Làng giải trí Sài Gòn "xôm tụ" nhưng...

Thứ Bảy, 03/01/2009, 14:46
Cũng chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế như bất kỳ một lĩnh vực nào khác, nhưng với làng giải trí TP HCM, năm 2008 vẫn là một năm hoạt động khá sôi động với không ít các sự kiện chiếm lĩnh nhiều thời lượng, diện tích trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phát triển đa dạng

"Bình chân" nhất trước cơn khủng hoảng kinh tế có lẽ là các nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực sân khấu. Nếu so với năm trước, số lượng vở mới dựng của các đơn vị sân khấu không hề giảm.

Tại Sân khấu kịch Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân, bên cạnh những vở ăn theo tính thời sự xã hội như "Trai mới lớn" thì "Nước mắt người điên", "Quả tim máu", "Ngôi nhà hoang" và gần đây nhất là "Kỹ nghệ lấy Tây" đều là các vở được nhiều người trong nghề đánh giá khá cao, hút khán giả đến rạp.

Không những thế, bà bầu này còn "mạnh tay" đầu tư cải tạo thêm rạp Kim Châu, biến một địa chỉ sân khấu vốn được ít người chú ý vì xuống cấp trở thành một sân khấu liên tục sáng đèn, thu hút đông đảo khán giả mỗi suất diễn.

Trong khi đó, đơn vị Idecaf của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn duy trì cả hai mảng: sân khấu cho người lớn và sân khấu dành cho thiếu nhi. Sân khấu nhỏ 5B còn mở rộng đề tài, lấy bối cảnh, cốt truyện từ nước ngoài đưa vào dàn dựng (vở "Sống trong bóng tối"), rục rịch dàn dựng lại những vở mang tính kinh điển: "Lôi vũ"...

Riêng hãng Phước Sang, bên cạnh việc đầu tư cho các vở kịch mới: "Hồn ma báo oán", "Ngoại tình"..., việc bắt tay sản xuất "Huyền thoại bất tử" đã đưa Phước Sang trở thành một trong số các đơn vị hiếm hoi bổ sung được "thực đơn" phim Việt cho mùa Tết Nguyên đán năm nay.

Ngoài những tác phẩm có quy mô vừa phải, số vở được chú ý đầu tư lớn với số tiền lên đến hàng tỷ đồng cũng nhiều hơn. Sau "Chiếc áo thiên nga" của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát kịch thành phố cũng mạnh dạn đầu tư cho vở "Tả quân Lê Văn Duyệt" với số tiền lên đến cả tỷ đồng.

Bị phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ và cũng bị "than thở" nhiều hơn kịch, cải lương là ca nhạc và phim. Thế nhưng, điểm lại, tuy số liveshow được đầu tư kỹ có ít hơn, phim nhựa được sản xuất ít hơn song mật độ ra mắt các phim truyền hình vẫn dày đặc.

Lĩnh vực ca nhạc cũng không ít các sự kiện gây chú ý, kể cả hoạt động của cá nhân các nghệ sĩ (liveshow "Dạ tiệc trắng" của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng...) lẫn các hoạt động do đơn vị nhà nước tổ chức (Nhạc hội đàn tranh châu Á, Liên hoan giọng ca vàng các nước ASEAN)...

Nhưng thiếu điểm nhấn mang tính đột phá

Phong phú cả về số lượng, quy mô, đề tài, nội dung nhưng nhìn lại kết quả chung sau cả một năm hoạt động rất nhiều nhà phê bình vẫn than thở: tìm được một vở diễn, một bộ phim, một chương trình thực sự nổi trội, vừa phản ánh được bản chất cuộc sống xã hội hiện tại, vừa có những đóng góp sáng tạo mang tính đột phá cho văn hóa nghệ thuật thời đại thì không khác gì "so bó đũa, chọn cột cờ".

Nỗi lo doanh thu khiến các đơn vị tư nhân chưa dám mạo hiểm mạnh tay đầu tư cho các tác phẩm, chương trình nhưng ngay với hai vở diễn của hai đơn vị nhà nước thực hiện, được đầu tư tiền tỷ như "Chiếc áo thiên nga" và "Tả quân Lê Văn Duyệt" cũng chỉ được coi là một cuộc chơi sang nhất thời bởi mới diễn vài suất là đã đem "cất kho".

Có lẽ chưa bao giờ các đề tài đồng tính, ma quỷ, kinh dị, tình dục lại được khai thác nhiều trong các tác phẩm kịch, phim, âm nhạc nhiều như hiện nay. Còn nhớ, trong vở "Nước mắt người điên" của Sân khấu kịch Phú Nhuận, dù phục lăn tài diễn xuất của nữ diễn viên trẻ Thanh Vân nhưng không ít khán giả vẫn xem mà "ngại" trước những pha gối chăn "nóng bỏng" trên sân khấu...

Với lĩnh vực ca nhạc, các chương trình ít để lại dấu ấn cho người xem, số lượng ca sĩ, nhạc sĩ tăng theo cấp số cộng đến cấp số nhân nhưng cũng trong tình trạng chỉ sàn sàn giống nhau. Ngay một số chương trình mang tính khu vực cũng bộc lộ khá nhiều bất cập...

Thừa xìcăngđan

Không có sự kiện đánh dấu bước phát triển vượt bậc về mặt nghệ thuật nhưng các vụ đình đám bên lề lại... có thừa. Có lẽ trong vài năm trở lại đây, chưa có năm nào, làng giải trí TP HCM lại có nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp đến như thế. Dai dẳng và tốn "giấy mực" nhiều nhất là vụ kiện của ca sĩ Phương Thanh với nhà báo Hương Trà xung quanh thông tin trên blog cogaidolong.

Riêng nửa cuối năm 2008 cũng đã có đến gần nửa chục cuộc "lình xình". Vừa kết thúc vụ tranh cãi giữa nghệ sĩ Kim Cương và Hương Lan quanh kịch bản vở "Lá sầu riêng" đã có ngay xì căng đan quanh sự giống nhau giữa kịch bản phim "Sóng gió thương trường" và "Phiên chợ số".

Ngay với sử ca, thể loại âm nhạc tưởng chừng bị lãng quên cùng năm tháng cũng chợt gây chú ý trở lại khi ca khúc "Về đất Lam Sơn" do nhạc sĩ Vũ Hoàng gửi về dự thi sáng tác, sưu tầm sử ca của Nhà văn hóa Thanh niên đột nhiên bị phát hiện là của người khác...

Và trong thực tế, những "sự kiện" kiểu này không đóng góp gì cho sự phát triển nghệ thuật nước nhà. Kết quả thường chỉ "hòa cả làng" nhưng không ít đối tượng trong cuộc lại bỗng dưng "được lợi"...

Làm thế nào để làng giải trí thành phố nói riêng, cả nước nói chung có thêm nhiều khởi sắc, phát triển sôi động hơn nhưng đưa đến sự phát triển tích cực cho văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới? Đã rất nhiều lần các nhà phê bình, người làm nghệ thuật đã cùng ngồi lại bàn thảo, tranh luận dưới nhiều hình thức, nhiều quy mô khác nhau.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều thống nhất rằng: hội nhập, xã hội hóa để phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật giải trí nói riêng là cần thiết nhưng xã hội hóa không có nghĩa là tư nhân hóa.

Để nghệ thuật nước nhà phát triển, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn con người Việt thì bên cạnh sự năng động của các nghệ sĩ, vai trò định hướng, chỉ đạo, đầu tư của Nhà nước vẫn cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết

N.Nguyễn
.
.
.