Kiến trúc sư Nguyễn Nga và dấu ấn "Ngôi nhà nghệ thuật"

Thứ Ba, 24/01/2012, 09:05
Festival cầu Long Biên 2010 đã thực sự để lại một dấu ấn trong lòng người dân cả nước và cả bạn bè thế giới. Cây cầu Long Biên với chiều dài lịch sử hàng trăm năm tuổi đã thực sự được đánh thức, trở thành điểm nhấn của nhiều hoạt động nghệ thuật trên cây cầu lịch sử này. Và, người có ý tưởng khởi xướng sự kiện này là một Việt kiều người Pháp, bà Nguyễn Nga…

Từ Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des Arts)...

Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des Arts) ở địa chỉ 31A - Văn Miếu được sáng lập bởi bà Nguyễn Nga - một kiến trúc sư ngành Quy hoạch Đô thị, bằng tầm mắt của một nhà chuyên môn, đã đưa nơi ấy trở nên một địa chỉ văn học nghệ thuật quen thuộc của Thủ đô Hà Nội. Phố Văn Miếu có Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam, một địa chỉ khoa bảng của quá khứ được kết nối qua Ngôi nhà nghệ thuật để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Sang Pháp từ khi còn trẻ, nhưng chất giọng Hà Nội của bà Nguyễn Nga không hề thay đổi. Kiến trúc là nghề của bố, kết hợp sự đam mê văn học nghệ thuật bắt nguồn từ người mẹ - một người phụ nữ vùng kinh Bắc đã truyền lại cho con gái một tâm hồn yêu văn học nghệ thuật. Chính vì thế mà mặc dù xa quê từ nhỏ, nhưng lúc nào bà cũng nhớ tới quê hương - Tổ quốc.

Đến với Ngôi nhà nghệ thuật, ta sẽ thấy một không gian đầy chất nghệ thuật. Bà Nguyễn Nga tâm sự: Ban đầu khi có ý tưởng, bà về Việt Nam tìm địa điểm. Và thật may mắn, ngôi nhà 31A Văn Miếu khi đó cũng là của một người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài cho thuê lại. Khi đến xem ngôi nhà, bằng con mắt tinh tường của một kiến trúc sư cùng sự cảm nhận tinh tế của một người có con mắt nghệ thuật, bà đã nhận thấy đây là một vị trí rất thích hợp để làm nghệ thuật.

Căn nhà ở ngay mặt phố Văn Miếu, có 5 tầng và chiếc cầu thang gỗ giữa nhà, theo bà, đó là xương sống của ngôi nhà, cũng là tâm của các hoạt động nghệ thuật. Đặc biệt, đứng trên tầng thượng, nhìn ra xung quanh sẽ thấy toàn cảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám trang nghiêm, rêu phong mà trầm mặc.

Địa chỉ 31A Văn Miếu sau khi được cải tạo và sửa sang đã là địa chỉ nổi tiếng đối với các văn nghệ sĩ cũng như du khách quốc tế và đã được giới thiệu trong hầu hết các cuốn sách hướng dẫn du lịch. Hằng tháng ở đây thường xuyên diễn ra các triển lãm, các buổi tọa đàm về văn học nghệ thuật, các buổi hát ca trù, chầu văn, quan họ...

Tôi còn nhớ một lần chúng tôi đến xem cuộc triển lãm đã gây được tiếng vang rất lớn trưng bày những bức ảnh của các nghệ sĩ chụp về vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ cách đây vài năm: những bức ảnh của những em bé thơ ngây mất bố, những ánh mắt thất thần của những công nhân luyện thép. Ngoài sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước, còn có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế như Juxtin Maxon, Justin Mott... Lần đầu tiên đến với Ngôi nhà nghệ thuật, chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí ở nơi đây thực sự là một ngôi nhà của các loại hình nghệ thuật: hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, văn học, thi ca, âm nhạc... từ truyền thống đến đương đại, tạo cho người xem cảm giác đầy thú vị và ấn tượng.

