“Lá chắn thép” - cuốn sách văn học đầu tiên về lực lượng An ninh Tây Ninh

Chủ Nhật, 16/08/2015, 10:48
Truyện ký “Lá chắn thép” của nhà văn Diệp Hồng Phương viết về lực lượng An ninh tỉnh Tây Ninh và An ninh Trung ương Cục miền Nam, vừa được Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2015).

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tây Ninh là căn cứ của Trung ương Cục miền Nam; các lực lượng vũ trang cách mạng đứng chân tại đây, lấy Tây Ninh làm bàn đạp đánh địch. Do vậy đây là vùng trọng điểm đánh phá của địch, là chiến trường hết sức ác liệt với các cuộc hành quân càn quét hủy diệt, tiêu biểu là cuộc hành quân Junction city lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, địch huy động 45.000 quân với hàng ngàn lượt máy bay, phi pháo đánh phá, kể cả B.52 rải thảm bom hủy diệt hòng tiêu diệt lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, “đánh gãy xương sống” Quân Giải phóng.

Quân và dân Tây Ninh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công, bảo vệ vững chắc căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Trong Lời tựa cuốn sách “Lá chắn thép”, Đại tướng - GS, TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã viết:

Trong bối cảnh khốc liệt của chiến trường, lực lượng An ninh tỉnh Tây Ninh đã triển khai có hiệu quả các mặt công tác bảo vệ, xây dựng cơ sở, vận động quần chúng diệt ác, phá kềm; đấu tranh với các hoạt động tình báo, gián điệp, góp phần cùng các lực lượng vũ trang cách mạng đánh thắng các cuộc càn quét của địch, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ an toàn khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Với những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng An ninh Tây Ninh xứng đáng với tên gọi Lá chắn thép”.

Có thể nói, “Lá chắn thép” là một cuốn sách lịch sử bằng văn học. Bút pháp và ngôn ngữ văn học đã làm sống dậy nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện và nhiều nhân vật của lực lượng An ninh Tây Ninh và An ninh miền Nam nói chung. Lựa chọn thể loại phi hư cấu, tác giả đặc biệt tôn trọng lịch sử, xử lý tư liệu cẩn trọng. Do đó, cuốn sách một mặt tái hiện sinh động các sự kiện ở chiến trường Tây Ninh từ năm 1961 khi Trung ương Cục dời từ căn cứ Mã Đà – Đất Cuốc về rừng Chàng Riệc – Tây Ninh đến ngày giải phóng miền Nam; những vụ án thầm lặng bóc gỡ mạng lưới nội gián của địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ của An ninh Tây Ninh, những giai đoạn khốc liệt “quyết tử giữ Gò Dầu” hay “vành đai diệt Mỹ” ở Trảng Lớn, Trảng Bàng…

Bìa truyện ký “Lá chắn thép”.

Mặt khác, bên cạnh câu chuyện của lịch sử, những câu chuyện con người, những số phận, cuộc đời của người chiến sĩ An ninh, của cán bộ và nhân dân… được soi sáng, vừa chân thực vừa mới mẻ. Đó là chuyện về những thiếu niên theo gương cha chú đi kháng chiến đã trưởng thành trong lực lượng An ninh; những người cán bộ An ninh gan dạ, kiên cường mà trong đời thường hết sức vui tính; hay những bà con cô bác quen chuyện Mỹ “nhảy cóc” như cơm bữa luôn mưu trí bảo vệ cán bộ…

Chuyện chiến lược, chuyện chiến đấu, chuyện đời…, những câu chuyện đan xen cấu tứ chặt chẽ trong 14 chương sách góp phần tái hiện một vùng lịch sử không bao giờ quên của đất nước.

Một nhân vật được tác giả dày công thể hiện là hình ảnh Phó ban An ninh tỉnh Tây Ninh - đồng chí Tô Lâm (tên thật là Tô Quyền, thân phụ của Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an hiện nay): “Ông Tô Lâm, chú Tư Tô Lâm, chú Tư, anh Tư Tô Lâm… là những tên gọi gần gũi biết bao. Họ quý trọng ông là người miền Bắc, vì đồng bào miền Nam phải xa gia đình vào Nam kháng chiến chống Mỹ, chịu đựng hiểm nguy bom đạn.

Đồng bào, đồng đội và anh em ở địa phương gọi ông là “Tư Tô Lâm” theo cách gọi miền Nam, coi ông là bà con ruột thịt, là người trong nhà”. Ông có vai trò quan trọng đưa hoạt động của lực lượng An ninh Tây Ninh trở nên bài bản; bằng nghiệp vụ an ninh đấu tranh hiệu quả với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi của địch, phá nhiều vụ án gián điệp, bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, đồng đội.

Ngày 5/8/2015, đồng chí Tô Lâm (Tô Quyền), Phó ban An ninh tỉnh Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Diệp Hồng Phương là cây bút quen thuộc với độc giả ở phía Nam. Ông sáng tác nhiều thể loại, nhưng ghi dấu ấn với thể loại truyện ký, đặc biệt là những cuốn sách viết về vùng đất và con người phương Nam. “Lá chắn thép” là truyện ký - văn học thứ ba của nhà văn Diệp Hồng Phương viết về lực lượng An ninh miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau “Ông Cò Ba Hương” (2012) và “Trên đầu ngọn sóng” (2014).

Trần Thanh Hà
.
.
.