Kiến và thơ

Thứ Ba, 06/12/2005, 07:47

Có bốn câu ca dao từ xa xưa, hẳn ai cũng nhớ, cũng thuộc: Con kiến mà leo cành đa. Leo phải cành cụt leo ra leo vào. Con kiến mà leo cành đào. Leo phải cành cụt leo vào leo ra. Bài ca dao nối vần, có thể đọc đi đọc lại vần điệu vẫn chưa dứt. Hẳn tác giả khuyết danh kia muốn nói tới sự quẩn quanh, quanh quẩn không chỉ ở con kiến mà còn ở trong tạo vật cuộc đời.

Con kiến gặp cành đa cụt, cành đào cụt, nó leo ra leo vào, leo hết ngày này sang ngày kia, có khi leo quẩn quanh hết cả đời mình. Cấu trúc, nhịp điệu câu thơ cũng vòng quanh như cái đường đi luẩn quẩn đã định trước của con kiến. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng viết: Lo gì việc ấy mà lo. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Con kiến phải chăng là thân phận thấp hèn, làm sao thoát khỏi cạm bẫy của những kẻ dã tâm, hiểm độc.

Trong bài “Trời mưa ở Huế”, Nguyễn Bính có những đoạn tả chân mà lồng được tâm trạng riêng. Giữa khung cảnh ngày mưa, ông nhìn thấy mây mờ ở trên trời, nhìn thấy cả đàn kiến trên thềm cũ:

... Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Trời mờ ngao ngán một loài mây.
Tràng Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập đá mênh mang bến nước đầy...

Bốn câu trên, đọc kỹ, càng thấy khung cảnh buồn bã trong ngày mưa hiện ra, thấm sâu vào tâm hồn. Tác giả sử dụng những cặp từ đối nhau, đồng điệu về cảnh trí, lòng người. Những cặp từ: Thềm cũ nôn nao, Trời mờ ngao ngán, đàn kiến đói, một loài mây vừa điêu luyện về bút pháp, vừa chuyển tải được tâm trạng. Bài “Trời mưa ở Huế”, Nguyễn Bính viết năm 1941, viết trong những ngày mưa mà ông là khách trọ giang hồ. Bài “Chiều thu”, Nguyễn Bính viết năm 1959 thiên về tả cảnh, tinh tế trong cảm xúc, quan sát:

Lá thấp, cành cao gió đuổi nhau
Cuối vườn rụng vội chiếc mo cau
Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác
Đàn kiến trường chinh tự thủa nào.

Đoạn thơ có gió đuổi nhau nơi cành thấp cành cao, có chiếc mo cau rụng vội, có trái na mở mắt, có đàn kiến trường chinh. Một bức tranh với những nét vẽ cụ thể đến từng chi tiết nhỏ bỗng hiện ra trước mắt người đọc.

Tôi lại nhớ bài thơ “Em đi về phía biển” của Phạm Tiến Duật. Bài thơ nhắc đến nỗi cô đơn của một người đàn ông phải ở nhà một mình. Cô đơn, vẩn vơ buồn, tác giả thốt lên: Anh ở nhà với tường và với kiến. Em đi xa hun hút biển như xanh... Người cũ kỹ bỗng nhiên anh cảm thấy. Con kiến trên tường cũng cũ kỹ như anh. Nếu bận rộn về công việc, nếu không buồn, không nhớ, mấy ai chú ý tới con kiến trên tường? Phạm Tiến Duật dùng con kiến mà chuyển tải được tâm tình tạo nên cái hay, cái độc đáo của bài thơ.

Con kiến trong ca dao Việt Nam, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Con kiến trong thơ của Nguyễn Bính, Phạm Tiến Duật... Còn rất nhiều những câu thơ có hình bóng con kiến mà tôi không thể dẫn chứng hết bởi nói lắm dễ bị dài, bị thừa. Tôi có một anh bạn là nhà thơ. Trong một lần ngồi đàm đạo về thơ, anh có nói với tôi rằng anh đã và đang viết một trường ca: Kiến. Quả thật đó là ý nghĩ độc đáo, anh đọc thử cho tôi nghe một đoạn dài, tôi thấy hay. Anh cứ viết, viết cho hết mình, rồi sửa chữa và viết tiếp, trường ca mà viết dầm dề thì khó tạo được cảm xúc liền mạch lắm. Mong sao dòng chữ của anh đừng như đàn kiến bị chết trong bản nháp mà chúng nối nhau hàng nọ hàng kia đi vào trí nhớ người đọc

Nguyễn Đức Mậu
.
.
.