Lặng lẽ dành cho mọi người

Thứ Ba, 18/04/2006, 07:58

Trong kho tư liệu ngồn ngộn và quý giá của nhà báo Trần Thanh Phương, là bộ sưu tập rất quý, rất hiếm gồm bút tích của 350 nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ Việt Nam, trong đó có bút tích của hơn 60 nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã mất.

Đã có tới trên 70 bài báo viết về anh và có 3 bộ phim đã được phát trên đài truyền hình nói về anh và công việc thầm lặng mà anh đã dành cả cuộc đời cho nó: sưu tầm tư liệu báo chí về các lĩnh vực mà mình quan tâm. Anh là người đã lập kỷ lục Việt Nam về việc cho ra đời cuốn sách có một không hai ở nước ta: chiều cao tới 1,2m; chiều rộng 0,8m; nặng 87kg, gồm 10.239 bài báo được cắt dán từ các báo xuất bản tại Việt Nam trong 30 năm, từ năm 1975 đến năm 2005, theo bốn chủ đề chính: Danh lam thắng cảnh - Di tích văn hóa; Phong tục - Lễ hội; Ẩm thực; Trang phục. Anh là nhà báo Trần Thanh Phương.

Tôi gặp anh lần đầu tiên cách đây mười ba năm.

Hồi đó, trong các cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sau mỗi phiên họp thường kỳ của Chính phủ, anh đến dự với tư cách là Phó Tổng biên tập Báo Đại Đoàn kết, nhưng thường khiêm nhường tìm chỗ ngồi khuất sau nhiều đồng nghiệp và rất chăm chú ghi chép, không "lơ đễnh" như một số nhà báo khác. Hơn mười năm quen biết, ấn tượng về anh, một con người bình dị, khiêm tốn ăn sâu trong tôi. Cho đến khi được xem buổi phát hình về những kỷ lục Việt Nam trên sóng Đài truyền hình Việt Nam vào năm 2005, tôi giật mình khi biết được những việc anh làm.

Một ngày cuối năm 2005, tôi tìm đến thăm anh, tại căn nhà nhỏ khuất trong ngõ đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Tôi cứ bị cuốn hút và cảm phục trước kho tư liệu báo chí khổng lồ mà anh cùng người vợ yêu quý là chị Phan Thu Hương gây dựng từ gần 40 năm nay.

Anh quê tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, tập kết ra Bắc khi chưa đầy mười lăm tuổi. Sau khi tốt nghiệp Khoa ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh được cử về Báo Nhân dân; sau ngày giải phóng miền Nam 1975 về Báo Giải phóng, rồi làm Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Báo Đại Đoàn kết tại TP Hồ Chí Minh trước khi nghỉ hưu.

Anh bắt đầu làm công việc sưu tầm tư liệu báo chí từ năm 1968, khi trở thành phóng viên Nhân dân. Ra Bắc từ nhỏ, nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và cả nhiều cây trái, món ăn của miền Nam anh không còn nhớ hoặc không được biết tường tận. Anh nghĩ, là nhà báo, lại là người miền Nam, chuyên viết về miền Nam thì nhất thiết các bài viết không thể để sai sót. Muốn vậy phải sưu tầm tư liệu để viết bài cho thật chính xác. Vợ anh, chị Phan Thu Hương, một giáo viên dạy văn trường trung học phổ thông, không những ủng hộ công việc sưu tầm tư liệu của chồng mà còn trực tiếp cùng chồng làm công việc ấy.

Suốt gần 40 năm cầm bút, anh đã viết được gần 1.000 bài báo, xuất bản gần 20 đầu sách giới thiệu về đất nước và con người Nam Bộ, trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần. Từ bài báo đầu tiên anh viết về tấm gương của em Nguyễn Văn Hòa, mười lăm tuổi, hai lần là Dũng sĩ diệt Mỹ, đăng trên Báo Nhân dân ngày 18/12/1968, đến những cuốn sách sau này, như: Bác Hồ của chúng ta; Bác Tôn của chúng ta; Minh Hải địa chí; Thành phố Hồ Chí Minh; Cửu Long địa chí; Địa chí Cần Thơ; Xứ sở phù sa; Xa xa mũi đất Cà Mau; Hướng dẫn du lịch Việt Nam; Trịnh Công Sơn, người hát rong qua các thời kỳ…, người đọc có thể tìm thấy trong đó biết bao tư liệu quý giá về con người và các vùng đất Nam Bộ cùng các tỉnh miền Nam khác mà vợ chồng anh đã sưu tầm và gửi gắm trong các tác phẩm của mình.

Thật khó tưởng tượng nổi, đến nay kho tư liệu báo chí vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương sưu tầm đã nặng gần hai tấn, xếp chật căn nhà của anh chị với hàng chục chủ đề khác nhau, từ đất nước, con người, phong tục, tập quán, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa..., đến sự kiện chính trị, xã hội nổi bật trong nước và trên thế giới.

