Kỳ tích về báu vật kèn đá

Chủ Nhật, 27/12/2009, 07:49
Nhiều khả năng 2 "cụ" cóc đá là sản phẩm của người Chăm, có niên đại ở khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Khi thổi, 2 cóc đá phát ra những nhạc âm có quan hệ cung bậc âm nhạc. Cóc đá nhỏ có nhạc âm nối dài thang âm cóc đá lớn, có thể gọi đó là cặp kèn đá. Độc đáo hơn là cặp kèn đá không chỉ có khả năng hòa tấu với đàn đá Tuy An, mà còn hòa tấu với nhiều loại nhạc khí hiện đại.

Trong số hàng trăm cổ vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên có hai khối đá mới nhìn bề ngoài là dáng dấp hình con cóc tưởng chừng không có giá trị lớn, nhưng đã khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên đến ngờ vực khi nghe nhân viên bảo tàng cho biết, đến thời điểm này đó là báu vật bộ kèn đá duy nhất ở Việt Nam từng gây chấn động giới khảo cổ học. Và sự ngờ vực đó đã thôi thúc tôi cất công đi tìm hiểu cội nguồn báu vật này và ghi lại được nhiều điều kỳ thú.

Bộ kèn đá báu vật quốc gia.

Hai “cụ” cóc đá 30 năm lưu lạc

Hơn 15 năm về trước, sau khi cơn bão số 10 đổ bộ vào Phú Yên, khép lại một mùa đông, những ngày cuối năm 1993, Sở Văn hóa Thông tin (VH-TT) - nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Yên nhận được thông tin từ người dân cho hay, một nông dân ở huyện Tuy An vừa nhặt được tảng đá hình con cóc. Điều đặc biệt là trên thân cóc có khoét ba lỗ hình tròn, khi thổi vào sẽ tạo ra âm thanh tựa như tiếng kèn.

Dù thông tin có vẻ mơ hồ, nhưng ông Vũ Văn Thoại - Giám đốc Sở VH-TT Phú Yên lúc bấy giờ vẫn cử một nhóm chuyên viên thẩm tra và xác minh nguồn tin. Với sự phối hợp tích cực của ông Phạm Lạo - Trưởng phòng VH-TT huyện Tuy An và một số cộng sự, nhóm chuyên viên đã dò tìm được người đang sở hữu nhạc cụ kỳ lạ nêu trên là ông Đỗ Phán, trú ở thôn Phú Long, xã An Mỹ.

Theo hướng dẫn của ông Phạm Văn Thu - cán bộ chuyên trách VH-TT xã An Mỹ, nhóm chuyên viên sắm vai giới săn lùng, buôn bán đồ cổ để tiếp cận ông Phán tại nhà riêng nằm bên chân núi. Lúc đầu ông Phán tỏ vẻ dè dặt vì nghi ngại, nên nhóm chuyên viên phải mất hai giờ tán chuyện mới được mắt thấy, tay sờ cóc đá.

Xác định đó là hiện vật lạ hiếm thấy, nên nhóm chuyên viên chuyển hướng công khai giới thiệu là cán bộ Bảo tàng Phú Yên và vận động ông Phán giao con cóc đá cho cơ quan chuyên môn quản lý, nghiên cứu và đánh giá giá trị lịch sử văn hóa.

Nghe tới đó, vợ ông Phán phản ứng bằng cách đưa ra lý do nhiều người đã có công phát hiện. Phải mất thêm nhiều giờ thuyết phục, người phụ nữ chân quê mới chấp thuận. Hơn nửa tháng sau đó, trong lúc công tác nghiên cứu con cóc đá chưa có kết quả, bất ngờ ông Đỗ Phán tìm đến Bảo tàng Phú Yên.

Cứ tưởng người nông dân này đòi lại hiện vật lạ, không ngờ ông mang đến một thông tin thú vị: thêm một con cóc đá khác đang được lưu giữ tại chùa Thiền Sơn. Đó là ngôi chùa tọa lạc trên một khu đất rộng ở phía Nam đèo Quán Cau, cách TP Tuy Hòa về hướng Bắc 22 cây số.

Cuốn hút trước thông tin đầy sức hấp dẫn này, một nhóm chuyên viên của Bảo tàng Phú Yên được lệnh đến chùa Thiên Sơn để tìm hiểu sự thật. Khi gian phòng chánh điện ngôi chùa mở ra, các chuyên viên bảo tàng bất ngờ khi nhìn thấy con cóc đá được đặt trên một chiếc kệ gỗ. Dù nhỏ hơn con cóc đã tiếp nhận của ông Đỗ Phán, nhưng trên thân con cóc này cũng khoét lỗ hình tròn, thổi vào đó sẽ có âm thanh tiếng đàn.

