Lãnh tụ Cuba, Fidel Castro: Tư tưởng sẽ làm chuyển hóa thế giới

Chủ Nhật, 26/10/2008, 08:56
Chính vì hiểu rõ vai trò của tư tưởng và của việc truyền bá những tư tưởng cách mạng đúng đắn nên lãnh tụ Fidel Castro cho tới ngày hôm nay vẫn luôn duy trì thói quen giao tiếp với công chúng như một nhiệm vụ thiết thân nhất. Nhà báo Ramonet nhận xét: "Thông thái và hoa mỹ, Fidel Castro có một nhu cầu mang tính bản năng luôn thôi thúc ông phải giao tiếp với công chúng”.

Cuốn sách "Cuộc đời tôi hay Một trăm giờ với Fidel" của nhà báo Pháp nổi tiếng Ignacio Ramonet, biên tập viên tạp chí "Le Monde Diplomatique" (bản dịch tiếng Việt do NXB Thông tấn phối hợp với Công ty Tân Việt vừa cho ra mắt bạn đọc) thực sự đã giúp cho nhà cách mạng trứ danh của không chỉ riêng châu Mỹ La tinh mà của cả nhân loại Fidel Castro "cất lên tiếng nói của mình, đưa ra lời phản biện của chính mình trước cả thế giới", trước cả những thế lực nào đó ở phương Tây luôn muốn bóp méo hình ảnh chân chính của ông bằng những luận điệu tuyên truyền giả dối, sáo mòn nhưng liên tục được lặp đi lặp lại theo nguyên tắc của Geobbels, trùm tuyên truyền của Hitler.

Cuốn sách này còn góp phần, như chính nhà báo Ramonet viết trong lời nói đầu của nó, dỡ bỏ "bức màn bí ẩn về Fidel Castro" và góp phần lý giải: Làm thế nào mà cậu bé sinh ra ở vùng nông thôn hẻo lánh - trong một gia đình có bố mẹ giàu có nhưng hầu như không được học hành và bảo thủ - rồi theo học trong những trường Công giáo dành cho giới thượng lưu do các ông thầy giáo dòng Tên ủng hộ chế độ độc tài của Franco giảng dạy, một chàng thanh niên sánh vai cùng con cháu của giới đại tư sản trong các giảng đường trường luật, cuối cùng lại trở thành một trong những nhà cách mạng vĩ đại nhất trong nửa sau của thế kỷ XX?

Lãnh tụ Cuba, Fidel Castro - Một nhà diễn thuyết tài ba.

Bằng những nỗ lực vô bờ bến, lãnh tụ Fidel Castro không chỉ đã vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Cuba vượt qua muôn ngàn sóng gió mà còn tự rèn luyện mình cực kỳ nghiêm khắc để bất cứ ai lại gần ông, dù trước đó có mang lòng hoài nghi đến mấy, cũng phải trầm trồ, quả là "y phục xứng kỳ đức"!

Sự sáng tỏ không cần phải che giấu

Nhà báo Ramonet đã có hơn một trăm giờ được trò chuyện với lãnh tụ Fidel ở các thời điểm khác nhau, tại nhiều nơi và có thể trong nhiều tâm trạng khác nhau. Và ông đã cảm nhận được rất rõ ràng về sự cởi mở tới tận cùng của nhà cách mạng Cuba, sự cởi mở mà chỉ những chính trị gia có lương tâm cực kỳ trong sáng mới có thể cho phép mình bộc lộ trong giao tiếp với đại diện của giới truyền thông, không phải của quốc gia mình đang lãnh đạo mà là từ một thế giới đang sống theo những tiêu chí khác như phương Tây.

Nhà báo Ramonet đã hoàn toàn tự do và ngẫu hứng trong việc đặt ra các câu hỏi mà không sợ bị người đối thoại khả kính từ chối hoặc lảng tránh. Fidel không bao giờ yêu cầu Ramonet "phải cho ông biết trước danh sách những câu hỏi hoặc các chủ đề mà sẽ được đề cập, mặc dù nếu ông làm vậy thì cũng là điều hết sức bình thường trong một dự án kỳ công như thế này. Ông biết - trước đó chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này - rằng tôi muốn đề cập tới tất cả, không có bất kỳ ngoại lệ nào, trong danh sách dài dằng dặc những lời chỉ trích, phê phán và nhận xét dè dặt mà kẻ thù cũng như một số bạn bè của cách mạng Cuba đã đặt ra”.