Chỉ riêng vụ án Năm Cam, anh chị đã sưu tầm được gần hai nghìn bài báo in trên gần 100 tờ báo khác nhau, đóng thành 3 tập, mỗi tập nặng bốn, năm kilôgam. Anh chị đã sưu tầm trên 3.000 bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng thành hàng chục quyển. Anh chị đã tặng Bảo tàng Chủ tịch Tôn Đức Thắng gần 400 bài báo viết về cố Chủ tịch; tặng tư liệu giúp Công ty Vĩnh Cửu làm trên 200 bức tượng danh nhân và giúp nhiều nghiên cứu sinh, sinh viên báo chí ở các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nhiều tư liệu quý để làm luận án thạc sĩ và luận văn tốt nghiệp đại học…

Nhưng đối với tôi, có lẽ điều đặc biệt nhất và thú vị nhất trong kho tư liệu ngồn ngộn và quý giá của anh chị, là bộ sưu tập rất quý, rất hiếm gồm bút tích của 350 nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ Việt Nam, trong đó có bút tích của hơn 60 nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã mất.

Trong số các bút tích đó, có bút tích của một nhà văn hóa lớn: cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhà báo Trần Thanh Phương kể lại với tôi về cuộc gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 10/1/1989 và bài học nhân văn sâu sắc mà anh đã học được từ cuộc gặp gỡ này. Sau khi nghe anh trình bày và xin chữ ký của Thủ tướng cho bộ sưu tập của mình (với tư cách Thủ tướng là một nhà hoạt động văn hóa lớn của Việt Nam), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tặng anh một tấm ảnh với những dòng ghi như sau: "Đồng chí Phương thân mến! Tôi gợi ý đồng chí đi tìm những người lao động ở nước ta đã làm nên những thành tựu kỳ diệu. Đó là những chữ ký có giá trị".

Nhà thơ Quách Tấn tặng nhà báo Trần Thanh Phương bút tích mà nhà thơ còn giữ lại từ năm 1941 khi nhà thơ chép tay bài thơ "Một buổi trưa mùa thu" rút trong tập thơ "Mùa cổ điển", trong đó có những câu thơ từng làm nao lòng nhiều người đọc:

"…Đây vài giọt nhẹ rơi mùa lá

Đó một màu im trải nắng hồ…"--PageBreak--

Qua bút tích của các nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ mà nhà báo Trần Thanh Phương sưu tầm được, không những có thể hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của họ mà còn được biết thêm nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong từng người.

Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện tặng nhà báo Trần Thanh Phương bản chép tay một bài thơ bằng chữ Hán của ông, với lời ghi trên đầu bài thơ như sau: "Tết năm 1963 ở Paris. Một số đồng chí Pháp tặng tôi một cành đào. Bàn luận với nhau không biết đến bao giờ mới thắng Mỹ. Tôi đã tặng các đồng chí Pháp bài thơ sau:

Song hàm bạch tuyết tha hương cảnh

Các mãn đào hoa hữu nghị tình

Tuyết thương đào hoa tăng diễm sắc

Khán hoa trường dạ dĩ bình minh.

(Tạm dịch nghĩa:

Gió tuyết lạnh lẽo cảnh tha hương

Nơi ở đầy hoa tình hữu nghị

Tuyết lạnh càng làm thắm sắc của hoa đào

Ngắm hoa suốt đêm cho đến tận bình minh)

Nhà văn Đoàn Giỏi tặng nhà báo Trần Thanh Phương bút tích của mình, không phải ghi trong sổ tay hoặc là trên một tờ giấy thông thường, mà là trên hai tờ lịch vào hai ngày cuối tháng 3-1980. Đó chính là những dòng chữ quặn thắt ruột gan của nhà văn khi biết tin Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần.

Trên tờ lịch ngày Chủ nhật 30/3/1980, nhà văn Đoàn Giỏi viết: "Chiều 3 giờ 35' hay tin Bác Tôn mất. Buồn quá. Nhưng không hiểu sao lại đánh thắng mấy séc cầu lông. Bác Tôn nhập vào ta chăng? Bác Tôn vĩnh biệt chúng ta vào hồi 6 giờ 30' sáng. Buổi chiều Câu lạc bộ Ba Đình  thông báo đóng cửa 5 ngày".

Ngày 31/3/1980, Đài tiếng nói Việt Nam mời nhà văn Đoàn Giỏi đến thu thanh phát biểu trước mất mát to lớn này. Trên tờ lịch ngày Thứ hai 31/3/1980, nhà văn Đoàn Giỏi viết: "Chiều 4 giờ 30' đọc bài phát biểu về ngày đau buồn này tại phòng thu 39 Bà Triệu. Mưa mù mịt. Đêm 31 sấm suốt đêm. Mưa cả ngày hôm sau. Trời đất cũng đau lòng. 8 giờ 45' sáng thấy anh Nguyễn Hữu Thọ mặc complet đen, đầu cúi cúi, đi đi lại lại trên gác thượng nhà anh ở Nguyễn Du".

