Làm du lịch và đưa nón làng Chuông ra thế giới

Thứ Ba, 06/10/2015, 08:07
Nón làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội nổi tiếng hàng trăm năm qua. Vào thời hoàng kim, nón sản xuất ra không đủ để cung cấp cho thị trường. Khi thời của mũ bảo hiểm và các loại mũ thời trang được sử dụng nhiều, người làng Chuông tưởng rằng phải bỏ nghề vì đầu ra gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, hiện nay, nghề làm nón ở làng Chuông không những vẫn phát triển, xuất khẩu ra thế giới, mà còn là một điểm du lịch thu hút khách quốc tế đến tham quan.

Chúng tôi đến làng Chuông vào một ngày thu vàng óng, bao quanh ngôi làng là cánh đồng lúa chín đang vào mùa gặt, tạo cho vùng quê càng thêm thanh bình, yên ả. Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, dân số đông, thanh niên trai tráng ở làng Chuông đều đổ ra Thủ đô tìm việc.

Ông Đinh Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Phương Trung cho biết: “Người làm nón làng Chuông giờ chủ yếu là phụ nữ đứng tuổi, người già và học sinh sau giờ học về tranh thủ giúp gia đình khâu nón”.

Khách quốc tế rất thích tham quan và học cách làm nón ở làng Chuông.

Theo chân cán bộ văn hóa xã, chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Quân. Ngôi nhà khang trang nằm ngay trên đường làng, vợ và cháu gái ông đang ngồi khâu nón. Ngoài việc đồng áng, gia đình ông vẫn giữ nghề làm nón từ nhiều năm nay, mà theo như ông thì “nếu chịu khó cũng có đồng ra đồng vào”. Cháu gái ông sau giờ học cũng tranh thủ giúp bà nhồi nón, thắt nón. Mỗi ngày, hai bà cháu làm được 3 chiếc nón loại đẹp,  giá mỗi chiếc từ 50.000 – 55.000đ, trừ mọi chi phí cũng được 70.000đ.

“Cả thôn đều làm nón, ngoài đồng áng thì đây cũng là một nghề chính để người dân có thêm thu nhập. Nón làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy nên dân làng đều ham làm”, ông Quân cho biết.

Đến xã Phương Trung, hình ảnh dễ thấy nhất là người già, trẻ em ngồi khâu nón. Ông Đinh Văn Toàn cho biết, cả xã Phương Trung có 3.000 hộ (chiếm 95%) làm nón, mỗi ngày sản xuất trên 2.000 chiếc. Các cụ từ 80 đến 90 tuổi ở Phương Trung vẫn làm nón như thường, có cụ khâu được 2 chiếc/ngày, tiền lãi kiếm được khoảng 50.000đ.

“Chị em trẻ khéo tay hơn thì thu nhập khoảng 80.000 - 100.000đ/ngày. Đây là công việc hợp lý với người già và các cháu học sinh. Không chỉ tăng thu nhập, mà nghề làm nón đã giúp cho tệ nạn xã hội ở Phương Trung hầu như không có”, ông Toàn vui vẻ kể.

Trước thời mở cửa và hội nhập, liệu nón làng Chuông có đất sống hay không? Trả lời băn khoăn này của tôi, ông Toàn hào hứng: “Không bao giờ không bán được, nón làng Chuông chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp, lại phục vụ người lao động nên làm ra đến đâu, sản phẩm được tiêu thụ hết đến đó. Nón đắt hàng quanh năm nên người dân rất phấn khởi, yên tâm sản xuất”.

Theo ông Toàn thì trẻ em ở làng Chuông 10 tuổi đều đã biết làm nón. Vào thời hoàng kim, cả làng lúc nào cũng sáng đèn, nhà nhà như một công trường thu nhỏ. Bước vào giai đoạn khó khăn, tưởng chừng nghề làm nón thất truyền bởi thị trường tiêu thụ giảm mạnh khi mũ thời trang phát triển rầm rộ, rồi đến thời của mũ bảo hiểm, nhưng người làng Chuông vẫn quyết tâm vượt qua cơn “khủng hoảng” đó để giữ nghề mà cha ông đã lưu truyền hàng trăm năm nay.

Những nghệ nhân cao tuổi như cụ Phạm Trần Canh (85 tuổi), cụ Lê Văn Tửu (93 tuổi) vẫn làm nón cao cấp, giá mỗi chiếc trên 100.000đ, đặc biệt là nón quai thao, đẹp mê hồn. Nón làng Chuông ngoài tham gia vào nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như SEA Game 22, Hội nghị APEC 2006 và nhiều hội chợ quốc tế, người dân đã nhanh chóng chuyển đổi thói quen sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang hướng liên kết, chuyên môn hóa, hình thành bộ phận chuyên cung cấp nguyên vật liệu và bộ phận gom hàng giải quyết đầu ra.

Ông Toàn vui mừng cho biết: “Nón làng Chuông đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore. Việc quảng bá du lịch đã lan tỏa đi nhiều nước nên xã đã thu hút được khách du lịch nước ngoài vào tham quan”. Ở làng Chuông đã xuất hiện những doanh nghiệp trẻ sản xuất và kinh doanh nón mạnh dạn, tiên phong và làm giàu từ nón. Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất và kinh doanh nón làng Chuông nổi tiếng của anh Lê Văn Tuy. Không chỉ đưa nón ra thế giới, mà cơ sở sản xuất của anh đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông các đoàn khách quốc tế đến tham quan và đặt hàng. “Mỗi ngày cơ sở sản xuất được 1.000 chiếc nón. Khách quốc tế đến đây họ rất thích xem mình làm. Có ngày bán hết cả nghìn chiếc, có ngày chỉ vài chục” - anh Tuy kể.

Để nón làng Chuông ngày càng phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, UBND xã Phương Trung đã có chủ trương quy hoạch diện tích làng nghề rộng 10ha, có điểm du lịch làng nghề để thu hút khách du lịch nước ngoài vào tham quan, mở các lớp nâng cao kỹ năng làm nón cho khéo, cho đẹp. Theo ông Toàn thì khách du lịch đi thăm làng Chuông, điểm di tích lịch sử, họ rất thích thăm làng nghề, xem sản xuất nón, nhiều khách còn muốn học làm nón. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với xã Phương Trung hiện nay là chưa có cơ sở hạ tầng như xây dựng một số gian hàng bán sản phẩm ngoài QL21 do không có kinh phí.

Để người dân sống được với nghề, phát triển, giữ gìn nghề truyền thống, thiết nghĩ chính quyền huyện, thành phố cần có chính sách ưu tiên cho làng Chuông phát triển làng nghề, giúp nón làng Chuông đứng vững, quảng bá sản phẩm, tạo công ăn việc làm để người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trần Hằng
.
.
.