Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến: Công trình của những "trái tim cùng chung nhịp đập"

Chủ Nhật, 18/09/2011, 15:56
Ngay ngày trao giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu cho "Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến", nhiều người không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi khi đã có 20 trong tổng số 23 người tham gia thực hiện công trình đã ra đi và chỉ còn một người đủ điều kiện và đủ sức khỏe là đồng chí Phạm Thị Vân, cũng nguyên là một cán bộ từng gắn bó với Tây Nam Bộ thời kháng chiến.

"Chưa thể so sánh với công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến nhưng Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến là tâm huyết của một tập thể những cán bộ lão thành và là công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc". Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu đã nhận xét khi quyết định bỏ phiếu bầu chọn "Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến" cho giải thưởng khoa học mang tên vị giáo sư, nhà khoa học và là nhà lãnh đạo được người dân Nam Bộ kính mến, ngưỡng mộ Trần Văn Giàu.

Bao gồm 1.571 trang với 3 tập sách về 3 giai đoạn Tây Nam Bộ kháng chiến (từ năm 1945 đến 1954, 1955 đến 1969, 1969 đến 1975), cho đến nay, "Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến" là công trình khoa học lịch sử về Tây Nam Bộ kháng chiến đầy đủ nhất, góp phần bổ sung vào lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của dân tộc, của miền Nam nói riêng…

Tái hiện lịch sử qua đôi mắt của người trong cuộc

Theo công bố tại lễ trao giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu cho công trình Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, công trình được khởi đầu từ năm 1995 đến năm 2010 mới hoàn tất và phải thay ban biên tập đến 3 lần vì rất nhiều thành viên trong số đó đã lần lượt về cõi vĩnh hằng khi chưa kịp nhìn thấy kết quả tâm sức mà họ và đồng đội dồn sức nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, việc thu thập tư liệu, thực hiện công trình đã được bắt đầu từ những năm 1989, do các thành viên tự tìm kinh phí để thực hiện. Sau khá nhiều bước, đến năm 1995, công trình chính thức được thực hiện bài bản hơn, như một công trình cấp Bộ.

Ngay ngày trao giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu cho "Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến", nhiều người không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi khi đã có 20 trong tổng số 23 người tham gia thực hiện công trình đã ra đi và chỉ còn một người đủ điều kiện và đủ sức khỏe là đồng chí Phạm Thị Vân, cũng nguyên là một cán bộ từng gắn bó với Tây Nam Bộ thời kháng chiến.

Lý giải về sự ra đời của công trình lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng viết: "Thực tế lịch sử hàng trăm năm đã chứng minh một sự thật hiển nhiên là phần lớn cư dân ở đây (Tây Nam Bộ - PV), người giàu hay kẻ nghèo, chủ hay thợ, trí thức hay công nông, có đạo hay không, thuộc thành phần dân tộc nào cũng đều có chung một trái tim - trái tim đó đập chung một nhịp với đất nước, với dân tộc, sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập dân tộc, văn hóa dân tộc, danh dự dân tộc… Tôi vốn sinh trưởng, lớn lên ở miền Tây và cũng là một trong số những người đã gắn bó toàn bộ tuổi trẻ và phần lớn cuộc đời mình vào cuộc kháng chiến của Tây Nam Bộ. Do đó, tôi cũng là bạn bè của hầu hết những tác giả của bộ sách này, cũng là đồng chí của tất cả các chiến sĩ trên các mặt trận được nói tới ở đây. Vì thế, tôi cũng có tình cảm chung của toàn thể các đồng chí ở Tây Nam Bộ: Trân trọng, gắn bó, tự hào với những hy sinh đóng góp, những sáng tạo và cả những gian nan của những năm tháng đấu tranh… Nhưng đương nhiên, cuốn sách này không chỉ là một giải pháp tình cảm cho người trong cuộc. Nó còn có ý nghĩa lịch sử hơn thế nữa. Nó góp phần khẳng định một lần nữa rằng Tây Nam Bộ cùng với Nam Bộ vẫn cũng là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Những diễn biến, hoạt động của mảnh đất này tự nó nói lên rằng trong huyết quản của mọi người Tây Nam Bộ vẫn chảy và chỉ chảy một dòng máu, đó là dòng máu Việt Nam. Cuốn sách còn góp phần nói lên những đóng góp của Tây Nam Bộ vào sự nghiệp kháng chiến và giải phóng đất nước. Trong đó, Tây Nam Bộ không chỉ góp phần "chia lửa" với cả nước mà còn có nhiều sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm quý trong cả hai lĩnh vực kháng chiến và kiến quốc"...

