“Lò” đào tạo hoa hậu ở đất Cảng

Chủ Nhật, 01/06/2008, 17:02
Tuy chưa có được con số thống kê chính xác, nhưng qua các cuộc thi hoa hậu, có lẽ không có tỉnh, thành nào ở Việt Nam lại có nhiều người đoạt các danh hiệu về sắc đẹp như Hải Phòng. Có những cuộc thi mà mỹ nhân đất Cảng chiếm tới 2/3. Phải chăng TP Cảng này có những "lò" đào tạo mỹ nhân với công nghệ hoàn hảo nhất nước?

Một miền mỹ nhân

Nhâm nhi ly cà phê ở một quán cóc ven đường, tôi phập phồng mường tượng những nàng "công chúa" mà chỉ nửa giờ xe máy nữa thôi, tôi sẽ gặp được họ. Đó là một vùng quê có lắm người đẹp tới mức, tiền nhân ở xứ biển này đã phải "xướng" thành câu ca cho dễ nhớ, dễ tìm: "Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa" (làng Trà Phương thuộc xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).

Nhưng tôi đã không thể bước ra khỏi quán cà phê cóc này để tới ngay nơi đó được. Bởi, có rất nhiều những "bông hồng" rực rỡ trên đường. Quả thật, chưa biết số đo cụ thể thế nào, nhưng những cô gái chân dài, có phom người ngon mắt nhiều không sao đếm xuể. Không chỉ các cô gái trẻ, nhiều phụ nữ đứng tuổi đang trên đường đến nhà máy, công sở cũng có gương mặt thanh thoát, khả ái đến xiêu lòng.

Bạn tôi, nhà thơ Mai Văn Phấn, một người sống ở Hải Phòng, trong nhiều thi phẩm của mình, đã nhận xét về người đẹp đất Cảng: "Đó là nhan sắc của biển…".

Còn với ông chủ quán cà phê đây, thấy tôi là phụ nữ, vừa nhâm nhi cà phê, vừa dán mắt vào các cô gái trẻ, đẹp ở bên kia đường, thì lấy làm thú vị, mỉm cười: "Phụ nữ Hải Phòng đẹp tự nhiên như thế thì nhiều lắm!".

Nhiều là bao nhiêu, có lẽ chưa ai thống kê được. Chỉ biết cho đến nay, qua nhiều cuộc thi hoa hậu, người mẫu Việt Nam và thế giới, hàng chục tên tuổi người đẹp đất Cảng đã làm rạng danh đất nước, quê hương.

Từ năm 1993, Nguyễn Thị Kim Oanh đã đăng quang Hoa khôi cuộc thi Khoẻ đẹp - Thời trang. Cô gái đất Cảng này còn làm cho quê hương mình nức lòng hơn khi đoạt luôn cả giải ứng xử hay nhất.

Còn Vũ Minh Thuý bước lên bục vinh quang với ngôi vị Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong 1996. Nối tiếp đàn chị, Nguyễn Thu Huyền (Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 1999), Hoàng Nhật Mai (Hoa hậu Biển Việt Nam lần 1 năm 1999), Nguyễn Ngọc Oanh (Á hậu cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong năm 2000)…

Đặc biệt, cũng năm 2000, ấn tượng nhất tại cuộc thi Hoa hậu phía Bắc năm đó, có 13 người đẹp được chọn thì Hải Phòng đã chiếm tới 8. Gần đây (năm 2002), Phạm Thị Mai Phương, dù còn một chút buồn riêng, nhưng về nhan sắc và trí tuệ, cô gái Hải Phòng này vẫn xứng đáng đội vương miện Hoa hậu Việt Nam.

Riêng Nguyễn Thị Huyền, với vẻ đẹp tròn đầy, "khuôn trăng" tuổi 19 ngời sáng, chiều cao 1m72 và các số đo đáng mơ ước 89-60-91, cô đã bước lên bục vinh quang với danh hiệu Hoa hậu Việt Nam năm 2004 và trong tốp 10 người đẹp nhất thế giới. Cho đến nay, Huyền vẫn chiếm được sự ái mộ của nhiều người cả về nhan sắc lẫn trí tuệ sắc sảo của mình.

Năm 2006, "búp bê" Nguyễn Ngọc Anh, Hoa hậu Hải Phòng, tuy không được nhận vương miện đẹp nhất của đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhưng cô gái Hải Phòng này vẫn có quyền hãnh diện là một trong 5 người đẹp nhất Việt Nam.

Năm 2007, tại cuộc thi Hoa hậu Thể thao và Hoa hậu Trang sức Việt Nam, 2 cô gái Hải Phòng là Trần Thị Quỳnh và Lưu Thị Vân Anh lại tiếp tục gặt hái vinh quang với ngôi vị Hoa hậu.

"Công nghệ" đào tạo hoa hậu

HLV Đinh Hồng Sơn hướng dẫn người đẹp tập luyện.

Chị Đinh Hồng Sơn, cán bộ Phòng Nghiệp vụ, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng, một trong những người có công nhất phát hiện, đào tạo và dẫn dắt nhiều cô gái đẹp Hải Phòng đi thi Hoa hậu, bộc bạch với tôi: "Phụ nữ Hải Phòng đẹp tự nhiên có nhiều, nhưng chỉ như vậy thôi chưa đủ, mà còn phải biết cách làm đẹp, biết cách thể hiện cái đẹp mới có thể đăng quang trong các cuộc thi sắc đẹp được".

