Lễ hội rước lợn ở La Phù

Chủ Nhật, 28/02/2010, 14:59
Hàng năm, một gia đình thuận hòa, êm ấm, khá giả, không có tang ma, ăn ở phúc đức, con cái phương trưởng trong xóm sẽ được chọn đăng cai nuôi "ông" lợn và sửa lễ tế. La Phù hiện có 15 xóm, nhưng có 17 "ông" lợn được rước ra đình, bởi những xóm lớn, sung túc sẽ được rước 2 ông lợn.

Làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) có lẽ là nơi duy nhất người dân gọi lợn được nuôi để tế cúng là ông. Cứ ngày 13-1 âm lịch hàng năm, làng này đều tổ chức lễ hội lớn nhất năm, lễ "rước ông lợn" lên chùa.

Năm 2010 này lễ hội càng long trọng hơn, vì trùng vào dịp 5 năm một lần rước "ông" xuống "quán" Đồng Nhân. Đèn cờ treo đầy trước ngõ. Không khí lễ hội tràn ngập mọi nhà. Niềm vui nở trên nét mặt từng người dân La Phù. Nhưng ý nghĩa lớn nhất của lễ hội này là dạy người ta tính cố kết cộng đồng vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt từ ngàn xưa, và bài học về lòng tin trong sáng.

Mắc màn lắp quạt cho "ông" lợn

Ngay từ sáng sớm, cả làng La Phù đã tưng bừng rộn rã tế lễ. Không khí lễ hội này sẽ còn kéo dài đến 2, 3h sáng hôm sau. Ngày này là ngày vui nhất trong năm của người dân nơi đây - ngày rước "ông" lên chùa, cầu những điều tốt đẹp cho làng xóm.

Theo như tài liệu chính thức được các cụ cao tuổi của làng, lần đầu tiên công bố vào năm nay, chính xác nhất về lịch sử đình La Phù và lễ rước, thì đình này thờ Tam Lang Đại Vương, lạc tướng từ thời Hùng Vương thứ 18, đã có công dẹp giặc Thục. Sau này, mỗi lần đất nước có kẻ thù xâm lược, ông đều hiển linh giúp các vị vua chiến thắng kẻ thù; được vua Lê Đại Hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong. Bởi thế, đối với người dân La Phù, ngài mang ý nghĩa vô cùng linh thiêng.

Theo những người già trong làng, sở dĩ lợn được chọn làm vật tế lễ là bởi vào ngày 13 âm lịch, ngài mở lễ khao quân sau khi đánh giặc. Hàng năm, một gia đình thuận hòa, êm ấm, khá giả, không có tang ma, ăn ở phúc đức, con cái phương trưởng trong xóm sẽ được chọn đăng cai nuôi "ông" lợn và sửa lễ tế. La Phù hiện có 15 xóm, nhưng có 17 "ông" lợn được rước ra đình, bởi những xóm lớn, sung túc sẽ được rước 2 ông lợn.

Chỉ cần nghe cách người dân kính cẩn gọi là "ông" lợn, sẽ thấy phần lễ nghi được coi trọng như thế nào. Gia đình được chọn đăng cai từ 1 năm trước đó sẽ phải đi chọn mua một chú lợn hơn 1 tạ, dáng cao, thon dài, da hồng hào, tai vểnh… để mang về nuôi. "Ông" lợn này sẽ được nuôi rất sạch sẽ, rửa chuồng, tắm hàng ngày. Đến bữa, chủ nhà phải ra tận chuồng cất tiếng mời "ông" ăn.

Vào mùa đông, trời rét căm căm, người có thể để bẩn, nhưng ông thì nhất định phải được giữ sạch sẽ. Thậm chí, có nhà lo muỗi hút máu ông, còn mang màn ra mắc cho ông ngủ; lắp cả… quạt nếu "ông" quá nóng. Hễ "ông" "khó ở" mà bỏ bữa, người nhà còn lo ngay ngáy hơn chính mình ốm. Lúc đó, nhà đăng cai sẽ phải sửa lễ trầu cau ra đình xin để "ông" khỏe mạnh trở lại.

Bác Nguyễn Quang Mạnh, xóm Tiền Phong 1 cho biết: Năm 2005 gia đình đăng cai, đến gần ngày lễ bỗng ông lợn lăn ra ốm. Cả nhà vội vàng sửa lễ lên đình, đơn giản chỉ là cơi trầu, bữa sau đã thấy "ông" khỏe mạnh, ăn uống bình thường.

