Làm báo theo thiên chức

Thứ Tư, 20/06/2007, 11:49
Làm báo là một công việc "kiếm kế sinh nhai". Nhưng có lẽ làm báo không chỉ đơn thuần là thế. Có không ít những nhà báo coi việc viết báo của mình như một thiên chức, với mục đích viết để đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của những chiến sĩ trên mặt trận báo chí.

Trong điều kiện làng báo chí hiện nay, mọi năng lực của các nhà báo đang được phát huy ở mức độ cao nhất. Nhưng nói một cách thẳng thắn, trong quá khứ chưa xa, không phải lúc nào các nhà báo ở thế hệ trước chúng ta cũng được làm việc như chúng ta hôm nay.

Giở lại bộ tư liệu cũ, tôi đã tìm thấy một bản tự kiểm điểm của một đồng nghiệp, phải "nhận lỗi" với cơ quan chủ quản vì đã quá hăng say nghiệp báo. Đọc lại, thấy cảm kích nên xin giới thiệu lại bản kiểm điểm đó.

Thiển nghĩ rằng, những tâm sự của người đồng nghiệp ấy có thể sẽ giúp chúng ta không nản chí mỗi khi vấp phải những khó khăn trong nghề báo. Vì những lý do tế nhị, các địa chỉ cụ thể của những bên liên quan đã được thay đổi.

"Kính gửi Ban Biên tập báo...!

Theo yêu cầu của Ban Biên tập báo, tôi xin tường trình về việc cộng tác của cá nhân tôi với các phương tiện thông tin đại chúng trong nước.

- Tôi vốn là người được Nhà nước và Quân đội đào tạo chính quy về kỹ thuật, từng tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện Quân sự (hệ 6 năm) tại Liên Xô cũ. Tuy nhiên, về năng khiếu và sở thích, tôi lại hơi bị thiên mạnh về văn học nghệ thuật và báo chí. Chính vì thế nên từ khi còn công tác (làm trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn thông tin) tại Binh đoàn Tây Nguyên, tôi đã tự học hỏi và tập viết báo, làm thơ, dịch thơ, cố gắng tập viết trên mọi chủ đề.

Ngay từ khi đó, tôi đã gửi bài cộng tác với Báo QĐND, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Binh đoàn Tây Nguyên... Những cố gắng và sở thích của tôi cuối cùng đã được tổ chức lưu ý và tôi đã được điều về làm phóng viên, thoạt tiên cho Báo Binh đoàn Tây Nguyên, rồi về báo... từ năm 1988 tới nay. Ngay từ trẻ, tôi đã rèn thói quen làm việc hết sức mình và hết thì giờ, không để "nhàn cư vi bất thiện".

- Từ năm 1990, khi bắt đầu có tờ cuối tuần của bản báo, tôi được phân công phụ trách mảng thời sự quốc tế. Từ đó tới nay, tôi luôn luôn cố gắng phụng sự cho bản báo, liên tục là một trong những người có số lượng bài viết nhiều nhất, đạt chất lượng, thậm chí còn được khen.

Tôi đã cùng các đồng nghiệp gây dựng được mục bình luận quốc tế thường kỳ ngày càng có uy tín trong lòng độc giả. Công tác chuyên môn ở báo giúp tôi từng được bầu làm chiến sĩ thi đua, nhận bằng khen, giấy khen, đoạt giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam...

Vốn là một người không có thú vui giải trí và rất thích làm việc, ngoài công tác chuyên môn là viết các bài bình luận quốc tế cho bản báo và biên tập hai trang quốc tế mỗi tuần, tôi đọc sách báo rất nhiều và rèn luyện nghiệp vụ báo chí và văn học trong nhiều thể loại. Tôi rất quan tâm tới văn học nghệ thuật, đặc biệt là thơ và sân khấu (cả kịch lẫn ca nhạc), nghiên cứu rất sâu và thường xuyên về tình hình quốc tế trên cơ sở các quan điểm của Đảng và Quân đội.

Để giải tỏa năng lượng và những kiến thức tích cóp được, ngoài phần việc được phân công ở bản báo, tôi còn cộng tác với các mục khác nhau ở nhiều ấn phẩm khác của bản báo

 Tuy nhiên, do dung lượng báo ta có hạn, mà sức viết của tôi lại trên cả mức dồi dào nên số bài mà báo ta không sử dụng, tôi đã dùng để cộng tác với một số phương tiện thông tin đại chúng khác mỗi khi có yêu cầu. Đối với tôi, viết bài là một cách học tập nghiệp vụ vì "dao năng mài mới sắc".

Các bài viết của tôi chủ yếu thuần tuý lý thuyết, suy luận hay là sáng tác thi ca. Đây hoàn toàn là những bài viết với tư cách cá nhân, chủ yếu nằm ngoài chuyên môn được phân công ở báo, chỉ có tác động tốt tới công việc dành cho bản báo. Chưa bao giờ tôi sử dụng danh nghĩa phóng viên bản báo để làm việc gì đó không vì lợi ích của báo ta.