Hải Phòng, vùng đất từ lâu đã nổi danh là nơi có những "lò" đào tạo các hoa hậu, người mẫu thành công. Ngoài Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng, còn có Cung Văn hoá - Thể thao Thanh niên và hàng chục vũ trường tại các quận, huyện cũng tham gia đào tạo người đẹp.

Theo chị Sơn, đặc điểm hình thể của người đẹp Hải Phòng là vóc dáng cao khỏe, gương mặt thanh, mắt to. Tuy nhiên, hiếm có người đẹp nào tự nhiên đã "mười phân vẹn mười". Khiếm khuyết cơ thể của họ thường bị nặng hoặc nhẹ ở vùng đùi, mông, lưng, cổ, bụng… Những lớp đào tạo người đẹp, đặc biệt là phần thể dục thẩm mỹ chuyên sâu, sẽ giúp các cô gái khắc phục được những khiếm khuyết này.

Chị Vũ Tuyết Oanh, người trực tiếp đào tạo, hướng dẫn Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền dốc bầu tâm sự: "Vương miện Hoa hậu mà Huyền đoạt được tại cuộc thi chính là kết quả của nhiều năm khổ luyện (Huyền tập luyện từ năm 13 tuổi). Với Huyền, đây là cả một quá trình rèn luyện bản thân gian khổ, không chỉ thể, mỹ mà cả đức và trí nữa".

Cũng theo chị Tuyết Oanh, không phải cứ đẹp là thành Hoa hậu được và cũng không phải, cứ đến cơ sở thể dục thẩm mỹ hay vũ trường tập tành chóng vánh năm bữa, nửa tháng là thành hoa hậu ngay, mà phải kiên trì bền bỉ, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Đấy là luyện tập về hình thể, còn về kiến thức, bản thân người đẹp không thể long lanh nếu mặt bằng kiến thức còn những khoảng trống, chưa được lấp đầy. Và như vậy, dù có vào chung kết cuộc thi sắc đẹp nào đấy, thì người đẹp cũng chỉ là "pho tượng", là "bình hoa di động" mà thôi.

Hậu hoa hậu

Hầu hết người đẹp, sau các cuộc thi dù có giành được danh hiệu gì hay không, cuộc sống đều có nhiều thay đổi, được nhiều người biết đến và quan tâm nhiều hơn. Chính vì vậy, họ luôn phải đối mặt với nhiều cám dỗ. Nếu là người đẹp được thừa hưởng một nền giáo dục đến nơi đến chốn, có bản lĩnh sống vững vàng sẽ tránh xa được những cạm bẫy và gặt hái được những thành công trong sự nghiệp.

13 năm trước sau khi đăng quang Á hậu 1, Vũ Minh Thuý được coi là thần tượng của các cô gái Hải Phòng (đỗ cùng lúc 3 trường ĐH danh tiếng). Mọi người nghĩ rồi đây, cô sẽ tiếp bước các đàn chị, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường thấy như: Diễn thời trang, quảng cáo, đóng phim…

Bố của Vũ Minh Thuý - nhà văn Vũ Quốc Văn kể lại, thời điểm đó, có đến hàng trăm lá thư của những người ái mộ từ khắp nơi gửi về, trong đó có các "đại gia" mời chào Thuý đến công ty của họ làm việc, với mức lương khá hậu hĩnh. Thậm chí, một số người còn xin tài trợ dài dài để sau này rước Thuý về làm cho họ, nhưng Thuý đều từ chối.

Điều gì khiến Vũ Minh Thuý lại chối từ những đặc ân dành cho người đẹp? Câu trả lời của Thuý là: "Vì không muốn phụ thuộc vào ai".

Theo gương cô, nhiều người đẹp bước ra từ các "lò" luyện ở Hải Phòng cũng đã tự khẳng định được mình: Hoa khôi Nguyễn Thị Kim Oanh hiện đang là chủ một doanh nghiệp ở TP HCM, Hoa hậu Biển Việt Nam Hoàng Nhật Mai cũng đang làm Trưởng phòng biên tập của một tờ báo có tiếng; còn Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh Lê Minh Phượng và Hoa hậu Việt Nam Phạm Thị Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền hiện đang du học ở nước ngoài, tiếp tục con đường học vấn của mình.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ở nước ngoài như Venezuela chẳng hạn, người ta không chỉ có công nghệ mỹ nhân, mà còn có hẳn một trung tâm đào tạo lớn, chuyên sâu về lĩnh vực này. Nhờ đó, đã đào tạo được rất nhiều người đẹp tầm cỡ châu lục và thế giới.

Việt Nam chưa có cơ sở nào như vậy. Ngay cả Hải Phòng, cái nôi đào tạo người đẹp thì cũng mới dừng ở mức tự phát, chưa được các cấp, các ngành chức năng thực sự quan tâm. Vì thế, việc khủng hoảng thừa những "hoa" không có "hậu" cũng là điều dễ hiểu. Và đương nhiên, người thiệt thòi, không may mắn lại chính là các hoa hậu. Họ được tôn vinh kiểu "cá mè một lứa" nên chính họ đã không ý thức được mình phải làm gì cho bản thân và cho cộng đồng.

Nhưng dù chúng ta đang lạm phát trong công tác săn lùng nhan sắc, thì một người xứ biển, hâm mộ như tôi, nếu được thưởng ngoạn một cuộc thi hoa hậu, chắc chắn tôi sẽ ngồi lặng lẽ với niềm tự hào riêng tư về một đất nước ngày càng tiến bộ, văn minh, trong đó có mảnh đất từng mệnh danh "Hải biên phòng thủ", cái nôi của người đẹp này

Lệ Thu
.
.
.