Khi các chuyên viên bảo tàng đặt vấn đề xin tiếp nhận con cóc đá thứ hai để nghiên cứu, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa, thì người trụ trì chùa từ chối vì đó là kỷ vật của bậc sư thầy để lại. Nhóm chuyên viên rời chùa Thiền Sơn trở về thành phố Tuy Hòa tìm gặp ông Đỗ Vĩnh Tân - Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Phú Yên để làm chiếc cầu nối nhờ Hòa thượng Thích Khế Hội - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ tác động với nhà chùa Thiền Sơn. Vậy là sau 30 năm lưu lạc, hai con cóc đá đã được đưa về đoàn tụ bên nhau ở Bảo tàng Phú Yên…

Theo chỉ đạo của Bộ VH-TT, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xinh, Viện trưởng Viện Âm nhạc - Múa Việt Nam cùng một số cộng sự từ Hà Nội vào Phú Yên để tìm hiểu. Ngày 16/5/1995, Bộ trưởng Bộ VH-TT ban hành quyết định 1988/QĐ-TC về việc thành lập Hội đồng khoa học nghiên cứu hai hiện vật bằng đá, khi thổi phát ra âm thanh. Giáo sư Nguyễn Xinh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Bùi Sơn Hải đồng Chủ tịch Hội đồng. Trong số 5 ủy viên và 2 cố vấn Hội đồng có Tiến sĩ Quang Văn Cậy ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Văn Bài - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn bảo tàng và Giáo sư, nhạc sĩ Tô Vũ, kỹ sư Nguyễn Cảnh Hiền - Đoàn Địa chất 703.

Tìm về cội nguồn kỳ tích

Đưa chúng tôi vào nơi trưng bày bộ kèn đá trong một căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo, phường 3, TP Tuy Hòa, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Phú Yên cho biết: Con cóc lớn tiếp nhận từ ông Đỗ Phán có trọng lượng 75kg, kích thước đáy 40 cm, cao 35 cm, chiều cong lưng cóc 55 cm, lỗ thổi âm thanh có đường kính 2,5 cm uốn cong đến lỗ thoát hơi với chiều dài 29,6 cm. Ở một bên có lỗ khoét sâu 11,7 cm kết nối với đường thổi để đặt ngón tay cái vào đó điều khiển âm thanh giảm độ rung. Con cóc đá nhỏ có trọng lượng 34,5 kg, kích thước đáy 29 cm, cao 35 cm, chiều cong lưng cóc 52 cm, lỗ thổi âm thanh có đường kính 1,8 cm uốn cong đến lỗ thoát hơi với chiều dài  29,5 cm, ở một bên có lỗ khoét sâu 8,7 cm kết nối với đường thổi.

Rời Bảo tàng Phú Yên, tôi tìm đến chùa Thiên Sơn. Sớm tinh mơ, khuôn viên chùa tĩnh lặng đến lạ thường, chỉ có tiếng gió len lén trôi nhẹ qua vườn xoài xanh mướt. Tiếp chuyện với tôi, người trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Nguyên Lai tiếp chuyện cởi mở, chân  tình.

Bậc thiền sư kể: "Hai "cụ" cóc đá do người xưa tìm thấy và đưa về lưu giữ ở chùa Hậu Sơn, còn gọi là chùa Hố Thị ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An. Trong một chặng thời gian dài, các bậc sư thầy tiền bối đã coi hai "cụ" cóc đá như báu vật linh thiêng, nên chỉ sử dụng thay cho kèn hiệu để mời gọi thiện nam, tín nữ đến chùa trong những ngày rằm và lễ hội".

Ngừng một lát như để suy ngẫm, Thượng tọa nhớ lại: "Khoảng giữa năm 1964, chùa Hậu Sơn bị thiêu cháy do bom đạn chiến tranh, nhà sư trụ trì là Hòa thượng Thích Tâm Thân, pháp hiệu Từ Thạnh mang theo hai "cụ" cóc đá lên lưng ngựa đi sơ tán xuống xã An Hiệp, huyện Tuy An để lập chùa Thiền Sơn từ năm 1969, nhưng do "cụ" cóc đá lớn quá nặng, đành phải bỏ lại. Trước khi viên tịch vào năm 1971, hưởng thọ 98 tuổi, Hòa thượng Thích Tâm Thân dặn dò đệ tử phải về lại di tích chùa Hậu Sơn để tìm kiếm "cụ" cóc lớn đưa về với "cụ" cóc nhỏ. Cuộc tìm kiếm có chủ đích chưa được thực hiện, thì cuối năm 1993, trong lúc đào móng xây dựng chùa trên phế tích Chăm, người dân đã nhặt được "cụ" cóc đá lớn, còn "cụ" cóc nhỏ được Hòa thượng Thích Tâm Thân và tôi lưu giữ suốt 30 năm ở Thiền Sơn tự".

