Liều thuốc hiệu nghiệm

Thứ Hai, 17/07/2006, 13:30
Trong đời ai chả có lúc đau ốm. Nghĩa cử thăm nom nhau là một truyền thống đẹp, một liều thuốc hiệu nghiệm góp phần xoa dịu nỗi đau cho con người!

Người ta từ lúc sinh ra cho đến khi già cả có ai không một lần đau ốm. Tôi cũng từng ốm đau, người thân của tôi cũng có lúc khỏe, lúc yếu. Quả tình những lúc như thế mới thấy sức khỏe là điều quý báu, quan trọng đầu tiên của con người.

Cũng những lúc như thế người ta mới thấy hết được tình người cho dù chỉ là một câu hỏi han hay đôi lần thăm hỏi. Đến với nhau nhiều ít không phải là điều người ốm phải nghĩ ngợi, băn khoăn nhiều. Cái sâu xa là sự quan tâm đến nhau với những sẻ chia chân thành...

Tôi nhớ cách đây trên bảy năm gì đó phải nằm điều trị bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an. Thầy thuốc chăm sóc tận tình như anh em. Cơ quan, bạn bè đến thăm nom nhiều. Ai cũng tận tình, chu đáo. Mỗi lần thấy mặt người thân quen đến thăm là mỗi lần xúc động, là mỗi lần mắt rơm rớm muốn khóc. Có nằm trong cơn bệnh mới thấy mình cô đơn, mới thấy cần biết bao nhiêu tiếng nói nụ cười của những tình cảm thăm thân.

Lần ốm đau ấy tôi không sao có thể quên được hình ảnh hai lão đồng chí đi ôtô buýt từ trung tâm thành phố vào rồi đi bộ từ ngoài bến xe xa có đến gần 2 cây số đến thăm tôi. Hai bác đều già. Có bác còn có thương tật ở chân nữa. Nhìn gương mặt người cao tuổi nhễ nhại mồ hôi với nụ cười chia sẻ, tôi không sao cầm lòng được. Hai bác từng là tù chính trị ở nhà tù Hỏa Lò thời thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội. Tôi đã đi tìm hiểu, viết bài về hai bác và những đồng đội đánh giặc thời chín năm của hai bác. Nay mình ốm đau, hai bác biết tin không quản tuổi già sức yếu đã đến thăm làm sao không cảm động cho được. Nhìn bó hoa các bác ôm trên tay tặng cho mình nơi giường bệnh mà cơn đau trong tôi như được giảm đi rất nhiều. Sự chân tình ấy là hương thơm của những bông hoa tươi đối với người đau yếu...

Quê tôi từ lâu lắm đã có phong tục đẹp trong tình nghĩa của con người khi ốm đau. Một người ốm là cả nhà bận bịu, hàng xóm lo lắng theo. Nếu ở quê thì tấp nập người ra vào thăm hỏi. Nếu phải lên tỉnh hoặc ra Hà Nội điều trị thì cả nhà đi theo chăm sóc rồi cả họ hàng, làng xóm cũng theo ra thăm hỏi nữa.

Dạo mẹ tôi nằm bệnh vì tuổi cao, anh tôi tuổi lúc ấy đã gần bảy mươi nhưng cả ngày không dám xa cụ lấy một bước. Tôi thì ngày chủ nhật nào cũng từ nơi công tác về với mẹ cho dù mưa to gió lớn. Lúc ấy mẹ chỉ muốn thấy mặt con, con muốn được gặp mẹ. Chiều nào cũng như chiều nào vào lúc sâm sẩm tối sau bữa cơm chiều của mỗi gia đình là nhà tôi nhộn nhịp người vào ra. Hễ cứ ai biết được tin đều cố gắng đến thăm mẹ tôi. Có người chiều nào cũng đến. Nhiều khi chỉ hỏi thăm đôi câu:

- Chiều nay cụ có ăn được lưng cơm không?

- Cảm ơn cụ, chiều nay cụ cháu chỉ húp được mấy thìa cháo!

Con cháu thay nhau trả lời cho mẹ tôi. Cụ mỗi ngày mỗi yếu nên nói năng có phần khó khăn hơn nên con cháu thường phải thay lời. Người đến thăm bao giờ cũng muốn được ngồi cạnh cụ, hỏi được cụ mấy câu mới thấy yên tâm.

Mẹ tôi không dậy nổi sau cơn ốm cuối cùng của tuổi tám nhăm. Cụ nằm bệnh đúng một trăm ngày. Cũng ngần ấy ngày nhà tôi không hôm nào là không có người đến thăm. Một ngôi nhà ngói cổ năm gian cứ tối đến là ấm áp tiếng người. Chỗ mẹ tôi điều trị chỉ là một vuông nhà nhỏ thôi mà in đậm tình cảm của xóm làng, của anh em họ tộc, của bà con xa gần thân thuộc.

Ngày mẹ tôi mất người đến phúng viếng, đưa tang chật nhà. Gia đình tôi thật có phúc lớn. Khi mẹ tôi nằm bệnh rồi được về với tiên tổ cũng là lúc con cháu thấm đậm hơn bao giờ hết tình nghĩa của làng xóm, anh em, bạn bè... gần xa trong thăm hỏi, sẻ chia! Chuyện đã cách đây ngót hai mươi năm rồi nhưng chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí chúng tôi.

Gần đây người thân trong gia đình tôi có việc phải cần đến bệnh viện. Vừa nhập viện hôm trước, hôm sau người bệnh đã phải làm ngay các thủ tục để chuẩn bị cho hôm sau mổ. Ngày trước khi mổ là ngày căng thẳng và lo lắng của cả nhà. Người ruột thịt ở quê ra quây quần quanh người bệnh. Một cái nắm tay động viên, một câu nói lạc quan cũng đủ làm yên tâm cả người bệnh lẫn người chăm nom. Lúc ấy sự có mặt của anh em ruột thịt là điều không thể thiếu đối với người sắp phẫu thuật. Khi người bệnh vào phòng mổ cũng là lúc người thân lo lắng đứng ngoài chờ đợi. Tất cả chỉ thấy nhẹ nhõm khi công việc đã xong.

Nhờ thầy thuốc giỏi, bệnh viện tốt, người nhà của tôi đã an toàn sau phẫu thuật. Cảm động nhiều là bà con thân thuộc ở quê ra chơi. Người ra thăm đúng giờ bệnh viện mở cửa thì được vào thăm ngay. Có người phải loanh quanh ngoài phố hàng tiếng đồng hồ mới có thể vào được. Chả có sao. Đợi thì đợi. Miễn là được gặp mặt. Miễn là được nói với nhau đôi câu. Thời gian lúc này mới quý chứ đợi sau một tuần ra viện đến thăm nhau sợ cái tình nó nguội đi. Được thăm nhau sau lúc phẫu thuật là tốt nhất. Đây là thời gian vàng của tình nghĩa cho dù lúc ấy thấy nhau, nói chuyện với nhau chỉ tính bằng phút...

Một phút mà thay mặt cả đời người. Những câu chuyện trên chỉ là đôi ba ví dụ nhỏ trong rất nhiều những câu chuyện cảm động khác của nghĩa tình người Việt mình với nhau. Trong đời ai chả có lúc đau ốm. Nghĩa cử thăm nom nhau là một truyền thống đẹp, một liều thuốc hiệu nghiệm góp phần xoa dịu nỗi đau cho con người!

Nhật Văn
.
.
.