Lễ hội Nam Giao – hành trình về quá khứ

Thứ Bảy, 10/06/2006, 09:15

Lễ hội Nam Giao tại Festival Huế 2006 sẽ tái hiện đầy đủ cả 3 phần: Xuất cung, Tế lễ và Hồi cung theo lễ Tế Giao truyền thống, nhằm giúp người xem trở về quá khứ, tìm hiểu nền văn hóa Cung đình Huế.

Lễ hội Nam Giao ngày xưa được gọi là lễ Tế Giao. Đây là một lễ tế lớn của cung đình, bao gồm các phần Xuất cung, Tế lễ và Hồi cung. Từ 3 tháng qua, dưới trời nắng như đổ lửa, Ban tổ chức đã tập trung 501 diễn viên của Nhà hát Ca kịch, Nhà hát Nghệ thuật, Trường Văn hóa Huế, Sở Thể dục - Thể thao Thừa Thiên - Huế cùng với voi, ngựa, kiệu... khẩn trương tập luyện để có một Lễ hội Nam Giao hoành tráng và ấn tượng.

Theo kịch bản, lễ hội Nam Giao lần này sẽ tái hiện đầy đủ hơn so với kỳ Festival 2004. Lần trước, do điều kiện không cho phép nên chúng ta chỉ tái hiện phần Hồi cung, còn lần này cả 3 phần đều được tái hiện nhằm giúp người xem trở về quá khứ, tìm hiểu nền văn hóa Cung đình Huế.

Lễ hội lần này còn tái hiện 5 trong 9 lễ của lễ Tế Giao. Đó là: Lễ Thượng Hương, lễ Điện Ngọc bạch, lễ Sơ hiến, lễ Trung kiến, lễ Phần chúc. Bên cạnh đó, trong phần Hồi cung, khán giả còn được thưởng thức đại nhạc, nhã nhạc, múa cung đình do đoàn diễn viên Trường Văn hóa nghệ thuật và Nhà văn hóa Huế biểu diễn trước Ngọ Môn.

Sử cũ chép rằng, thời các chúa Nguyễn, vào năm Quý Sửu (1673) khi Hiền vương ngự về phủ ở Kim Long có làm lễ tế cáo Trời Đất, tuy nhiên phải đến lúc vua Gia Long khôi phục lại đất nước thì việc Tế Giao mới ổn định tại đàn Nam Giao ở làng Dương Xuân phía Nam Kinh thành (nay thuộc xã Thủy Xuân, TP Huế). Đàn được đắp cao 3 tầng theo thứ tự tầng từ trên xuống là Nhất thành, Nhị thành và Tam thành. Các tầng cao thấp khác nhau cốt để phân cấp bậc của những bậc được tế như Trời Đất, Đế vương và các Thần.

Riêng ngày Tế Giao thì thường xuyên thay đổi thông qua việc bói chọn, vào năm Gia Long thứ 6 (1807) thì chọn trung tuần tháng Giêng, năm sau được bói ngày Tân Mùi trong tháng 3, đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) vì tháng 2 thời tiết vẫn hay mưa nên sửa đổi chọn một ngày trước rằm tháng 3 để Tế và khởi đầu từ năm Minh Mạng thứ 20... Từ đời Gia Long trở về sau, hàng năm đều có Tế Giao, lễ càng lúc càng phức tạp và đến lúc xảy ra biến cố thất thủ Kinh đô thì ngưng. Đến mùa xuân năm Thành Thái thứ 3 (1891) thì lễ mới được cử hành trở lại cứ 3 năm 1 lần.

Ngày xưa, để đến đàn Nam Giao, vua đi bằng đường thủy khởi hành từ Phu Văn Lâu, quân lính, xe ngựa, nhã nhạc, các đơn vị quân đội thì đi bộ và đến đón ở bờ phía Nam thuộc làng Dương Xuân. Hành trình của lễ hội Nam Giao tại Festival lần này sẽ bắt đầu từ Ngọ Môn, qua cầu Trường Tiền, dọc theo đường Lê Lợi và Điện Biên Phủ đến Trai cung.

Ông Nguyễn Phi Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Huế, đạo diễn phần Tế lễ cho biết: "Đây là một lễ tế mang tính chất lịch sử, tuy nhiên, tư liệu hiện có không nhiều. Tái hiện lễ hội Nam Giao lần này tuy chưa đầy đủ, chính xác 100% nhưng sẽ là bước tập dượt đầu tiên chuẩn bị cho những lễ hội lần sau và đặc biệt sau Festival này Huế sẽ làm hồ sơ trình lên UNESCO để xin công nhận lễ hội này là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới".

Lễ Tế Giao ngày xưa được tổ chức để Đế vương trai giới soát xét những việc làm sai trái trong năm, cáo lên Trời Đất những việc nước quan trọng. Không phải cầu Thần minh phù hộ, nhưng tin tưởng với chân mệnh Trời Đất giao phó, với tấm lòng thành biết những việc sai trái, việc trị nước sẽ hợp với Thiên đạo, từ đó mới mong nước nhà an ổn, mưa gió thuận hòa. Và nay chúng ta nỗ lực phục dựng lễ hội này cũng nhằm giữ gìn cho hôm nay và mai sau nét đẹp của một đại lễ Cung đình Huế để mỗi người tự chiêm ngưỡng, sống tốt hơn cho thuận với đạo Trời, đạo Người

Từ Thanh Phong
.
.
.