Ký ức đẹp ngày tết Sài Gòn

Thứ Ba, 12/02/2013, 14:21
Theo ký ức của nhà văn Nguyễn Quang Sáng thì sau giải phóng ở Sài Gòn có một cái Tết đặc biệt lạ hơn những cái Tết trước đó. “Năm đó tiết trời có gió lạnh y như của miền Bắc, đến nỗi có người đã nói vui rằng, giải phóng xong người miền Bắc vào Sài Gòn kéo theo luôn cả tiết trời ngoài đó vào”.

1. Là một nhà văn của vùng đất Nam bộ, Nguyễn Quang Sáng (quê gốc An Giang) nổi tiếng với những tác phẩm kịch bản phim như Mùa gió chướng (1978), Cánh đồng hoang (1978 - 1979), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988)... Thời chiến ông tập kết ra Bắc, sau giải phóng ông mới trở lại sinh sống và làm việc ở thành phố này cho tới nay.

“Gia đình tôi thì Tết nào cũng vậy, không có gì cầu kỳ, chỉ làm mâm cơm cúng ông bà rồi con cháu về ăn thế thôi. Với người khác không biết thế nào chứ ngày Tết tôi ít đi chơi mà chủ yếu ở nhà ngồi viết như là một hình thức khai bút vậy. Trước kia còn khỏe khoắn thì bạn văn còn tụ tập nhậu nhẹt vui vẻ, chứ bây giờ già cả rồi (năm nay nhà văn bước sang tuổi 82) nên cũng ít ngồi la cà cùng nhau. Có lẽ giờ một trong những niềm vui lớn nhất với tôi là vui cùng những đứa cháu khi thấy chúng háo hức, mong mỏi những ngày Tết”, ông nhẹ nhàng bộc bạch.

Theo ký ức của nhà văn này thì sau giải phóng ở Sài Gòn có một cái Tết đặc biệt lạ hơn những cái Tết trước đó. “Năm đó tiết trời có gió lạnh y như của miền Bắc, đến nỗi có người đã nói vui rằng, giải phóng xong người miền Bắc vào Sài Gòn kéo theo luôn cả tiết trời ngoài đó vào”.

Đề cập đến bánh tét, ông đã kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm từ cái Tết năm 1958 lúc ông còn ở miền Bắc. Chính cái Tết năm đó với việc phát hiện ra ở một vùng núi rất gần Hà Nội, người dân nơi đây cũng gói và nấu bánh tét như người Nam bộ đã khiến cho ông nhớ mãi đến bây giờ. Theo lời ông kể thì năm đó có một người bạn lính đã rủ ông lên núi Ba Vì “ăn Tết Nam bộ” khi ông đang sống ở đất Bắc.

Và tại vùng núi Ba Vì này - nơi sinh sống của người Mường dưới chân núi, lưng chừng núi là người Mán (bây giờ gọi là người Dao), ông đã phát hiện rất nhiều điều lạ lùng, trong đó người Mường có nhiều điều rất giống dân Nam bộ!

“Con lợn họ gọi là con heo như người Nam bộ, lạ hơn nữa ngày Tết họ không ăn bánh chưng mà ăn bánh tét, cũng gói bằng lá chuối; và thêm một điều cũng na ná giống: Ngày lễ ngày vui, cũng trình diễn văn nghệ, nhưng không trình diễn trên sân khấu mà trên sân phơi lúa, ánh sáng là những ngọn đuốc bập bùng, ở những làng quê Nam bộ cũng vậy…”.

2. Là một người Sài Gòn chính gốc, diễn viên Trung Dân sinh ra và lớn lên rồi trưởng thành ở vùng đất Sài Gòn này. Nói chuyện với chúng tôi, những ký ức về ngày Tết ở Sài Gòn xưa cũng như nay được anh kể lại một cách đầy thú vị. Theo nghệ sĩ này thì từ xưa tới nay, Tết của người Sài Gòn luôn có những loại thực phẩm đặc trưng như bánh tét, củ cải muối, một số loại bánh và nhiều loại hoa quả của vùng đất Nam bộ được trưng trên bàn thờ, trong nhà… như một nét độc đáo riêng biệt.

Nghệ sĩ Trung Dân.

Ngoài ra, cho đến giờ người nghệ sĩ chuyên đóng những vai hài hước vẫn nhớ như in hình ảnh của những chiếc xuồng ghe nối đuôi nhau chở đầy cây trái, hoa kiểng từ vùng miền Tây trù phú lên Sài Gòn theo đường kênh Tàu Hũ, Bến Nghé để bán cho người dân nơi đây những ngày giáp Tết; Hay lễ hội hoa xuân và hội chợ đấu xảo tổ chức ở khu vườn ươm giống cây cao su (Thảo Cầm Viên ngày nay) để phục vụ cho việc trồng đồn điền ở nhiều địa phương khác.

