Linh hồn của cải cách giáo dục

Thứ Sáu, 29/08/2008, 09:51
đánh giá về công lao của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn nhận xét: "GS.VS Nguyễn Khánh Toàn là linh hồn của cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) và cải cách giáo dục lần thứ hai (1960)..., kiến trúc sư những thắng lợi trong giai đoạn đầu của sự nghiệp giáo dục cách mạng ở nước ta".

Ngày 20/8, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Nguyễn Khánh Toàn (1905 -1993) do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký tặng vì "Đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc". Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cống hiến của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn trên nhiều lĩnh vực.

GS.VS Nguyễn Khánh Toàn là một nhà giáo, nhà khoa học lớn. Từ năm 1931, ông đã là đảng viên Đảng Cộng sản và giúp Quốc tế Cộng sản nhiều lĩnh vực. Với những đóng góp tích cực, ông đã được Quốc tế Cộng sản giao giữ cương vị Phó Ban Đông Dương.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã trở thành Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Từ đó, ông được giao nhiều trọng trách: Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước và từ năm 1965 đến khi ông nghỉ hưu, ông là Chủ nhiệm Ủy ban KHXH. Ông cũng là người đồng chí, người em thân thiết của Hồ Chủ tịch từ những năm kháng chiến đầy gian khó. Nền giáo dục và khoa học Việt Nam đã in nhiều dấu ấn của ông với sự đóng góp không mệt mỏi.

GS.VS Nguyễn Khánh Toàn còn là Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng khóa II, khóa III, Đại biểu Quốc hội khóa II và III. Từng là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản Đại Việt sử ký toàn thư, ông cũng đã được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức.

Trong suốt cuộc đời mình, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn đã viết hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo. Năm 1996, ông đã được Chính phủ truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm những công trình thuộc lĩnh vực sử học, trong đó nổi bật 2 cuốn: Vài nhận xét về thời kỳ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long và Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản.

Kiến thức uyên thâm, rộng lớn, mỗi công trình nghiên cứu của ông đều không chỉ sâu sắc mà còn mang đậm giá trị nhân văn. Mỗi trang viết của ông như tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cho thế hệ trẻ trong những câu chuyện lịch sử nhiều ý nghĩa.

Từ những ngày cách mạng còn trứng nước, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn đã góp phần không nhỏ để xây dựng nền giáo dục Việt Nam, bằng đề án cải cách giáo dục đã được TW Đảng, Bác Hồ, Quốc hội và Chính phủ rất ủng hộ.

Trong hồi ký của mình, ông nhớ lại: "Cuộc cải cách giáo dục đầu tiên ở Việt Nam có tính chất thực dân sang giáo dục dân chủ nhân dân với 3 phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp từ phổ thông đến đại học đã có một tiếng vang. Tháng 12/1958. Chính phủ Ấn Độ mời tôi sang trao đổi về văn hóa giáo dục, trong đó có kinh nghiệm của Việt Nam về giảng dạy tiếng mẹ đẻ ở các cấp học".

Ít năm sau, trong cuộc cải cách giáo dục lần 2, ông tiếp tục giữ vai trò là linh hồn để xóa nạn mù chữ, góp phần đẩy mạnh sản xuất và nâng cao giác ngộ chính trị của nhân dân.

Chính vì thế, đánh giá về công lao của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn nhận xét: "GS.VS Nguyễn Khánh Toàn là linh hồn của cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) và cải cách giáo dục lần thứ hai (1960)..., kiến trúc sư những thắng lợi trong giai đoạn đầu của sự nghiệp giáo dục cách mạng ở nước ta".

Những năm về sau, chuyển sang nghiên cứu KHXH, ông lại tiếp tục đi tiên phong trong việc khai mở một số bộ môn KHXH cũng như đưa ra những chủ trương có ý nghĩa đối với hoạt động nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học. Gần 20 năm giữ cương vị Chủ nhiệm UB KHXH Việt Nam đầu tiên, ông đã thực sự là cầu nối giữa nền khoa học Việt Nam với các nước. 

Nhắc đến GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, GS.Vũ Khiêu nhận xét: "Với trọng trách mới của mình, anh Toàn tập trung vào việc lãnh đạo KHXH cả về tổ chức và học thuật. Các bộ môn KHXH lần lượt được thành lập. Những kế hoạch nghiên cứu ngắn hạn và lâu dài được xét duyệt và phân công thực hiện. Những công trình quan trọng nhất của Ủy ban lúc đó đều được anh Toàn chỉ đạo và thường được chính anh dự thảo đề cương biên soạn rất công phu. Sự lãnh đạo chặt chẽ ấy của anh khiến cho hoạt động KHXH nhanh chóng đi vào nền nếp. Tôi nghĩ rằng không quá đáng nếu nói: Anh chính là linh hồn của KHXH ở thời gian đó". 

Tất nhiên, để có được những thành quả như GS.VS Nguyễn Khánh Toàn cũng không phải dễ dàng. Ông từng phải đấu tranh nhiều năm để bảo vệ các chủ trương đúng đắn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ông cũng là một trong những người đầu tiên đề xuất nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sau Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng của Nhà nước lần này đã thêm một lần ghi nhận công trạng lớn lao cũng như tầm vóc trí tuệ của ông. Bài viết này như một nén nhang thành kính với nhà cách mạng, nhà khoa học và nhà văn hóa lớn của đất nước từng được mọi người thân yêu gọi là "giáo sư đỏ" nhân dịp ông được nhận Huân chương

Dạ Miên
.
.
.