“Những trang sách vàng 70 năm CAND”:

Lê Tri Kỷ - nhà văn dấn thân trong sự sáng tạo

Thứ Tư, 17/06/2015, 08:11
Trong chương trình “Những trang sách vàng 70 năm CAND” do Bộ Công an tổ chức vào tối 19/6, có 18 nhà văn được vinh danh bởi những tác phẩm văn học có giá trị cao về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". Trong đó có một cái tên không thể thiếu khi nhắc đến văn học mảng đề tài này là nhà văn Lê Tri Kỷ.

Nhà văn Lê Tri Kỷ đã và sẽ mãi là niềm tự hào của những người cầm bút trong lực lượng CAND, bởi những giá trị mà các tác phẩm của ông đem lại, khi mang đến cho công chúng một góc nhìn mới, sâu sắc và vô cùng nhân ái về người chiến sĩ Công an. Bằng tài văn đích thực của mình, ông đã là nhà văn Công an đầu tiên trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là nhà văn Công an đầu tiên được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Từ khi còn ít tuổi, tôi đã bị những trang viết của nhà văn Lê Tri Kỷ “hút hồn”, trong tiểu thuyết "Câu lạc bộ chính khách", hay các tập truyện ngắn "Cuộc tình thế kỷ", "Không thiện không ác" vv… Khác với nhiều cây bút viết về đề tài an ninh trật tự thời ấy chủ yếu đi sâu vào những chiến công của lực lượng Công an, tác phẩm của nhà văn Lê Tri Kỷ bao giờ cũng thấm đẫm chất nhân văn, mang đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ, đầy sự cảm thông lẫn cảm phục với những người làm nhiệm vụ trên mặt trận gìn giữ an ninh. 

Những trang viết của ông tinh tế và thấu đáo, lý giải sâu sắc nhiều vấn đề mang tính xã hội. Bởi thế, ông không chỉ nhận được tình cảm yêu mến của CBCS Công an, mà còn chiếm được sự kính trọng của hầu hết những người cầm bút trong lực lượng Công an, từ sự lao động nghệ thuật nghiêm cẩn, đầy sáng tạo của mình.

Các nhà văn Công an luôn nhớ đến người “anh cả” Lê Tri Kỷ.

Sau hơn 30 năm cầm bút, Lê Tri Kỷ đã để lại 13 tập sách, cả truyện ngắn, ký, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và điện ảnh, như những dấu ấn sừng sững cho văn học ở mảng đề tài này. Là người đặt nền móng cho mảng văn học đề tài về Công an, nhưng vai trò to lớn của ông chính là bằng những tác phẩm viết về Công an sâu sắc, tinh thông, nhân văn và mang giá trị thời đại, đã xóa nhòa khái niệm “văn học hạng hai” vốn nhiều người gán cho những tác phẩm đề tài này. Mỗi trang viết của ông đều rung ngân từ sâu thẳm trái tim của một nhà văn giàu trải nghiệm, luôn bao dung trong niềm chan chứa yêu thương. Tất cả những điều đó đều thấm sâu trong mỗi con chữ đã được ông chắt lọc trên “cánh đồng” chữ nghĩa.

Ông, người tri kỷ cả một đời văn với đề tài người chiến sỹ Công an, tri kỷ với những phận người bị khuất lấp phía sau những chứng lý tưởng như minh bạch. Các tác phẩm của ông là những hạt vàng lấp lánh và đắc địa, tôn vinh những chiến công lặng lẽ, những chiến công không phải là tấm huân chương, mà chính là sự đổi thay đẹp đẽ trong mỗi số phận sau những bi kịch nghiệt ngã nhất của kiếp người. Lê Tri Kỷ luôn xây dựng những câu chuyện trên những tình huống "độc nhất vô nhị", chỉ có người thực sự thấu hiểu nghề Công an mới có thể biết ngọn ngành. Hơn nữa, cũng còn phải có một thái độ dũng cảm, trách nhiệm cao của người cầm bút mới dám đề cập đến những vấn đề tế nhị và rất chính trị như vậy.

