Lễ khai ấn đền Trần: Vốn chỉ là hoạt động hành chính thời phong kiến

Thứ Sáu, 14/02/2014, 11:55
Như nhiều năm gần đây, lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của công chúng. Gần 40 vạn lá ấn được phát ra trong lễ hội 2013, dường như vẫn chưa thỏa cơn “khát ấn”, khiến năm nay, số lượng ấn đã được nâng lên khoảng 10.000 lá nữa. Tình trạng “nhái” ấn, buôn bán ấn đền Trần, rồi chen chúc, trèo tường, cướp đồ lễ v.v… đã diễn ra trong nhiều mùa hội trước và chưa ai dám đảm bảo điều đó không còn diễn ra ở lễ hội năm nay, khi mà chưa đến ngày khai ấn, lượng người dồn về thành Nam đã rất lớn. Nhiều người không hiểu gì về nguồn gốc, mà chỉ nghe đồn rồi đến đây, để bằng mọi cách “kiếm” được lá ấn, mong “thăng quan tiến chức”.

Rõ ràng là, sau nhiều hội thảo, nhiều cuộc trao đổi và đã có nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu lên tiếng, song dường như, việc hiểu về lá ấn đền Trần vẫn chưa trở về đúng với vị trí vốn có. Cũng vì thế, lễ khai ấn đền Trần tiếp tục khiến nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, phải nhìn nhận về ý nghĩa của lá ấn, ở những chiều kích khác nhau.

Trước hết, phải công nhận rằng, lễ hội khai ấn và phát ấn đền Trần là một lễ hội truyền thống, để người dân thể hiện lòng thành kính tổ tiên, được coi như một dạng văn hóa phi vật thể. Việc phát ấn mang nét văn hóa riêng ở thành Nam, nên có thể coi lá ấn như một sản phẩm du lịch văn hóa của Nam Định, nhất là khi đây chính là sự “kích cầu” du lịch cho Nam Định khoảng chục năm qua.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định, ý nghĩa đích thực của ấn đền Trần không phải như nhiều người vẫn hiểu hiện nay. Tại hội thảo về lễ hội đền Trần cách đây chưa lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Trần Chiến Thắng kể chuyện vui mà thật: Do công việc, nên hơn 10 năm ông đều dự lễ phát ấn đền Trần đúng giờ Tý ngày 15 tháng Giêng, mà chả thấy “thăng quan tiến chức”. Vả lại, cho đến nay, cũng chưa có một thống kê nào chứng tỏ, những người được nhận ấn đền Trần thăng tiến hơn những người không có ấn.

Trao đổi với PV Báo CAND, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển, cho biết: Lễ khai ấn vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc và được các triều phong kiến Việt Nam thực hiện theo. Thời nhà Minh, mở đầu năm mới vào khoảng mồng 4 Tết, đến đời nhà Thanh, lễ khai ấn chuyển sang rằm tháng Giêng và quy chế này cũng được triều đại phong kiến Việt Nam theo. Trước khi nghỉ Tết, các đơn vị hành chính của Nhà nước phong kiến có lễ đóng ấn và lễ khai ấn với sự tham gia của 7 làng chỉ mang ý nghĩa mở đầu một năm mới may mắn, hanh thông. Châu bản nhà Nguyễn còn ghi rõ các quy định tổ chức lễ khai ấn như thế nào. Bất cứ ai nghiên cứu về cổ học đều biết điều này. Việc cho rằng lễ khai ấn có ban phát bổng lộc, thưởng công là quan niệm mới khoảng chục năm nay.

Lễ khai ấn đền Trần bị biến nghĩa, khiến diễn ra cảnh chen chúc nhiều năm.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng bày tỏ: Mới đây, việc khảo cổ ở Hoàng Thành Thăng Long đào được một chiếc ấn khắc chữ “Sắc mệnh chi bảo” bằng gỗ, được cho là của đời Trần, thế mà các nhà nghiên cứu như ông chỉ được cho một bản chụp đã là quý lắm. Vậy mà nói ấn từ thời Trần lại được lăn son để đóng ấn thì là điều không tưởng, chưa nói đó còn là… vi phạm bảo vật Quốc gia. Lễ hội dù có biến đổi, vẫn phải dựa trên gốc lịch sử, nếu không sẽ thành ra xuyên tạc lịch sử, cổ vũ cho những mê lầm và nhất là, đánh mất giá trị văn hóa truyền thống.

Nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Huy, cũng nhấn mạnh: Việc đóng ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương. Chắc chắn đấy không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần, mà chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình.

Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam, người đã gắn bó nhiều năm với việc nghiên cứu các nghi lễ đền Trần, chia sẻ: Đền Trần là hành cung của nhà Trần, nơi các Thái thượng hoàng thường về nghỉ ngơi, tổ chức ban phát lộc cho dòng họ và người trong vùng. Việc ban ấn, lụa và chức tước là có, nhưng ở phạm vi hẹp. Khi nhà Trần mất thì hoạt động này cũng mất. Có điều, khi lễ hội này được khôi phục, thì việc phát ấn lại là sự biến đổi của hiện tượng văn hóa. Nghi lễ của một vương triều với dòng họ, làng quê đã biến đổi thành nghi lễ của một vùng châu thổ. Nhưng cần phải xác định rõ để “giải thiêng” lá ấn: ấn đền Trần không phải là của triều đình hay của vua, mà chỉ là của một ngôi đền ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định. Đặc biệt, ý nghĩa của dòng chữ trên ấn “Tích phúc vô cương” hoàn toàn không liên quan đến quyền lực hay tiền tài, mà việc lấy ấn để có chức quyền là do mọi người tự nghĩ ra. Vì thế, người dân về lễ khai ấn chỉ là để thực hành một nghi lễ, một tín ngưỡng và lá ấn chỉ như một chút lộc đem về. 3 năm nay, lễ khai ấn đền Trần chỉ còn là nghi lễ tượng trưng, chứ việc đóng ấn đã được làm từ mồng Một Tết (để kịp kịp phát vào rằm tháng Giêng mấy chục vạn chiếc), chứ đâu phải đóng ấn vào giờ Tý!

Với những cứ liệu từ chính sử, đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn, có thể thấy rõ, khai ấn chỉ là một việc làm đánh dấu thời điểm bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nghỉ Tết của các đơn vị hành chính thời phong kiến. Vì thế, lá ấn không bao hàm ý nghĩa của việc phong chức hay ban lộc. Lễ khai ấn vốn chỉ diễn ra trong phạm vi dòng họ Trần và chỉ đóng một số ấn để thờ trong các ngôi đền ở khu vực, nhằm trừ tà sát quỷ. Thế nhưng, khi phục dựng, thì ý nghĩa của một thủ tục hành chính đã hoàn toàn bị biến mất. Thay vào, đó là người ta gán cho lễ khai ấn và lá ấn nhiều điều, nhằm làm giá trị của lá ấn “nặng” thêm về nhiều nghĩa.

Vì thế, ngành Văn hóa vẫn cần phải tuyên truyền nhiều hơn, để lễ hội này không bị biến nghĩa. Chỉ khi người dân hiểu đúng bản chất của việc phát ấn, mới bảo toàn được nét văn hóa truyền thống. Cũng chỉ khi cộng đồng hiểu đúng về lịch sử, các giá trị truyền thống mới được tôn vinh xứng đáng, để góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc

Thanh Hằng
.
.
.