Với tất cả những cơ quan báo chí mà tôi cộng tác, tôi chỉ là một cộng tác viên bình thường như mọi cộng tác viên khác. Các bài viết của tôi đăng ở đó chưa bao giờ có gì sai phạm về mặt quan điểm cũng như chính kiến hay các xét đoán vì tôi luôn quán triệt đường lối tư tưởng của Đảng và Quân đội một cách sâu sắc.

Với Đài Truyền hình Việt Nam, do thú vui, nghiệp thơ và cảm thấy mình cần thử sức trên các lĩnh vực khác nhau nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, tôi có cộng tác làm chương trình Câu lạc bộ Người yêu thơ với tư cách là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Với Phòng Truyền hình Quân đội, tôi cũng từng giúp làm một số chương trình thơ. Tất cả những chương trình này đều được tính thù lao theo nhuận bút Nhà nước, rất khiêm tốn mà chỉ người nào yêu quý công việc lắm mới nhận làm.

Tôi nhận làm với truyền hình còn là vì muốn học hỏi một nghiệp vụ mới chưa được học trong nhà trường. Thời gian tham gia truyền hình tuy đều kỳ (một tháng một buổi ghi hình) nhưng không lớn, không làm ảnh hưởng gì tới công việc chuyên môn ở bản báo. Ngược lại, thông qua các chương trình Câu lạc bộ Người yêu thơ, tôi luôn có ý thức góp phần vun đắp cho hình ảnh tốt đẹp Quân đội trong lòng giới trẻ.

Tôi là một phóng viên bình thường và giản dị của bản báo. Tôi không hề tham gia vào bộ máy điều hành làm việc của bất kỳ cơ quan báo chí nào khác. Tôi luôn cảm thấy mình phải cố gắng hết sức để phụng sự cho sự nghiệp của báo. Đồng thời, tôi cũng cảm thấy rằng, việc cộng tác với các báo bạn như tôi đang làm chỉ có ích cho công việc chuyên môn của mình, vì nó dựa trên tình yêu nghề nghiệp và lý tưởng truyền bá cái hay, cái đúng tới càng nhiều công chúng càng tốt. Mọi sự cộng tác của tôi luôn vô tư, trung thực và không vụ lợi. Điều này có thể kiểm chứng khách quan.

Tôi biết là hiện nay tòa soạn báo ta đang phát động phong trào nâng cao tư cách nghiệp vụ và nhân cách của các phóng viên. Một trong những nội dung là phải làm sao loại bỏ những trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo để lo những mục tiêu cá nhân. Đó là một phong trào đúng và cần thiết. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ ràng những trường hợp cộng tác với báo ngoài vì tư lợi với những trường hợp yêu nghề và say mê nghề nghiệp.

Kính mong Ban Biên tập đủ sáng suốt để làm việc này, vừa giúp trong sạch hóa đội ngũ các nhà báo của mình, vừa không cản trở quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng và phát triển nghiệp vụ của các phóng viên có tâm huyết với nghề.

Không nên để cho một phong trào tốt trở thành chiêu bài biện bạch hay che đậy sự lười biếng nghiệp vụ hay trả thù cá nhân. Không nên làm tắt ngọn lửa nhiệt tình với nghề nghiệp trong lòng các phóng viên trẻ, vì nói cho cùng, ai cũng chỉ có một thời sung sức, qua đi là hết, không bao giờ trở lại.

Nếu tôi không cố gắng làm việc ngày hôm nay, ngày mai tôi có thể sẽ chẳng đủ sức để làm nữa. Và đó sẽ là thiệt thòi cho cả cái chung lẫn cá nhân tôi.

Kính!"

Trong dòng cuối lá đơn trên có đề ngày 8/6/1999.

Từng ấy năm trôi qua rồi, nhưng hôm nay đọc lại, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn có thể thấy những tâm sự thiết thân với nghề của chính mình. Nhiệt huyết không bao giờ là cũ, thiện tâm không bao giờ là cũ, có điều, phải làm sao để khỏi hiểu nhầm nhau.

Cũng phải nói thêm một điều, vì những sự cố không đáng gì, phải rời khỏi tòa soạn cũ, nhưng trong lòng nhà báo ấy vẫn luôn cháy bỏng một sự tiếc nuối về môi trường đã nuôi dưỡng nên nhân cách của mình. Có điều, đôi khi những sự rất lớn lại bị phá hỏng bởi những tiểu khí.

Và cuộc đời là quá trình "cái bay không đợi cái trôi" chẳng thể nào làm lại được. Chung cuộc là tất cả đều buồn

Minh Huyền
.
.
.