Loại hình nghệ thuật sân khấu cổ xưa nhất của Nhật Bản tới Hà Nội

Thứ Hai, 18/08/2014, 18:01
Theo Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, chương trình “Giao lưu và biểu diễn Kịch rối Nhật Bản” sẽ diễn ra hồi 10 giờ ngày 30.8 tại Nhà hát Múa Rối Việt Nam ở số 361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo đó, các nghệ sỹ đến từ đất nước “Mặt Trời mọc” sẽ trình diễn trích đoạn “Tháp canh đêm” trong vở “Tình yêu cháy bỏng của con gái người bán rau.”

Trong khuôn khổ của chương trình, các nghệ sỹ Nhật Bản cũng sẽ giới thiệu cách điều  khiển con rối Nhật Bản và tham gia giao lưu trực tiếp với công chúng, các nghệ sỹ rối nước Việt Nam.

Được biết, cùng với hai loại hình sân khấu khác là kịch Noh và Kabuki, kịch rối là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu cổ xưa nhất của Nhật Bản.

Kịch rối Nhật Bản kết hợp giữa nghệ thuật kể chuyện qua các con rối và âm nhạc. Những câu chuyện trong các vở kịch rối thường xoay quanh hai chủ đề chính: Những câu chuyện lịch sử về thời phong kiến và những câu chuyện đương đại kể về những xung đột nảy sinh do rào cản của xã hội.

Kịch rối Nhật Bản hiện tại được thừa hưởng từ phong cách biểu diễn kịch rối từ giữa thế kỷ thứ XVIII. Mỗi con rối được điều khiển bởi ba người và khán giả có thể hoàn toàn nhìn thấy họ hiện diện trên sân khấu. Người làm nhiệm vụ kể chuyện và một nghệ sỹ khác chơi đàn ba dây shamisen sẽ ngồi ở trên bục phía bên phải sân khấu.

Hiện nay, khoảng 160 vở trong số 700 kịch bản có từ thời Edo của loại hình kịch rối Nhật Bản vẫn còn được lưu giữ và dàn dựng.

Chương trình “Giao lưu và biểu diễn Kịch rối Nhật Bản” do tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Nhà hát Kịch Quốc gia Nhật Bản Bunraku Kyokai, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kansai Butai... thực hiện

Hải Châu
.
.
.