Trở lại chuyện Hội đồng khoa học. Có thể nói họ thật sự vất vả khi đối mặt với hai "cụ" cóc đá. Chỉ riêng chuyện đo tần số âm thanh, hội đồng đã phải đưa hiện vật lên ôtô trực chỉ TP Hồ Chí Minh để nghệ sĩ nhân dân Đỗ Lộc thổi cho các chuyên gia kỹ thuật ở Nhà máy Z755 Bộ Quốc phòng đo đạc và xác định tần số cơ bản, thanh âm của bộ nhạc cụ cóc đá.

Công việc nghiên cứu dang dở, thì ngày 28/3/1996, Hội đồng khoa học nói riêng và giới âm nhạc - múa Việt Nam nói chung bàng hoàng khi nghe hung tin Giáo sư Nguyễn Xinh từ trần vì tai nạn giao thông, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh - Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật kiêm Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam được mời đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch Hội đồng khoa học.

Một nhóm kỹ sư ở Đoàn Địa chất 703 ngược lên chùa Hậu Sơn, khoanh vùng khảo sát trên diện tích gần 100 km2 để xác định cổ vật thuộc loại đá nào, cấu tạo địa chất và các yếu tố liên quan quá trình hình thành. Kết quả phân tích một số mẫu đá bazan trong vùng so sánh với cổ vật cho thấy thành phần, kiến trúc, cấu tạo có nhiều điểm tương đồng, cho phép các nhà địa chất khẳng định cổ vật được chế tác từ đá bazan tại chỗ.

Từ các tài liệu nghiên cứu các chủ đề "Phát hiện hai hiện vật bằng đá, khi thổi phát ra âm thanh", "Kết quả nghiên cứu địa chất học", "Cặp kèn đá tiền sử? hai hiện vật lạ ở Phú Yên dưới góc độ âm thanh nhạc học và nhạc khí học lý luận" của Tiến sĩ Quang Văn Cậy, kỹ sư Nguyễn Cảnh Hiền, Giáo sư, nhạc sĩ Tô Vũ, Hội đồng khoa học kết luận: Hai hiện vật được phát hiện dưới lòng một phế tích Chămpa ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên và đã được các nhà sư lưu giữ qua 7 đời trụ trì chùa Hậu Sơn, ước khoảng trên 150 năm. Hai hiện vật là đá bazan thuộc địa tầng bazan vùng Hố Thị bị phong hóa dạng cầu bóc vỏ, tách rời khỏi đá gốc tạo dáng bên ngoài hiện vật. Con người đã sử dụng một phần hang hốc ban đầu của đá bazan cầu có chứa aragonit để chế tác thành "ốc hiệu". Nhiều khả năng đó là sản phẩm của người Chăm, có niên đại ở khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Khi thổi, hai hiện vật phát ra những nhạc âm có quan hệ cung bậc âm nhạc. Cóc đá nhỏ có nhạc âm nối dài thang âm cóc đá lớn. Nhạc âm của hai hiện vật trùng hợp với nhạc âm của bộ đàn đá Tuy An đã được tìm thấy năm 1992, nên có thể hòa tấu với đàn đá.

Biểu diễn kèn đá.

Do hai cóc đá thuộc loại nhạc cụ khí hơi, chỉ dăm môi, nên có thể gọi đó là cặp kèn đá. Từ trước nhiều người thường nghĩ kèn sừng thú là thủy tổ của loại nhạc khí dăm môi, thế nhưng nguyên liệu và cách chế tác cóc đá nguyên thủy hơn. Vì thế theo các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc thì, kèn sừng thú xuất hiện cách đây khoảng 2.500 năm. Cũng như bộ đàn đá có niên đại muộn nhất là 500 năm trước Công nguyên. Độc đáo hơn là cặp kèn đá không chỉ có khả năng hòa tấu với đàn đá Tuy An, mà còn hòa tấu với nhiều loại nhạc khí hiện đại.

Một minh chứng rõ nét cho kết luận này là nhạc sĩ Ngọc Quang - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên đã cùng một số nghệ sĩ ở Đoàn Ca múa dân gian Sao Biển nhiều lần mang theo cổ vật dị thường này trong những chuyến đi biểu diễn thành công ở trong và ngoài nước. Và sau những lần thả hồn vào âm thanh kèn đá, nhạc sĩ Ngọc Quang đã viết ca khúc "Hồn đá".

Ông tâm sự: "Những giai điệu trầm, âm sắc nguyên sơ vang vọng từ cặp kèn đá Tuy An thuộc hàng "đặc sản" âm nhạc có một không hai trên thế giới. Âm thanh của kèn lớn luôn có sự vang vọng, sắc sảo hơn kèn nhỏ, nhưng khi cả hai cùng hòa tấu thì có một sự hòa quyện hết sức… hút hồn!".  Dẫu vậy không phải ai cũng thổi được bộ kèn "khó tính" này, mà phải có phương pháp nén hơi phù hợp thì mới có thể điều khiển được nhạc cụ dị thường

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.