Bà Nguyễn Thị Vân, một trong ba thành viên còn sống của Ban biên soạn "Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến" nhận hoa chúc mừng của Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu.

Viên ngọc quý cần tiếp tục được "mài giũa"

Thực tế, cùng với nguồn sử liệu và nội dung phong phú, sinh động, Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến đã phục dựng lại lịch sử cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân và quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên địa bàn Tây Nam Bộ. Ở đó có câu chuyện về những Tây Nam Bộ, một trong những nơi đầu tiên phát minh ra cách đánh thủy lôi, đắp cản ngăn tàu địch thành công và những cuộc vận động sức dân tổng thu chiến lợi phẩm độc đáo mà ít có dân tộc nào trên thế giới nghĩ ra được: chặt hàng ngàn cây dừa thả đứng, ken lục bình, chỉ một thời gian lục bình sinh sôi nảy nở, cùng dừa ken đặc biến khúc sông thành đập cản tự nhiên ngăn tàu địch, khiến chúng không thể tiến sâu thêm vào trong được. Để thu chiến lợi phẩm từ tàu địch khi bị thủy lôi đánh chìm, hàng vạn người dân quanh vùng đã được huy động đắp đập ngăn kinh, tát nước thủ công mà cạn nước cả khúc kinh, thu hàng trăm súng ống, đạn dược, tháo dỡ máy móc đem sang Thái Lan bán, dùng tiền tiếp tục mua vũ khí về đánh địch…

Xen kẽ trong các sự kiện lịch sử, những chiến công và cả những thất bại là không ít những dòng hồi ký của người trong cuộc khiến những trang sử thêm sống động. Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, ông Tô Bửu Giám đã nhận định: "Các tài liệu, sự kiện của phía cách mạng và đối phương, tài liệu chính thức và hồi ký, chuyện kể lại của người trong cuộc, các phỏng vấn trực tiếp sau này về các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội đã mô tả cuộc sống của nhân dân, của các chiến sĩ yêu nước trên chiến trường hoặc bị giam cầm, các hoạt động bí mật, khôn khéo trong lòng địch, các giao liên công khai làm cho người đọc thấy được cuộc đấu tranh sống động, gian khổ trong kháng chiến ở địa bàn xa Trung ương… Công trình cũng đã tập hợp và ghi lại các số liệu về thương vong của phía cách mạng và đối phương qua các thời kỳ, số liệu về chuyên chở vũ khí bằng đường biển, diện tích được cấp ruộng đất và diện tích sản xuất ở các tỉnh có số liệu tin cậy cao. Các chuyện kể, phỏng vấn và các hình ảnh minh họa xem kẽ trong các trang, tuy không rõ nét lắm, song đã làm người đọc xúc động…".

Đáng quý, đáng trân trọng nhưng chưa hẳn hoàn thiện, đó là nhận xét chung của khá nhiều ý kiến khác của những học giả từng đọc Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến. Công trình như một viên ngọc quý nhưng chưa qua bàn tay chế tác nhiều của những "thợ cả" trong nghề.

Ngay cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng thừa nhận lúc sinh thời rằng: "Chúng tôi thiết nghĩ rằng viết sử không thể vội vã, nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Chân lý lịch sử là điều phải do nhiều thế hệ tìm tòi, thẩm định. Do vậy, với thế hệ chúng tôi thì thiết nghĩ rằng chỉnh sửa đến một mức nào đó cũng nên gửi tới công luận, cũng là một hình thức để trưng cầu ý kiến của bạn đọc gần xa, nhất là những người đã kinh qua cuộc sống thời kỳ lịch sử này…"

Ng.Ngọc
.
.
.