Làm... 3 ngày Tết

Thứ Hai, 14/02/2005, 07:50

Không biết từ bao giờ, quan niệm "Làm cả năm không bằng 3 ngày Tết" đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một số người dân. Ngày Tết người ta dành cho nhau những lời tốt đẹp, làm giúp nhau những việc nhân nghĩa. Thế nhưng,lại có những người coi ngày này là cơ hội để làm ăn.Thậm chí, có người bán hàng còn quát vào mặt khách khi bị chê bán đắt rằng: "Ngày Tết thì giá phải khác".

Tết năm nay, thời tiết thật lạ và cũng khéo chiều lòng người. Mùng hai Tết, trời nắng đẹp, đường sá quang đãng, khô ráo, thật khó mà kìm chân nổi những nam thanh, nữ tú du xuân. Và, lâng lâng trong không khí vui xuân ấy, người ta cũng dễ dàng bỏ qua cho nhau những lỗi lầm mà nếu là ngày thường có thể sẽ thành to chuyện, để dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm.

Những việc làm tốt đẹp, những lời nói tốt đẹp trong những ngày Tết đã trở thành phong tục truyền thống thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Thế nên, cũng không ai nỡ trách cô hàng bún ốc mở hàng sớm lại bán đắt gấp ba ngày thường. Cứ nhìn những gương mặt trẻ măng ngồi ăn quà sớm thì biết. Phấn chấn lắm, vui vẻ lắm. Họ tặc lưỡi, 15 ngàn bạc có đáng gì. Mà chẳng phải riêng cô hàng bún ốc, bác bơm xe bên đường cũng lấy giá đắt... gấp 5. Rồi thì giá vé gửi xe tăng. Các cô làm nghề gội đầu cũng tranh thủ kiếm thêm. Tất tật đều tăng giá trong mấy ngày Tết.

Tết là vậy ư? Thế là Tết ở đâu đó chứ cha ông ta từ xưa nào có dạy con cháu làm thế bao giờ. Ngay những kẻ tội đồ, ngày xuân cũng biết dạy con làm điều thiện và chính họ cũng cố gắng không làm gì phải quấy trong 3 ngày Tết để tấm lòng được thanh thản thắp hương tạ tội trước gia tiên. Truyền thống nhân văn sâu sắc của người Việt Nam là thế. Và, trong bản hòa tấu mùa xuân đầy âm sắc, những việc làm của một số người nói trên hẳn sẽ là một nốt nhạc buồn.

Tôi chợt mơ hồ buồn khi nhìn thấy một đứa trẻ hàng xóm xé ngay bao lì xì trước mặt khách vừa mừng tuổi để đếm tiền. Còn buồn hơn nữa khi nghe một đứa trẻ khác chê lì xì ít. Thế đấy! Trẻ con cũng thích tiền ngay từ tuổi còn chưa biết dùng tiền để làm gì cũng bởi chúng đã không được bố mẹ dạy rằng, mừng tuổi là một phong tục tốt đẹp của dân tộc ta để cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc, an lành. Tiền mừng tuổi chỉ mang tính chất tượng trưng, không có nghĩa rằng, người nhận được nhiều lì xì sẽ may mắn, khỏe mạnh hơn người khác.

Trở lại chuyện cô hàng bún ốc, tôi lại nghĩ, nếu trong những ngày Tết này, các bệnh viện cũng đồng loạt tăng viện phí, các hiệu thuốc Tây thi nhau "cắt cổ" người bệnh thì những bệnh nhân nghèo, những người đang phải đón Tết trong bệnh viện sẽ ra sao. Và, cũng vì nhân dịp Tết, nếu ai đó vi phạm Luật Giao thông cũng bị phạt với số tiền gấp ba ngày thường thì họ sẽ nghĩ gì. Rồi cứ giả sử những cô hàng bún ốc, những bác thợ bơm xe hoặc người thân của họ chẳng may bị nhập viện trong những ngày Tết mà phải nộp viện phí cao thì liệu họ có nghĩ lại về cái quan niệm chính họ đã góp phần xây dựng không lấy gì làm tốt đẹp "Làm cả năm không bằng 3 ngày Tết".

Tất nhiên, sự so sánh ở đây là khập khiễng và chỉ có tính tượng trưng, nhưng có cái gì đó là sự thật khi hôm nay, người ta đang dần quên mất ý nghĩa nhân văn của ngày Tết cổ truyền, quên đi những phong tục tốt đẹp của dân tộc. Người ta sống với nhau như thế, đối xử với nhau như thế mà không hề ý thức rằng, họ được một thứ nhưng đã mất rất nhiều thứ. Cái mất to lớn nhất chính là những đứa con, đứa cháu của họ sẽ không được thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình, không hiểu thế nào là cội nguồn dân tộc. Với chúng, tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam có lẽ là rất mơ hồ.

Một con người sinh ra không hiểu được tư tưởng của người Việt Nam hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước với mục đích cuối cùng là gìn giữ gốc rễ, đạo lý dân tộc thì sống trên đời này có lẽ sẽ rất vất vả để trưởng thành làm người. Tâm hồn chúng sẽ có gì nếu không ngoài những toan tính nhỏ nhoi?

Đinh Hiền
.
.
.