“Bản thân cũng là một trí thức, ông không hề e ngại việc tranh luận. Ngược lại, ông còn cần đến tranh luận, đòi hỏi phải tranh luận và khuyến khích tranh luận. Lúc nào ông cũng sẵn sàng "tranh biện", và với bất kỳ ai. Với hàng tấn lập luận. Và với một tài nghệ bậc thầy về nghệ thuật hùng biện. Với sự tôn trọng và tế nhị cao nhất dành cho người đối thoại. Ông là một đối thủ luận chiến đáng gờm - với kiến thức vô cùng uyên bác - mà chỉ những kẻ có ác tâm và lòng thù hận mới có thể phủ nhận...".

Chính vì được làm việc trong không khí cởi mở và thiện chí đến tận cùng như thế nên nhà báo Ramonet đã tự nhận trước độc giả như sau: "Nếu như có bất kỳ câu hỏi hoặc chủ đề nào còn thiếu trong cuốn sách này, thì sự thiếu sót đó hoàn toàn xuất phát từ năng lực hạn chế của tôi trên cương vị một người phỏng vấn, chứ tuyệt nhiên không có chuyện Castro từ chối nói về vấn đề này vấn đề nọ trong suốt sự nghiệp chính trị trường kỳ của ông. Bên cạnh đó, độc giả cần biết rằng có nhiều đoạn hội thoại lại trở thành độc thoại, vì có sự chênh lệch về trí tuệ giữa người đặt câu hỏi và người trả lời. Trong những cuộc trò chuyện này, hoàn toàn không có mục đích luận chiến hay tranh cãi - người nhà báo là tôi không đứng về bên nào - mà chỉ là thể hiện "quan điểm cá nhân" về sự nghiệp và tiểu sử chính trị của một con người huyền thoại đã trở thành một phần của lịch sử...".

Phẩm hạnh vĩ nhân

Cũng thông qua hơn một trăm giờ phỏng vấn lãnh tụ Fidel Castro, nhà báo Ramonet đã đúc kết được nhiều nhận định thú vị, đúng đắn và sâu sắc về đức tính của nhà cách mạng vĩ đại này, một nhà cách mạng mà cho tới lúc ở tuổi "cổ lai hy" vẫn giữ nguyên trong mình những phẩm chất cá nhân tốt nhất của một người chiến sĩ chân chính, can trường, dũng cảm, khôn khéo và anh minh.

Theo cảm nhận của nhà báo Ramonet, lãnh tụ Fidel Castro là người mà một khi đã thảo luận và thông qua kế hoạch nào đó, không trở ngại nào có thể khiến ông lùi bước. Cách suy nghĩ của Fidel cũng có điều gì đó giống như trong một câu nói của cố Tổng thống Pháp, anh hùng thời chiến tranh thế giới thứ hai, Tướng Charles de Gaulle: "Tòa thị chính sẽ đứng vững". Và tất cả đều như một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha đã nói: Un fait accomli - dicho y hecho, (nói được, làm được).

Fidel luôn nhiệt thành tin tưởng vào những gì mình đang làm, và lòng nhiệt thành của ông không chỉ khiến người khác tin vào điều đó mà còn thúc giục họ hành động. Và đó chính là điều mà chúng ta gọi là sức hút của một lãnh tụ, giúp quần chúng có được một điểm tựa tinh thần vô song trong những tình huống gay cấn nhất của thời cuộc.

