ mặt tía tai.

Ai không chào tôi, tôi cứ nhìn vào đôi tai của anh ta: Nếu tai đỏ, tức là vẫn còn biết Sỉ. Các cụ ngày xưa đã phải mắng quân vô liêm sỉ, là nặng lắm đấy! Bởi thế, các cụ rất chú trọng giáo dục con cháu phải biết lễ nghĩa. "Lời chào cao hơn mâm cỗ" mà!

Tâm Giao
.
.
.