Làm Phim cho tuổi teen: Nên bắt đầu từ đâu?

Thứ Năm, 27/03/2008, 16:05
Đó là câu hỏi làm đau đầu những nhà làm phim truyền hình. Cùng chung với những khó khăn của phim truyền hình như vấn đề kinh phí, bối cảnh quay hạn hẹp thì phim truyền hình cho lứa tuổi teen còn gặp nhiều trở ngại hơn.

Đó là việc thiếu kịch bản, đạo diễn đến việc lựa chọn diễn viên. Chúng ta thiếu những kịch bản hay, phù hợp với giới trẻ là vì sao? Phải chăng vì khoảng cách tuổi đời giữa những người viết kịch bản với đời sống tuổi teen là quá lớn?

Theo Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người từng có những tác phẩm khá thành công về lứa tuổi teen thì: "Làm phim cho tuổi teen trước hết phải hiểu được tâm lý của lứa tuổi này. Đó chính là khát vọng làm người lớn, những kiêu căng của tuổi ô mai. Phải dành nhiều thời gian để thâm nhập và để khám phá xem tuổi trẻ thích gì, muốn được làm gì.

Điều này thì những người viết kịch bản ở ta vẫn chưa đạt được. Bởi đa phần trong số họ khi viết kịch bản cho tuổi trẻ lại thường kể về những câu chuyện quá khứ của thời họ sống. Vì vậy những gì họ viết ra nếu được dựng thành phim thì tuổi teen của ngày nay cũng không nồng nhiệt đón nhận. Vì nó không mang hơi thở hiện đại, không nói hộ tiếng nói của tuổi trẻ. Do đó sự thất bại hay chưa gặt hái được những thành công là điều hiển nhiên khó tránh.

Như chúng ta biết thì sở thích phần đông của tuổi trẻ hiện nay là muốn được phiêu lưu mạo hiểm, ưa những gì thuộc về khoa học viễn tưởng hay rất thích cập nhật đời sống công nghệ cao. Vì thế để đáp ứng thị hiếu của tuổi trẻ thì chúng ta rất cần có những phim về đề tài này. Song cái khó để thực hiện được thể loại phim này là kinh phí làm phim sẽ rất cao. Đấy cũng là một khó khăn.

Cũng theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, để làm được phim sao cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của tuổi trẻ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải kiên trì. Kiên trì trong việc nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên. Vì đây là lứa tuổi có nhiều biến động nhất trong cuộc đời của mỗi con người.

Ví như ở nước Mỹ, người ta thành lập hẳn một cơ quan nghiên cứu tâm lý của tuổi teen và thường xuyên cập nhật cho phụ huynh và nhà trường được biết. Thậm chí họ đã tổ chức những lớp học dành cho cảnh sát học tiếng "lóng" mà người hướng dẫn không ai khác chính là những học sinh 15 tuổi. Bởi trên thực tế có những trường hợp cảnh sát buộc phải theo dõi những hành vi của một số học sinh thì họ lại không thể biết được chúng đang nói chuyện gì với nhau.

Những người làm phim cho tuổi teen nên biết về công nghệ thông tin. Chẳng hạn như blog. Chúng ta có thể tham khảo blog của teen để biết suy nghĩ của chúng. Bởi đây chính là những gì đang diễn ra trong đời sống hàng ngày của giới trẻ, nó được cập nhật từng ngày, từng giờ. Làm được điều đó thì chúng ta không sợ phim dành cho thanh thiếu niên lại xa rời thanh thiếu niên.

Có nhiều cách để làm phim cho tuổi teen được hay mà không nhất thiết là phải kinh phí cao. Chẳng hạn như chúng ta có thể về các vùng nông thôn để dựng phim về tình yêu quê hương, đất nước mang những cảm xúc hiện đại.

Điều này thì bộ phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" của điện ảnh Mỹ đã rất thành công. Nó không chỉ được tuổi teen đón nhận một cách nồng nhiệt mà ngay cả những người lớn tuổi cũng cảm thấy thích thú. Bộ phim chỉ xoay quanh mối quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình và mối quan hệ giữa các gia đình với nhau trên một thảo nguyên nhỏ. Vậy mà những bài học bộ phim đem đến cho người xem lại rất sâu sắc.

Tìm được một kịch bản hay, phù hợp với lứa tuổi teen đã khó, nhưng tìm được diễn viên để thể hiện tốt kịch bản đó lại càng khó hơn. Lực lượng diễn viên của chúng ta vốn đã rất mỏng đối với cả phim truyền hình lẫn phim truyện nhựa. Hơn nữa những diễn viên này thường không được đào tạo bài bản, chỉ diễn xuất nhờ vào năng khiếu bẩm sinh và vào tất cả những gì mình có. Thế nên sự cảm thụ điện ảnh còn hạn chế.

Trước đây, để chuẩn bị cho dự án phim "Nhật ký Vàng Anh" thì Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam đã phải bỏ thời gian ra tuyển lựa và sau đó là đào tạo ngắn hạn một đội ngũ diễn viên trẻ. Tuy nhiên nếu xem phim thì sẽ thấy đội ngũ diễn viên này diễn vẫn chưa được tự nhiên.

Điểm qua một số phim teen đã được trình chiếu: "Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17", "Tóc ngắn", "Kính vạn hoa", "Tuyết nhiệt đới", "Mùi ngò gai", "Gọi giấc mơ về"… những phim này ít nhiều đã gây được tiếng vang trong dư luận, mặc dù vậy vẫn chưa tạo ra cú sốc thật sự cho khán giả.

Đa số phim chưa phản ánh đầy đủ những gì tuổi teen đang cần, như những trăn trở về học hành, về tình yêu giới tính, những suy nghĩ, hành động của các em nhiều khi người lớn không lý giải được. Vậy nên chính các nhà làm phim cũng chưa thỏa mãn, và vẫn cần thấy phải làm một cái gì đó cho phim teen Việt.

Về phía khán giả, nhiều em nghĩ rất đơn giản rằng, nếu phim cho teen Việt không hay thì có thể xem phim nước ngoài. Nhưng suy nghĩ đó cũng chỉ đúng một phần. Bởi phim ảnh, ngoài chức năng giải trí còn có chức năng giáo dục, nhất là những phim cho tuổi học trò thì chức năng giáo dục được đề cao hơn. Người nước ngoài có lối sống, suy nghĩ khác với chúng ta, vì thế xem phim của họ cũng chỉ mang tính chất tham khảo chứ không thể bắt chước lối sống của họ được.

Vài tháng gần đây, những thông tin về bộ phim truyền hình "Bỗng dưng muốn khóc" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được dư luận, đặc biệt là lứa tuổi teen quan tâm. Những ngày đầu bấm máy, khi quay cảnh phim ở công viên Tao Đàn, đã có rất nhiều người hâm mộ đến để xem diễn viên Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải diễn xuất. Nói như thế để thấy rằng các teen Việt không hề quay lưng lại với phim truyền hình trong nước, mà cái quan trọng, quyết định ở đây vẫn là chất lượng phim.

Gần đây nhiều hãng phim tư nhân như: M&T Picture, Phim Việt, Vimax Film cũng tham gia sản xuất phim cho tuổi teen. Một số kế hoạch đặt ra trong năm 2008 với việc đi vào sản xuất phim cho giới trẻ như: "Chít và Pit", "Mắt Nhung", "Tuổi yêu", "Cỏ đuôi gà"…

Hy vọng các kế hoạch sẽ thành hiện thực để phim cho teen ngày càng phong phú, hấp dẫn, có thể đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp khán giả đông đảo này

Ngọc Anh - VNCA 76
.
.
.