Fidel thường nói: "Chính tư tưởng sẽ làm chuyển hóa thế giới, giống như công cụ lao động chuyển hóa vật chất"... Chính vì hiểu rõ vai trò của tư tưởng và của việc truyền bá những tư tưởng cách mạng đúng đắn nên lãnh tụ Fidel Castro cho tới ngày hôm nay vẫn luôn duy trì thói quen giao tiếp với công chúng như một nhiệm vụ thiết thân nhất. Nhà báo Ramonet nhận xét:

"Thông thái và hoa mỹ, Fidel Castro có một nhu cầu mang tính bản năng luôn thôi thúc ông phải giao tiếp với công chúng. Ông biết rõ rằng một trong những phẩm chất chủ yếu của mình chính là khả năng hùng biện - thuyết phục và tạo niềm tin cho người nghe. Ông giỏi hơn bất kỳ ai khác trong việc thu hút sự chú ý của người nghe, giữ chặt họ bằng sức mạnh của mình, quy phục họ, khiến họ như bị thôi miên, trước khi làm họ tự nổ tung trong những tràng hưởng ứng nhiệt liệt vì phấn khích. Không có gì ngoạn mục và sinh động hơn cảnh Fidel Castro diễn thuyết. Bao giờ cũng đứng, thân hình lắc lư, bàn tay thường nắm chặt lấy micrô, giọng nói sang sảng như sấm, ánh mắt gắn chặt vào đám đông, đột nhiên ông ngừng lại… rồi giơ hai tay lên như một chàng cowboy đang thuần hóa ngựa hoang, giơ ngón trỏ ra và chỉ thẳng vào đám đông đang sững sờ kinh ngạc. Tất cả hoàn toàn đúng như những gì nhà văn Tây Ban Nha Gregorio Maranon đã nói: "Một nhà hùng biện vĩ đại trước đám đông phải là người làm chủ được những cử chỉ của một nhà thuần phục sư tử".

Cũng theo nhà báo Ramonet, nhà văn Gabriel García Marquez,  giải Nobel văn chương năm 1982, một người hiểu Fidel Castro rất rõ, đã miêu tả cách ông diễn thuyết trước đám đông như sau: "Bao giờ ông cũng bắt đầu nói rất nhỏ, rất khó nghe, lời lẽ rời rạc, lộn xộn, nhưng ông có thể tận dụng bất kỳ một tia sáng le lói, một đốm lửa nào, để đặt nền tảng cho những gì sắp nói, từng chút từng chút một, cho đến khi bất thình lình ông nổ tung - và hoàn toàn kiểm soát người nghe. Đó chính là nguồn gây cảm hứng mãnh liệt, một sức hút khiến người nghe phải ngỡ ngàng, choáng ngợp và không sao cưỡng lại nổi mà chỉ những ai chưa từng chứng kiến hoặc sống qua trải nghiệm huy hoàng đó mới đủ sức hoài nghi"...

Là một nhà cách mạng lớn bẩm sinh, lại không ngừng tự tu dưỡng đào luyện, càng từng trải, Fidel càng có một cảm quan sâu sắc về bản thân mình trong lịch sử nhưng luôn biết trước biết sau, không bao giờ để mình bị lôi cuốn trong những suy tưởng quá đà.

Như nhà báo Ramonet nhận xét, ông cực kỳ nhạy cảm tinh tế về tất cả những gì liên quan đến bản sắc dân tộc của Cuba: "Ông luôn trích dẫn José Martí, người anh hùng dân tộc của Cuba, người mà ông đọc và nghiên cứu đi nghiên cứu lại nhiều hơn bất kỳ nhân vật nào trong phong trào xã hội chủ nghĩa và lao động. Trong thực tế, chính Martí là nguồn cảm hứng chủ yếu cho tư tưởng của ông...".

Lãnh tụ Fidel cũng là người "luôn say mê tìm hiểu khoa học và những thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học. Bao giờ ông cũng phấn khích trước sự tiến bộ của y học, trước khả năng chữa bệnh cho trẻ em ngày càng tốt hơn - tất cả trẻ em trên thế giới. Và sự thật là hàng nghìn bác sĩ Cuba đang có mặt tại nhiều quốc gia nghèo nhất trên thế giới để chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo...".

