Làm gì để giữ tài năng?

Thứ Sáu, 18/08/2006, 08:33

Đó là câu hỏi đặt ra với Liên đoàn bóng đá Việt Nam sau khi đội U 17 Việt Nam lên ngôi vua ở giải vô địch U 17 ĐNA. Nếu không có một kế hoạch cụ thể và dài hơi để đào tạo, bồi dưỡng lứa cầu thủ này, rất có thể bóng đá Việt Nam sẽ hoài phí những tài năng.

Sau khi chứng kiến các cầu thủ U-17 Việt Nam giã vào lưới U-17 Myanmar tới 4 bàn tại giải vô địch U-17 ĐNA, một PV hồ hởi: "Tụi nhỏ chơi hay quá! Lâu lắm rồi mới thấy bóng đá trẻ Việt Nam đá tốt như vậy". Ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn thậm chí còn thốt lên: "Đây có thể sẽ là một thế hệ tài năng mới của chúng ta!". Vậy thì chúng ta phải làm gì để giữ tài năng?

Thực hư trình độ

Qua hai trận thắng tưng bừng trước Banglades và Myanmar, U-17 Việt Nam quả thật đã để lại rất nhiều ấn tượng. Các học trò của HLV Phan Công Thìn biết cách cầm nhịp trận đấu, biết khi nào phải áp đặt lối chơi lên đối thủ và khi nào thì "phá" lối chơi của đối thủ. Đặc biệt là trong cái tập hợp đồng đều ấy đã nổi lên những gương mặt  triển vọng, điển hình là tiền đạo Danh Ngọc. Khán giả sân Thiên Trường đã không ít lần trầm trồ với cái "que trái" dẻo như kẹo kéo của Ngọc. Cái "que" ấy rất điệu trong những pha qua người và rất tỉnh trong những quả đá phạt theo kiểu "lá vàng rơi".

Song, trận thua bất ngờ trước U-17 Lào cũng đã làm vỡ ra nhiều vấn đề. Có 2 lập luận ngụy biện cho trận thua này: một là bóng đá trẻ Việt Nam luôn kỵ rơ với bóng đá trẻ Lào (luôn thua Lào trong các giải U-17, U-20 ĐNA), hai là các cầu thủ Việt Nam đã không chơi hết mình khi gần như đã cầm chắc ngôi vô địch. Xin hãy nhớ lại, sau khi bị đối thủ "đập" cho 2 quả ở đầu hiệp hai, các học trò của HLV Phan Công Thìn đã cuống cuồng dồn lên nhưng đã không thắng nổi lối đá rất rát và đôi khi là rất ác của đối phương. Nó cho thấy tâm lý của các cầu thủ chưa vững vàng, họ không biết cách vượt qua khó khăn, không biết cách phản đòn khi bị dồn vào thế chân tường.

Nhưng thực ra đấy cũng là những hạn chế tất yếu của một đội bóng trẻ. Nhìn toàn diện thì U-17 Việt Nam đã vô địch một cách xứng đáng. Thứ bóng đá tấn công với những pha đan lát nhịp nhàng mà họ trình diễn giúp chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào họ. 

Làm gì để giữ tài năng?

Câu chuyện của U-17 hôm nay gợi nhớ lại câu chuyện của U-16 sáu năm về trước. Hồi ấy, tại sân Chi Lăng, các cầu thủ nhí Việt Nam đã chơi những trận cầu rực lửa, trong đó đáng ghi nhận là cú vượt vũ môn trước đại gia Trung Quốc. Hồi ấy, những cầu thủ như Văn Quyến, Anh Đức, Như Thuật hứa hẹn sẽ trở thành vàng ròng của bóng đá Việt Nam. Nhưng kết cục thì sao? Như Thuật, Lâm Tấn… mau chóng bị thui chột tài năng. Quốc Vượng, Văn Quyến sau khoảnh khắc hóa vàng cũng mau chóng bị thui chột về nhân cách.

Từ đây cần thiết đặt ra những câu hỏi: Chúng ta phải làm gì để thế hệ U-17 hôm nay không đi vào vết xe đổ của thế hệ U-16 trước đây? Ai có trách nhiệm rèn giũa những mầm non thành cây? Và vai trò của cơ quan đầu não (VFF) cần phải được thể hiện như thế nào? Chúng tôi từng đặt những câu hỏi này lên bàn của ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Bản thân ông Hỷ cũng rất xót xa với tình trạng rơi rụng những tài năng trẻ. Và ông đã quyết định "gỡ rối" bằng chiến lược xây dựng trung tâm đào tạo trẻ quốc gia. Theo đó thì một trung tâm bóng đá trẻ có cơ sở vật chất thuộc loại nhất nhì ĐNA sắp được khởi công ở Mỹ Đình, và nghe đâu đến giữa năm 2008 sẽ được hoàn tất. Những tài năng bóng đá Việt Nam, từ lứa U-14 tới U-17 sẽ được tập trung dài hạn ở đây. Những cựu cầu thủ như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, thậm chí là cả Kiatisak có khả năng sẽ được mời về để "gõ đầu" tụi trẻ.

Đấy có thể sẽ là phương án khả thi. Nhưng hãy nhớ cho, phải đến năm 2008 trung tâm mới có thể đi vào hoạt động, trong khi đó việc đào tạo, gìn giữ tài năng trẻ thì lại bức thiết ngay từ bây giờ. Như lứa U-17 nói trên, sau khi đấu giải ĐNA, đấu nốt giải châu Á, thì họ sẽ đi đâu về đâu? Phải chăng cũng như những đội tuyển trẻ trước đây, sau khi xong một mùa vụ thì mỗi người lại ai về nhà nấy? Và khi đó việc đào tạo trẻ cứ được thả nổi, muốn ra sao thì ra cho các địa phương?

Chúng ta đang có một lứa U-17 tài năng. Hơn bao giờ hết chúng ta mong muốn VFF lên tiếng, thậm chí đề ra những phương án cụ thể để gìn giữ những tài năng này. Xin đừng để mọi thứ trở nên quá muộn

Trịnh Phan Phan
.
.
.