Trước ngày lễ tế khoảng 1 tuần, ông lợn sẽ được ăn cháo gạo nếp để thanh sạch. Ngay trước lễ mang ông tế thần, người dân trong xóm sẽ dong ông đi, "an ủi" ông hóa kiếp về với thánh. Sau khi làm sạch sẽ, cẩn thận từng chi tiết, "ông" sẽ được trang trí thật đẹp để rước ra đình. Ban giám khảo sẽ chọn ra những ông lợn đẹp nhất từ 17 "ông" để trao giải. Phần thưởng chỉ là vài lạng chè, bao thuốc, nhưng có ý nghĩa tinh thần vô cùng quan trọng với từng xóm. Mỗi "ông lợn" được chọn tế là tấm lòng thành kính mà dân làng La Phù muốn gửi gắm lên vị thần hoàng linh thiêng.

Thi trang trí ông lợn

Lễ hội năm nay, chúng tôi tìm đến đúng nhà anh Nguyễn Thiện Dậu, "quan đám" (tức nhà đăng cai) của xóm Tiền Phong 1, xóm truyền thống đoạt giải nhất của làng với ông lợn tế to nhất, trang trí đẹp nhất. Năm nay, xóm tế ông lợn nặng 2,35 tạ móc hàm. Ông lợn này đã được chính tay bà chủ chăm sóc từ 1 năm nay.

Từ sáng sớm, bà chủ nhà đã tổ chức một bữa cơm ấm cúng mời tất cả những người quanh xóm. Sau đó, những người khỏe mạnh, khéo tay nhất xóm sẽ bắt tay vào việc trang trí ông lợn. Lễ mổ lợn như một tác phẩm nghệ thuật của người dân La Phù. Họ muốn dâng lên Thành Hoàng lễ vật với sự thành kính hết mực.

Ông lợn năm nay của xóm Tiền Phong 1 có lẽ là ông lợn to nhất. Hơn chục người đàn ông mới khiêng được ông lên giá đỡ. Việc trang trí cho ông lợn rất kỳ công. Ông lợn đẹp nhất là ông lợn có tấm áo choàng được làm từ tấm mỡ lá hay còn gọi là mỡ chài được lấy từ chính trong bụng của "ông". Ngoài ra, tùy vào tài khéo léo của người trang trí, ông lợn được gắn hoa giấy lên đầu, dán thêm tai, mắt…

 Trong ngày lễ rước ông lợn, "quan đám" còn mời đoàn quan họ về hát góp vui. Cả làng La Phù rộn ràng. Xôi, oản, chè, hoa quả, "ông" gà cũng được chuẩn bị chu đáo. Gạo nếp phải chọn những hạt đẹp nhất, tròn nhất. Đậu xanh cũng vậy. Mọi thứ đều được lựa chọn cho thật hoàn mĩ. Đến 6h chiều, đám rước sẽ bắt đầu. Đi đầu lễ rước của từng xóm là 2 lá cờ đại, đến phường bát âm, bàn lộc, quả xôi và lễ lợn. Đến tối, cả làng La Phù rực rỡ trong ánh đèn lồng không thua kém phố cổ Hội An. Đến tận 12h đêm, lễ rước, tế ông lợn mới kết thúc và các ông lợn sẽ được mổ thành từng phần, chia đều cho các nhà trong làng.

Do năm nay là hội lớn, từ mùng 7, nhà đăng cai đã tổ chức lễ rước thánh giá từ đền Thượng (La Phù) xuống đền Hạ (Quán Chảy, xã Đồng Nhân, tương truyền có mộ ngài ở đó) để làm lễ "Phụng Nghinh" - rước ngài về đền Thượng. Đây là đám rước liên làng thể hiện sự gắn bó lâu đời của các làng La Phù, Đồng Nhân, La Tinh, Yên Nghĩa. Nghĩa lớn nhất của lễ hội này là sự cố kết cộng đồng.

La Phù là một làng nghề trù phú, thịnh vượng, người dân đoàn kết. Từ hàng trăm năm nay, người dân nơi đây vẫn giữ được truyền thống lễ hội vừa vui, ý nghĩa và là một trong những hình thức sinh hoạt cộng đồng thú vị, đặc biệt nhất trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng

Vũ Hân - Ngọc Yến
.
.
.