Nơi đây nhiều hoa trái, sản vật từ khắp các tỉnh thành Nam bộ được người dân đem về để trưng bày, giới thiệu hàng cho người dân Sài Gòn thưởng lãm, nhất là những người muốn mua, đồng thời thi đấu xảo để chọn ra những loại trái cây, hoa kiểng hay con vật to, đẹp, độc đáo nhất…

Là một người nghệ sĩ hoạt động đã lâu năm, thì những hoạt động vui chơi, giải trí của người dân Sài Gòn vào ngày Tết cũng được Trung Dân khắc họa. “Ngày Tết hồi đó trên truyền hình có rất nhiều chương trình cải lương, hay cũng có những sân khấu hát cải lương, tuồng cổ cho người mộ điệu, còn nếu ai muốn đi ra ngoài xem đại nhạc hội thì có khá nhiều sân khấu đại nhạc hội…

Đặc biệt người dân Sài Gòn cũng có thú đi xem chớp bóng (chiếu bóng) với các bộ phim ngoài rạp. Ở Sài Gòn ngày trước có nhiều loại rạp chớp bóng khác nhau như rạp chiếu phim châu Âu - Pháp, Ý, cũng có rạp chiếu phim Mỹ, có rạp chiếu phim Đài Loan, Hồng Kông, đặc biệt rạp Long Phụng trên đường Lý Tự Trọng chuyên chiếu phim Ấn Độ…

Riêng ngày Tết đối với gia đình của nghệ sĩ Trung Dân ngày 25 tháng Chạp, Trung Dân cùng với gia đình mình tới nghĩa trang để dọn dẹp sạch sẽ mồ mả ông bà tổ tiên, rồi có chút hoa trái thắp nhang… Những ngày sau đó, dù công việc có bận rộn ra sao thì anh cùng vợ con cũng phải sắp xếp dọn dẹp từng phần trong nhà cho tới ngày 30 là sạch sẽ tinh tươm rồi trang hoàng bàn thờ để chuẩn bị đón giao thừa, đón Tết… Và cho đến giờ gia đình anh vẫn giữ nếp ngày 29 Tết gói và nấu bánh tét, bánh ít cho ngày Tết của gia đình mình…

3. Giống như nghệ sĩ Trung Dân, diễn viên Kim Xuân cũng là một người Sài Gòn chính gốc. “Do đa số các thành viên trong gia đình tôi đều hoạt động nghệ thuật nên tôi luôn chủ trương không vì cái Tết mà để bị mệt mỏi, cốt sao giữ gìn được sức khỏe để xuất hiện trước công chúng phục vụ nhu cầu giải trí nghệ thuật cho khán giả”, diễn viên Kim Xuân tâm sự.

Diễn viên Kim Xuân.

Chia sẻ về những ký ức đẹp ngày tết của người Sài Gòn trước đây, chị vui vẻ hồi tưởng: “Cách đây nhiều năm khi bà nội tôi còn sống, những ngày 28-29 tết trong xóm nhà tôi nhà nào cũng có một cái nồi nấu bánh tét, khói bốc lên cay xè mắt, hình ảnh đó có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được. Trong khi đó, bên nhà nội ở Gò Vấp hay quê mẹ tôi ở Củ Chi, các cô các chú cũng nấu nồi bánh tét rất to sau đó đem chia cho những người thân mỗi người một hai cặp...

Một hình ảnh rất đẹp từ bao năm nay mà tôi cảm thấy vô cùng thích thú mỗi khi nghĩ về nó, đó là hình ảnh cứ khoảng 11 giờ đêm, thời điểm trước giao thừa một tiếng, các gia đình đều chuẩn bị bàn thiên để cúng giao thừa. Mẹ và các chị bao giờ cũng là người ngồi khấn lâu nhất, cầu cho gia đình mình có sức khỏe, hạnh phúc và thành công”.

Sau giờ giao thừa, vợ chồng diễn viên tài năng này còn duy trì một phong tục thú vị và đầy ý nghĩa đó là đi chùa, đốt nhang cầu mong một năm mới tốt lành, thịnh vượng.

4. Dù không sinh ra ở Sài Gòn, nhưng diễn viên Nguyễn Hậu đã có thời gian rất dài sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở thành phố năng động này. “Tôi ở Sài Gòn từ năm 1969-1975, rồi về quê Đồng Tháp một thời gian, sau đó quay trở lại Sài Gòn từ năm 1990 cho tới giờ. Ngày tết của gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, cũng dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa, trưng mâm ngũ quả, thắp nhang cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu… vậy thôi”, diễn viên Nguyễn Hậu mộc mạc cho biết.

Diễn viên Nguyễn Hậu.

Nhớ về những ký ức ngày Tết ở Sài Gòn, người diễn viên gạo cội này cũng có những ký ức của riêng mình về cái Tết ở đất Sài Gòn. “Ở Sài Gòn hồi đó có một nơi chuyên bán hoa (là đường hoa Nguyễn Huệ bây giờ), với những kios bày bán những loại hoa tốt nhất, đẹp nhất chủ yếu được đưa từ miền Tây lên qua đường sông, rồi nhân đây chính quyền mới duy trì và phát triển con đường hoa này, lúc đầu còn được mua bán hoa trái, nhưng sau đó vì vấn đề trật tự và vệ sinh nên chính quyền quyết định dẹp luôn các kios ở đây mà chỉ cho trưng bày hoa, cây trái để người dân đến thưởng ngoạn vào những ngày Tết”, Nguyễn Hậu kể lại.

5. Có lẽ bao nhiêu năm nay, những ngày Tết ở Sài Gòn đã thành nếp với những nét đẹp, nét bản sắc, hương vị đặc thù của nó: mùi bánh tét thơm dịu, mùi củ kiệu hăng, vị béo của nồi thịt kho hột vịt, mùi hương trầm, màu vàng rực của hoa vạn thọ hay màu đỏ tươi của dưa hấu... bên cạnh đó là những phong tục, không gian văn hóa đặc trưng của Sài Gòn được duy trì và phát huy đến ngày nay…

Và nói gì thì nói, Tết Sài Gòn vẫn cứ diễn ra tuyệt vời như thế! Những thế hệ người Sài Gòn cứ nối tiếp nhau vun đắp cho những nét đẹp được tỏa hương sắc để những người Sài Gòn luôn lưu giữ cho mình những ký ức thật đẹp về ngày Tết của thành phố này

Phạm Phú Lữ (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.