Lễ công bố Quyết định về "Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam"

Thứ Hai, 20/04/2009, 11:14
Đúng 20h30' ngày 19/4, lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam" đã được tổ chức long trọng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Không khí tưng bừng của "Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam" tiếp tục diễn ra đến trước lễ công bố, thu hút hàng vạn khách thập phương. Dọc các tuyến đường về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn tấp nập người, xe.

Buổi chiều 19/4, cánh PV báo chí phải ăn tại chỗ để tác nghiệp, do tắc đường không thể về nơi ở cách đó gần chục km. Dưới cái nắng đầu hạ chói chang, bà con hào hứng, say sưa thưởng thức các tiết mục nghệ thuật độc đáo của các dân tộc từ khắp cả nước mang về cuộc hội tụ "Văn hóa Diên Hồng". Vang vọng khắp thung lũng là những làn điệu dân ca, dân vũ tưng bừng, rộn rã.

Múa lân sư - một hoạt động văn hóa truyền thống.

Từ sáng sớm, bản "Hòa tấu cồng chiêng" của đồng bào Cơ Ná đã như lời mời gọi những bước chân rộn ràng về với hội. Tiếng đàn tính, điệu then của bà con người Tày mênh mang khắp thung lũng cùng điệu hát lượn của người Dao hòa quyện thành một không gian nghệ thuật ấm cúng.

Các chàng trai cô gái Chơro thổi vào lễ hội không khí tưng bừng của điệu "Chơro mở hội", bà con dân tộc Mường ở Hòa Bình lại cống hiến cho người xem bằng những làn điệu dân ca thường rang, bọ mẹng, tiếng sáo trúc khắc khoải, lắng sâu. Lời hát ru ngọt ngào của người mẹ Bru Vân Kiều như ngọn gió mát trải vào lòng người nghe.

Lán của các liền anh, liền chị luôn thu hút đông người xem, khi cùng với những làn điệu quan họ là những đĩa trầu cánh phượng mang nét văn hóa đặc trưng không trộn lẫn của người Kinh Bắc. 3 giá hầu đồng của các diễn viên quần chúng ở Nam Định thực sự chinh phục người xem trong điệu chầu văn ấm áp.

Bà con người Chăm cống hiến cho khán giả một trò chơi lạ mắt, đã mang lại những tiếng cười sảng khoái cho mọi người. Cùng với các làn điệu dân ca, dân vũ, mỗi dân tộc còn mang đến những trang phục độc đáo của dân tộc mình, khiến không gian lễ hội càng thêm rực rỡ.

Nét khác biệt ở ngày hội này là bà con các dân tộc tự thể hiện các nét văn hóa đặc trưng của mình theo đúng các nghi thức truyền thống. Có lẽ, đây là cách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc một cách hiệu quả.

Cụ bà Nông Thị Lâm, người Nùng ở Thông Huề, Cao Bằng ngạc nhiên: "Lần đầu tiên tôi được xem các điệu múa, hát của các dân tộc khác. Thấy vừa lạ vừa hay. Tôi cũng muốn các điệu múa, hát của dân tộc Nùng được mang đi biểu diễn ở các nơi như thế". Với những hoạt động văn hóa nghệ thuật hết sức phong phú, 2 ngày hội đã thực sự trở thành nơi hội tụ của văn hóa Việt Nam một cách tổng thể và chọn lọc.

Tâm điểm của ngày hội là các hoạt động văn hóa mang chủ đề "Văn hóa Diên Hồng" mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã gửi gắm tâm huyết, tâm sức, khi đây cũng là một cuộc tập dượt cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Với quan điểm "Văn hóa Việt chính là tinh thần đại đoàn kết", nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã lựa chọn những nhân vật, những điểm nhấn để kết nối một cách thống nhất những sắc thái văn hóa đa dạng của dân tộc, nhằm đưa ra một thông điệp cần thiết với thế hệ trẻ và với cả bạn bè quốc tế về "Văn hóa Diên Hồng".

5 chương của phần hội gồm "Hội xuân đất nước", "Quê hương sử thi", "Giao duyên", "Khát vọng", "Tình yêu và thử thách", "Tổ quốc mến yêu" do khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và nghệ nhân, quần chúng tham gia. Màn đại hợp xướng cồng chiêng các dân tộc đã mở đầu lễ hội bằng những âm thanh hào sảng.

Diễn xuất hồn nhiên mà sâu sắc của các diễn viên đã mang lại ấn tượng về tính chân thật và độc đáo của những màn trình diễn cũng như nét văn hóa riêng trong ngôi nhà chung của dân tộc.

4 nhân vật lịch sử tiêu biểu cho 4 giai đoạn trong quá trình dựng xây và bảo vệ đất nước đã được tái hiện, như một lời khẳng định, sáng lại lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam: Vua Hùng, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản hợp xướng "Việt Nam - Tổ quốc mến yêu" gồm 4 chương: "Cội nguồn", "Quật khởi", "Đi tới", "Diên Hồng" thực sự là một điểm nhấn của lễ hội. BTC đã tận dụng địa hình đồi núi, thung lũng sẵn có để dựng sân khấu mở. Biểu tượng các dân tộc được sắp đặt theo hình chữ S với không gian văn hóa khái quát đặc trưng từng vùng ở cả 3 miền rõ nét, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái.

Trên đỉnh ngọn đồi trước sân khấu trung tâm, nơi đặt biểu tượng "Văn hóa Diên Hồng", lá cờ hội diện tích 18m2 tung bay trong gió như niềm kiêu hãnh về một nền văn hóa đa dạng và phong phú - cái giá đỡ cho một dân tộc.

Sau lễ công bố trang trọng Quyết định 1668 của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam", màn bắn pháo hoa chào mừng đã diễn ra

Thanh Hằng
.
.
.