Lên tuyển không phải… đi ăn cỗ

Thứ Tư, 20/06/2007, 11:37
Lên tuyển quốc gia không phải là đi… ăn cỗ mà cần phải có "đủ mâm, đủ bát". A.Riedl và các cộng sự không có nghĩa vụ đảm bảo ĐTQG là một sự phản ánh có tính chất mặt trận qua sự xuất hiện đầy đủ những CLB ở V.League. Họ có quyền chọn ai và bỏ ai để đảm bảo tập hợp được sức mạnh tối đa cho đội tuyển.

Về mặt lý thuyết, đội tuyển quốc gia là nơi tập hợp những cầu thủ xuất sắc nhất, tinh tuý nhất của nền bóng đá nước nhà. Không có sự đóng góp quân số của 5/14 CLB chuyên nghiệp, liệu đoàn quân của A.Riedl có phản ánh chính xác và đầy đủ mặt bằng chất lượng nhân sự của V.League, giải đấu đỉnh cao nhất của làng bóng Việt hay không?

Điểm danh những CLB góp người cho tuyển theo bản danh sách 23 tuyển thủ mà Riedl triệu tập chuẩn bị cho ASIAN Cup tới đây, người ta thấy thiếu vắng tới 5 đội bóng đang góp mặt ở sân chơi V.League là Hòa Phát.Hà Nội, Hà Nội.CB, Huế, Bình Định và HAGL.

5/14 đội khoác áo chuyên nghiệp nằm ngoài vùng phủ sóng nhân sự của tuyển, liệu có phải là một con số khá cao hay không? Trong khi đội hạng nhất, Tiền Giang cũng góp 1 tiền đạo cho tuyển (Phúc Hiệp), thì việc 5 đội bóng này bị xóa trắng trong bản danh sách của Riedl là một điều cần phải lý giải.

Trường hợp Hà Nội.ACB, Hòa Phát.Hà Nội và Huế không có cầu thủ nào “nhập ngũ” đội tuyển, phải chăng vì cái thứ hạng nằm ở đáy bảng V.League hiện giờ của họ? Đây có thể là một nguyên nhân bởi xét cho cùng thành tích thi đấu cũng là một góc độ phản ánh chất lượng nhân sự của đội bóng mạnh hay yếu. Chẳng thế mà trong danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia, đội đang đứng đầu bảng xếp hạng, Bình Dương chiếm vị trí quán quân với 5 tuyển thủ.

Mặt khác, xét về chất lượng nhân sự, thì thực trạng nội binh của cả Hà Nội.ACB lẫn Hòa Phát.Hà Nội đều ở dạng nhập siêu với đa phần là những lính đánh thuê từ nơi khác đến mượn đất Hà Nội để dụng võ.

Thậm chí, người ta còn gọi 2 đội bóng Hà Nội này là sân sau của SLNA bởi số lượng lớn những cầu thủ xứ Nghệ có mặt trong đội hình của họ. Còn cầu thủ gốc Hà Nội thì chỉ ở mức thường thường bậc trung hoặc đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, không có mấy gương mặt thực sự nổi bật.

Thế nên quân Hà thành không lọt vào mắt xanh của Riedl cũng phải. Trong khi đó, lớp nội binh của Huế là lứa cầu thủ trẻ vô địch Hội khỏe Phù Đổng năm 2004, còn rất non ngay cả với chiến trường V.League, chứ nói chi đến chiếc áo tuyển thủ quốc gia rộng dài.

Thế nhưng, việc cầu thủ HAGL và Bình Định vắng bóng ở tuyển quốc gia là một dấu hỏi lớn. Căn cứ vào bảng xếp hạng sau 15 vòng đấu của V.League 2007, hai đội bóng này đứng trên khá nhiều bậc so với Nam Định, đội đóng góp nhiều quân thứ nhì cho tuyển quốc gia (4 tuyển thủ). Còn nhìn lại những năm trước, Hoàng Anh và Bình Định cũng đâu quá "thua chị, kém em" trong danh sách đội tuyển quốc gia?

Thậm chí, có thời điểm, Bình Định của cựu HLV thủ môn đội tuyển quốc gia, Dương Ngọc Hùng còn được coi là lò đào tạo thủ môn số 1 cho tuyển với những cái tên xứng danh cho vị trí "một nửa đội tuyển" như Văn Cường, Minh Quang. Ấy vậy mà giờ...

Lý giải sao đây về sự thất thế của HAGL và Bình Định ở đội tuyển quốc gia trong thời điểm hiện tại? Phải chăng do hai đội bóng này đang trong quá trình chuyển giao thế hệ cầu thủ nên không giới thiệu được gương mặt nào khả dĩ phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của đội tuyển?

Trường hợp thủ môn trẻ Tô Vĩnh Lợi của Bình Định là một ví dụ. Một năm trước, cầu thủ này từng được triệu tập lên tuyển Olympic và có suất đá chính tại Agribank Cup cũng như tại ASIAD 15. Hơn thế, có không ít kỳ vọng đặt vào Lợi như một lựa chọn kế cận cho vị trí thủ thành đội tuyển quốc gia. Thế nhưng rồi phong độ trồi sụt thất thường của Lợi đã khiến anh chỉ dừng ở màu áo Olympic quốc gia.

Tương tự như vậy, những Huỳnh, Minh Thiện, Tăng Tuấn của HAGL cũng chỉ ở mức dự bị của dự bị ở đội Olympic, chứ chưa vươn lên được tầm đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, trong làng bóng đá Việt, cả Bình Định lẫn HAGL chưa bao giờ được đánh giá cao ở việc tạo nguồn cầu thủ kế thừa.

Chuyện Hoàng Anh mở Học viện HAGL-Arsenal JMG cũng là để khắc phục tình trạng này. Trong khi đó, Bình Định cũng không phải là "miền đất hứa" thu hút nhân tài của làng bóng đá Việt về đầu quân. Còn cái thời phố núi Pleiku là "Lương Sơn Bạc" cho các hảo thủ tìm đến, cũng đã xa rồi.

Một nguyên nhân khác dẫn tới việc sạch bóng cầu thủ của HAGL và Bình Định tại đội tuyển là ảnh hưởng khá lớn của các ngoại binh trong đội hình của họ. Sẽ là không quá nếu như nói rằng, sức mạnh của cả hai đội bóng này lệ thuộc khá nhiều vào cầu thủ người Thái.

Sự kém sắc của nội binh trong 5 CLB trên đã khiến họ đứng ngoài cuộc tuyển quân cho đội tuyển. Thêm vào đó, những nhà tuyển quân cho đội tuyển quốc gia có quan điểm sử dụng nhân sự riêng của họ nên diện tuyển chọn cũng khác.

Hơn tất cả, lên tuyển quốc gia không phải là đi… ăn cỗ mà cần phải có "đủ mâm, đủ bát". A.Riedl và các cộng sự không có nghĩa vụ đảm bảo đội tuyển quốc gia là một sự phản ánh có tính chất mặt trận qua sự xuất hiện đầy đủ những CLB ở V.League.

Họ có quyền chọn ai và bỏ ai để đảm bảo tập hợp được sức mạnh tối đa cho đội tuyển quốc gia, cho dù cái việc "so bó đũa chọn cột cờ" không bao giờ có được sự đồng thuận của tất cả

Bảo Hân
.
.
.