Yêu Tổ quốc mình, Fidel cũng là người mang trong lòng tinh thần quốc tế nhân văn rộng tới mênh mông: "Luôn sôi sục một tình yêu đầy nhân văn và tinh thần đoàn kết quốc tế, ông có một giấc mơ đã được ông nói đến cả nghìn lần: Đó là mang được sức khỏe và kiến thức, y tế và giáo dục đến mọi nơi trên hành tinh này. Liệu đó có phải là một giấc mơ bất khả thi? Một điều quan trọng phải nhắc đến là nhân vật văn học được Castro yêu thích nhất chính là chàng Hiệp sĩ Don Quixote”.

“Hầu hết những ai từng trò chuyện với Castro, và thậm chí là cả những kẻ thù của ông, cũng đều thừa nhận rằng ông là một con người luôn theo đuổi những tham vọng cao quý, xuất phát từ khát khao về công bằng và bình đẳng. Phẩm chất này ở ông, điều làm chúng ta nhớ tới lời của Che Guevara: "Một cuộc cách mạng vĩ đại chỉ có thể được thổi bùng lên từ một tình yêu vĩ đại", đã gây ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ đối với đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Oliver Stone...". Không ngẫu nhiên mà  vị đạo diễn lừng danh này đã nói: "Castro là một trong những trí tuệ lỗi lạc nhất trên thế giới; ông là người cuối cùng trong thế hệ của mình và là một Don Quixote. Tôi ngưỡng mộ cuộc cách mạng của ông, niềm tin của ông vào chính mình và sự trung thực của ông"...

Nhà báo Ramonet còn nhận xét: "Fidel Castro thích sự rõ ràng, chính xác, chuẩn mực và đúng giờ. Cho dù đang nói về bất kỳ chủ đề nào, ông cũng thực hiện những phép tính toán học với tốc độ chóng mặt. Fidel không chấp nhận những gì xấp xỉ hay gần đúng. Ông nhớ rõ cả những chi tiết nhỏ nhất. Trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhà sử học xuất chúng Pedro Alvarez Tabío thường ở bên cạnh Castro, giúp đỡ ông mỗi khi cần thiết để có những chi tiết chính xác nhất, như ngày, tháng, tên, tình hình cụ thể… Nhiều khi sự đòi hỏi cao độ về tính chính xác của Fidel xoay quanh ngay chính quá khứ của ông ("Tôi đến Sibonet lúc mấy giờ vào cái đêm trước khi tấn công Moncada ấy nhỉ?". "Vào giờ đó, giờ đó, thưa Tư lệnh", Pedro trả lời); đôi khi lại liên quan đến một khía cạnh ngoài lề nào đó của sự kiện xảy ra đã lâu ("Tên của vị Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Bolivia người không chịu giúp Che là gì?”. "Là thế, là thế", Pedro nói). Như vậy là bên cạnh Fidel luôn có một bộ nhớ thứ hai, và Pedro, giống như Fidel, cũng làm tôi kinh ngạc...".

Tất cả những ai có dịp tiếp xúc gần với lãnh tụ Fidel Castro trong công việc hẳn đều sẽ phải trầm trồ như nhà báo Ramonet: "Trí nhớ của Fidel phong phú và chi tiết đến nỗi dường như nhiều lúc nó ngăn ông suy nghĩ một cách tổng hợp. Những suy nghĩ của ông phân nhánh, tất cả đều liên quan tới nhau, hết nhánh này sang nhánh khác như một mạng lưới dày đặc”.

“Quá trình theo đuổi một chủ đề nào đó thường dẫn dắt ông qua một loạt những lý tưởng liên quan, qua một loạt những hồi tưởng về một nhân vật, một tình huống cụ thể nào đó, trước khi gợi lên một chủ đề khác song hành, và một chủ đề khác, lại đến một chủ đề nữa, chủ đề nữa, cho đến khi chúng tôi đi rất xa khỏi vấn đề cốt lõi - xa đến nỗi trong giây lát, người đối thoại bất giác e sợ rằng ông đã đi chệch hướng. Nhưng chỉ sau một thoáng, Fidel đã quay lại lối đi ban đầu..."

Phố Hiến lược thuật
.
.
.