Nhà thơ Chế Lan Viên không những đã có bút tích tặng nhà báo Trần Thanh Phương mà còn gửi cả bút tích của nhà văn Nguyễn Tuân cho nhà báo. Ngày 6/1/1989, nhà thơ Chế Lan Viên gửi nhà báo Trần Thanh Phương bút tích cụ Nguyễn tự tay chữa bài thơ của cụ mà nhà thơ Chế Lan Viên còn giữ được, với dòng chữ sau: "Biếu anh bút tích anh Tuân. Anh Tuân năm 1985 có gửi cho tôi bài thơ này". Đó là bài thơ "Cố nhân vụt biến thành thuyền nhân", sau đó được cụ Nguyễn sửa lại là "Xuân cố nhân thuyền nhân", nhưng cuối cùng xóa hai chữ "thuyền nhân", chỉ còn lại là "Xuân cố nhân":

Vòng hương Tết trước còn vọng lại

Khắc khoải trầm… trầm phấn cố nhân

Giao thừa rộn mấy khói xuân

Vọng xa nghe sóng thuyền nhân vỗ về.

Dưới bài thơ, cụ Nguyễn ghi chú thích về câu thơ "Vòng hương Tết trước còn vọng lại" như sau: "Áp Tết năm Tý có người cho một vòng hương rộng bản tới hai gang tay. Thắp lên hết mùng ba thì kệ nó tắt. Nay áp Tết năm Trâu thắp lại chiều ba mươi, đến nhọ mặt người mùng hai Ất Sửu thì cháy toàn phần".

Nhưng có lẽ phải là chỗ thâm tình lắm, nên ngày 13/9/1988 khi đang còn phải nằm trên giường bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận lời viết trong bộ sưu tập của vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương về các tác phẩm thơ văn của vợ chồng nhà thơ, nhà văn Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ những dòng chan chứa tình cảm mà giờ đây, sau khi được phép của vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương, tôi xin phép hương hồn nhà thơ và xin phép gia đình nhà thơ được chép lại dưới đây:

"Anh Thanh Phương, chị Thu Hương thân mến,

Rất cám ơn anh chị bảo tôi viết về Quỳnh và Vũ ở đây. Không phải vì tôi đang ốm mà không viết được. Nhưng cứ nghĩ đến là cả gia đình tôi (Thường coi Quỳnh như em) đều khóc. Kịch của Vũ cả nước biết rồi. Nhưng thơ Vũ, rất hay. Quỳnh là một tài năng lớn. Nhưng mất Quỳnh đâu phải chỉ là mất một tài năng. Tâm hồn, tấm lòng Quỳnh hết sức nhân ái, đôn hậu. Hôm qua, một anh bạn của tôi, anh Không Đức, có viết một bài về thơ Quỳnh. Anh trích mấy câu Quỳnh viết cho chị Đông Mai:

Chị lại dặn đi đường

Quỳnh nhìn xe cẩn thận

Và hai câu khác trong bài "Lai lịch tình yêu":

Máu của em, máu của anh

Thấm bên góc phố chân thành ngày xưa.

Thế là thế nào? Có những nhà văn khi họ mất ta nghĩ ta mất một nhà văn. Có những người khi mất họ, ta nghĩ từ nay ta không còn gặp họ ở đâu nữa trên trái đất. Quỳnh như người nhà của vợ chồng con cái tôi từ mấy chục năm rồi. Biết nói làm sao được?".

Nhà báo Trần Thanh Phương nói với tôi, gần bốn chục năm sưu tầm tư liệu, không ít lần anh chị gặp khó khăn, nhưng hầu hết đều vượt qua được. Nhưng có một khó khăn mà không dễ gì vượt qua, ấy là khi gặp một số nhà văn, nhà thơ, trong đó có một vài nhà văn, nhà thơ rất nổi tiếng để xin tư liệu và bút tích cho bộ sưu tập của mình nhưng không được đáp ứng. Có nhà văn, nhà thơ anh gặp nhiều lần, nhưng lần nào cũng từ chối. Vì thế bộ sưu tập hiện nay của anh còn chưa thật đầy đủ. Anh đang sắp xếp lại tư liệu đã có để trong năm nay có thể cho xuất bản tập đầu tiên về tư liệu các nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn Việt Nam, nguyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã mất.

Vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương luôn coi công việc của mình là một công việc thầm lặng, chỉ với một ước nguyện cốt sao kho tư liệu mà anh chị đã sưu tầm giúp ích được cho nhiều người, dù là nhà báo, nhà văn, học sinh, sinh viên hay bất kể là người nào trên mọi miền Tổ quốc. Anh chị coi đó là món quà lặng lẽ để dành cho mọi người khi họ cần đến.

Riêng đối với cuốn sách đã được xác lập là kỷ lục Việt Nam, anh chị mong muốn được đem đấu giá lấy tiền xây dựng quỹ trợ giúp các sinh viên báo chí nghèo, hoàn cảnh khó khăn để họ có thể tiếp tục sự nghiệp cầm bút mà anh từng lựa chọn

.
.
.