Lộc Ninh - Bình Phước: Các di tích lịch sử quốc gia đang kêu cứu

Thứ Sáu, 16/05/2008, 14:39

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để có đủ và cung cấp kịp thời nguồn nhiên liệu phục vụ chiến đấu tại các chiến trường, những người lính Trường Sơn đã không tiếc máu xương, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ thi công lắp đặt đường ống dẫn nhiên liệu dài 1.941km từ cảng Bến Thủy (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đến phần cuối của dãy Trường Sơn, nay thuộc địa bàn xã Bù Gia Mập (huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước).

Từ tổng kho chính này, xăng dầu được chia về các tổng kho nhiên liệu khác, trong đó có tổng kho VK98 tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh. Tổng kho VK98 có 7 bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 250.000 lít. Được quý trọng như máu trong cơ thể con người nên các bồn chứa của kho nhiên liệu VK98 được chôn sâu dưới lòng đất, rất bí mật và được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Do có nhiều đóng góp với cuộc kháng chiến, góp phần thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc nên ngày 6/12/1989, tổng kho xăng dầu VK98 đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trải qua thời gian, với nhiều lý do khác nhau, đến nay 6 bồn chứa cùng đường ống dẫn đã bị mất, chỉ còn lại duy nhất bồn chứa số 7, nơi đã được Sở VH-TT tỉnh Sông Bé (cũ) dựng bia. Xã Lộc Quang đã đặt tên ấp ở khu vực tổng kho VK98 là ấp Bồn Xăng.

Được mang tên gắn liền với những chiến công lịch sử của dân tộc, nhân dân ấp Bồn Xăng hết sức tự hào phấn khởi nhưng cũng rất đỗi lo ngại vì tấm bia đá lịch sử này đã bị ngả nghiêng. Đất dưới chân tấm bia đã bị lún nên chân móng của tấm bia bị lung lay, nếu không kịp thời gia cố có thể sẽ bị đổ bất kì lúc nào.

Tuy còn khó khăn nhưng với tinh thần yêu nước, những người dân ấp Bồn Xăng dự định sẽ góp tiền, góp công dựng lại tấm bia nhưng ngành VH-TT tỉnh Bình Phước lại chưa đồng ý vì đây là công trình lịch sử cấp quốc gia, mọi tôn tạo, thay đổi và kinh phí sửa chữa phải được Bộ VH-TT và Du lịch đồng ý rót kinh phí. Đến nay, mùa mưa đã đến, kinh phí để sửa chữa, tôn tạo lại móng bia do Nhà nước cấp thì chưa thấy đâu. Liệu di tích lịch sử quốc gia này có trụ được từ nay đến hết mùa mưa hay không?

Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, sân bay quân sự Lộc Ninh hiện do ngành VH-TT tỉnh Bình Phước quản lý, bảo quản và khai thác. Trong những năm qua, đã có nhiều đoàn khách quốc tế cũng như trong nước đến khu di tích lịch sử sân bay quân sự Lộc Ninh tham quan và nghiên cứu. Toàn bộ diện tích đất khu vực sân bay được xác định là đất quốc phòng, giao cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lộc Ninh quản lý.

Biết rõ đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, cần phải được bảo vệ và quản lý nhưng không hiểu sao, ngày 3/4/2000 UBND tỉnh Bình Phước lại ra Quyết định số 629/QĐ-UB phê duyệt kế hoạch chi tiết thi công tuyến đường số 1 (chạy qua thị trấn Lộc Ninh), chiều dài 6,34km.

Theo báo cáo của Sở VH-TT, khi thi công tuyến đường này, chủ dự án (Ban quản lý dự án huyện Lộc Ninh) đã không hề thông báo cho ngành VH-TT và Bảo tàng tỉnh biết. Do vậy, quá trình san ủi mặt bằng đường đã xâm phạm vào khu vực I của di tích 10.000m2...

Không chỉ có sân bay quân sự Lộc Ninh, Nhà Giao tế - trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được xây dựng từ tháng 3/1973 cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại, toàn bộ phần gỗ của Nhà Giao tế như các cây cột, ván thưng, phần mái, bục lên xuống… cũng đã bị mục ruỗng vì mối, mọt.

Theo thông tin chúng tôi có được, ngành VH-TT tỉnh Bình Phước cũng đã có kế hoạch xin kinh phí sửa chữa từ lâu nhưng đến nay, Nhà Giao tế Lộc Ninh, công trình lịch sử văn hóa cấp quốc gia vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức

Anh Ngọc
.
.
.