Lễ hội của thi ca và khát vọng hòa bình

Thứ Hai, 06/02/2012, 09:19
Hà Nội vẫn chìm trong đợt rét đậm, lại thêm mưa xuân bất ngờ rả rích, thế mà mới sáng 5/2, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có hàng ngàn người yêu thơ trong và ngoài nước đến, đủ thấy Ngày thơ Việt Nam lần thứ X đã thực sự là ngày hội thi ca của dân tộc.
>> Ngày thơ Việt Nam lần thứ X: Thơ ca thời quốc tế hoá

Cùng với các thế hệ thi nhân Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam còn có GS.TS Phạm Vũ Luận, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng PBLL VHNT TW; lãnh đạo nhiều địa phương và đặc biệt, có gần 80 nhà thơ của 28 quốc gia, vùng, lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương.

Lần đầu tiên được đầu tư tới hơn một tỷ đồng, với sự tham gia của 10 tỉnh có truyền thống thi ca và gần 20 CLB thơ ở Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam lần thứ X đã trở thành Lễ hội thơ đúng nghĩa. Cờ hội, đèn lồng, pano rực rỡ và thảm đỏ trải từ Văn Miếu Môn và lượng du khách lớn nhất từ trước tới nay đã đến với Liên hoan thơ quốc tế châu Á - Thái Bình Dương và Ngày thơ Việt Nam. Bởi vì "Chăm lo cho sự phát triển thơ ca cũng chính là chăm lo cho đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi xã hội và đất nước. Nó là chất keo tạo nên sự gắn kết con người với con người, dân tộc với dân tộc, quốc gia với quốc gia", như phát biểu khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Như mọi năm, sân thơ chính vẫn cuốn hút người xem từ phút đầu. Sau màn trình diễn sử thi "Đẻ đất đẻ nước" với dàn cồng chiêng của bà con người Mường (Hòa Bình), chương trình đọc thơ mở đầu với 2 bài thơ của Hồ Chủ tịch: "Nguyên Tiêu" và "Cảnh rừng Việt Bắc". Tiếp đó, nhà thơ Giang Nam đã đọc bài thơ "Quê hương" từng đi vào hàng triệu tâm hồn học sinh Việt Nam, như sự tôn vinh xứng đáng các nhà thơ cách mạng. Những ngôi sao sáng trên thi đàn các nước như Agus R.Sarjono (Indonesia), Sukrita Paul Kumar (Ấn Độ), Susan Blanshard (Canada), Alice M.Suncua vv… cũng lần lượt mang đến cho người yêu thơ Việt Nam những tình cảm nồng nàn qua các tác phẩm của họ.

Năm mươi câu thơ hay được thả lên trời. Ảnh: Ngô Thanh Hằng.

Chương trình kéo dài hơn dự kiến, vì nhiệt tình và hào hứng của tất cả các nhà thơ, bởi, như người dẫn chương trình, nhà thơ Đỗ Trung Lai, khẳng định: "Bằng thơ, chúng ta sẽ làm cho các dân tộc ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gần nhau về tâm hồn. Chúng ta sẽ cùng xây ngôi tháp Ba-ben bằng thơ ở đây, cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn của chúng ta trở thành ngôi nhà chung, đầy ắp hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng".

Ngày thơ Việt Nam lần thứ X còn tôn vinh 80 năm phong trào Thơ Mới, mà người duy nhất còn lại hôm nay là nhà thơ Xuân Thâm. Các đại biểu và người yêu thơ đã dành một phút tưởng niệm các nhà Thơ Mới vì những thành tựu đáng kể cho văn học nước nhà. Triển lãm Thơ Mới với lời đánh giá trang trọng đã níu chân người xem ngay khi đặt bước qua Khuê Văn Các: "Thơ Mới có công đầu trong việc đưa chữ quốc ngữ thành ngôn ngữ nghệ thuật của thi ca hiện đại. Có mười mấy năm mà làm được như thế, Thơ Mới thật đáng trọng".

Các bức ảnh thi sĩ Thơ Mới nổi tiếng, những bài thơ gắn với tên tuổi của họ đặt xung quanh giếng Thiên Quang, đưa mọi người ngược về một giai đoạn đặc biệt của thi ca Việt Nam: Xuân Diệu với "Yêu", Huy Cận với "Ngậm ngùi", Chế Lan Viên với "Đêm tàn", Thâm Tâm với "Tống biệt hành", TTKH với "Hai sắc hoa ti gôn" vv… Màn thả 50 câu thơ hay của các thi nhân Việt Nam kết thúc sân thơ chính, nhưng sân thơ quốc tế vẫn tiếp tục rộn ràng.

Năm nay, sân thơ quốc tế với tiêu đề "Thơ trăm miền" đã thay cho sân thơ Trẻ, như một cách bày tỏ tấm lòng hiếu khách của người Việt với các thi sĩ nước ngoài. Các nhà thơ Việt Nam và nước ngoài đã cùng tận hưởng không khí thơ đầy lãng mạn. Không nhiều "chiêu trò" như sân thơ Trẻ các năm trước, sân thơ quốc tế năm nay thu hút người xem bằng sự mới lạ của các giọng thơ quốc tế. Dù sắp đến giờ bay, nhưng Cyril Wong, nhà thơ và là ca sĩ trẻ của Singapore, vẫn hào hứng đọc thơ và khiến mọi người bất ngờ trước giọng hát tuyệt vời của anh. Nữ sĩ người Mỹ, Mary Croy, cũng làm nên sự thú vị khi xuất hiện với tà áo dài màu tím Huế cùng bài thơ "Sông Hương" đầy cảm xúc.

Thi sĩ Anna Retijum xinh đẹp, người giành nhiều giải Cây bút vàng của Nga; nhà thơ David Mc Kirdy đến từ Hồng Kông; nghệ sĩ đa tài Joel Arnsten; Holly Thomson (người Mỹ); TS. Goro Takano (Nhật); Guzal Begom và Azam Abidov (Uzbekistan) vv… đều gây được sự thích thú với những bài thơ mang dấu ấn riêng trong thông điệp chung Vì hòa bình.

GS Mariorie Evasco (người Philippines), người vừa nhận giải thưởng Đông Nam Á đã dành tình cảm đặc biệt cho Hà Nội qua bài thơ vừa hoàn thành và Bảo Chân, một trong số ít thi sĩ Việt Nam tham dự nhiều nhất các Liên hoan thơ quốc tế dịch và đọc cùng bà.

Với sự chuẩn bị chu đáo của các nhà thơ trẻ: Võ Thị Xuân Hà, Hữu Việt, Quế Mai, Xuân Thủy, Phong Điệp, sân thơ quốc tế còn đãi khách bằng các tiết mục nghệ thuật độc đáo như hát then, hát ca trù, hát quan họ, hát dậm Quyển Sơn, hát văn…

Hôm nay, 6/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp chiêu đãi các nhà thơ quốc tế tại khách sạn Deawoo, Hà Nội

Thanh Hằng
.
.
.