Là một chiến sĩ Công an, nhà văn Lê Tri Kỷ luôn thấu hiểu và yêu mến đồng đội mình, bởi ông cảm nhận và chia sẻ sâu sắc với những hy sinh thầm lặng của họ. Điều ấy đã làm nên những rung cảm mãnh liệt, để truyền cảm hứng cho ông trong những trang viết vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa khai thác tâm lý sâu sắc. Sự khác biệt của ông với nhiều cây bút cùng thời ở mảng đề tài này chính là giữa những âm hưởng chiến thắng hào hùng vẫn thấy lấp lánh những giọt nước mắt của sự hy sinh thầm lặng vô bờ của người chiến sĩ Công an. Dĩ nhiên, phải là những cây bút vững tay nghề mới có thể xử lý tài tình, nhuần nhuyễn và hấp dẫn đến thế.

Nhà văn Lê Tri Kỷ cũng là người đặt nền móng xây dựng nên Nhà xuất bản CAND với tiền thân là Phòng Sáng tác văn nghệ, trực thuộc Bộ Công an. Từ đây, những trang viết về đề tài an ninh trật tự bắt đầu lan tỏa trong đời sống, góp phần tạo dựng hình tượng đẹp về người chiến sỹ Công an qua những câu chuyện mang đến niềm tin tưởng và thiện cảm của độc giả với công việc của những chiến sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh. 

Nhà văn Lê Tri Kỷ còn là người thầy của nhiều nhà văn Công an, nâng đỡ và rèn giũa, góp phần mang đến cho bạn đọc những tác phẩm xuất sắc về đề tài bảo vệ an ninh Tổ quốc: “Người Bình Xuyên” của Nguyên Hùng, “Đội Công an số 6” của Văn Phan, “Bên kia Cổng Trời” của Ngôn Vĩnh, “Trinh sát Hà Nội” của Tôn Ái Nhân, “Hồ sơ chưa kết thúc” của Phùng Thiên Tân… Bởi thế, trong câu chuyện của nhiều nhà văn Công an thành danh hôm nay, cái tên Lê Tri Kỷ lại được nhắc tới như một sự mẫu mực về cả tài năng văn chương lẫn phẩm cách con người.

Các nhà văn từng được sống và làm việc với ông như Hồ Phương, Ngô Văn Phú, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Phùng Thiên Tân v.v… đều dành những lời trân trọng khi nhắc về sự nghiệp văn chương của ông. Trong sự thành danh của nhiều nhà văn Công an thế hệ sau, những dấu ấn của ông để lại là không thể phủ nhận. Với trách nhiệm và tình cảm của người đã đặt viên gạch nền móng cho văn học Công an, ông đã nhen nhóm, ủng hộ và tạo dựng nên không khí sáng tác, thúc đẩy niềm say mê sáng tạo nghệ thuật cho mọi người, tạo cảm hứng để lực lượng sáng tác của Công an từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Sự tiên phong dấn thân và mạnh dạn tìm tòi hướng đi mới của Lê Tri Kỷ trong mảng văn học đề tài về Công an mãi là một dấu ấn lớn lao và đầy ý nghĩa.

Các tác phẩm chính của nhà văn Lê Tri Kỷ: Cây đa xanh, Phố vắng, Một người không nổi tiếng, Đất lạ, Biển động ngày hè, Những tiếng nói thầm, Thung lũng không tên, Sống chìm, Câu lạc bộ chính khách, Không thiện không ác, Cuộc tình thế kỷ vv…

Nhà văn Lê Tri Kỷ đã được nhận Giải A của Hội đồng văn học về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang Hội Nhà văn 1994 với tập truyện “Cuộc tình thế kỷ”; Giải A của Bộ Nội vụ và Hội Nhà văn Việt Nam 1995 với tập truyện “Không thiện không ác”; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2014.

Thanh Hằng
.
.
.