Ngôi nhà nghệ thuật cũng chính là nơi diễn ra các sự kiện độc đáo như trình diễn thư pháp vũ hội chữ, biểu diễn nhạc cổ truyền, giao lưu với các nhà văn, hay nghệ thuật thưởng thức trà đạo... Không chỉ đơn thuần là một địa chỉ sinh hoạt văn học nghệ thuật, mang nghệ thuật đến với công chúng mà đây còn là cầu nối của những tấm lòng nhân ái, giúp đỡ những trẻ em, những con người thiệt thòi trong xã hội.

Một góc ngôi nhà nghệ thuật.

Ngày 7/5/2010, tại Ngôi nhà nghệ thuật cũng diễn ra một sự kiện đặc biệt quan trọng: Đó là cuộc hội ngộ âm nhạc và hội họa vì nạn nhân chất độc da cam. Trong sự kiện này những em bé nạn nhân chất độc da cam tham gia với các nhạc sĩ guitar Jazz người Pháp như Marc Behin và các họa sĩ Việt Nam cùng sáng tác tranh với các em. Số tiền bán đấu giá tranh được gửi cho Quỹ Nạn nhân chất độc da cam. Đây là những hoạt động mang tính chất nhân đạo của Ngôi nhà nghệ thuật cũng chính là của bà Nguyễn Nga. Theo thống kê, chỉ trong vòng 5 năm, đã có gần 100 cuộc triển lãm và sự kiện nghệ thuật, cùng hơn 200 họa sĩ nhiều thế hệ, Việt Nam và quốc tế đã có cơ hội trưng bày tác phẩm của mình tại đây.

...Đến dự án cải tạo cầu Long Biên

Hai kì Festival cầu Long Biên với tên gọi: Ký ức cầu Long Biên (2009) và Cầu rồng kể chuyện nghìn năm (2010) với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật trên cây cầu lịch sử đã đánh thức kí ức hào hùng của người Hà Nội, tái hiện lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc đã cho người dân được thưởng thức rất nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa, mà theo tiêu chí của bà Nguyễn Nga, mỗi người dân, từ những người thiệt thòi nhất cũng được tiếp cận với nghệ thuật, văn hóa, được hưởng không khí của một ngày hội lớn.

Mới đây nhất, cũng tại Ngôi nhà nghệ thuật 31A Văn Miếu đã diễn ra tọa đàm và hội thảo về dự án cải tạo, bảo tồn, phát triển cầu Long Biên và khu vực quanh cầu với sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như giao thông, kiến trúc, Hiệp hội Làng nghề Hà Nội, Hội Phát triển và Quy hoạch đô thị Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ, các nhà văn hóa, nhà sử học cùng các nghệ sĩ, những người yêu Hà Nội…

KTS Nguyễn Nga.

Theo dự án này, cầu Long Biên có tham vọng được biết đến như một bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất thế giới. Giữa không gian của trời và nước, một cây cầu bắc ngang dòng sông Hồng dài 1.682m đem đến một điểm nhìn tuyệt đẹp ra hai bờ sông mới được cải tạo. Một không gian lớn sẽ được xây dựng dựa trên cấu trúc của cầu Long Biên để triển lãm tàu hỏa hơi nước cổ, và các toa tàu cổ trở thành các quán café và nhà hàng. Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính trong suốt - chi tiết này mang lại một vẻ đẹp mới đồng thời vẫn giữ gìn nguyên vẹn cấu trúc của công trình. Con đường ray ở chính giữa trở thành một không gian mới dành riêng cho những hoạt động văn hóa sáng tạo.

Được cải tạo và thiết kế thành một bảo tàng cổ vật, tháp nước Hàng Đậu sẽ trưng bày các tác phẩm từ những bộ sưu tập cá nhân độc đáo và phong phú.

Theo phát biểu của các chuyên gia tham gia tọa đàm, nhiều ý kiến đã tán thành ý tưởng này, và có đánh giá ý tưởng rất lãng mạn và táo bạo. Bà Nguyễn Nga khẳng định rằng, dự án hoàn toàn khả thi. Với kinh nghiệm của một kiến trúc sư nhiều năm làm việc ở Pháp, bà học được phương pháp bảo vệ di tích và phát triển du lịch của Pháp, một đất nước có những công trình kiến trúc độc đáo. Bà cũng khẳng định: để dự án được sớm thực hiện, rất cần sự đồng ý của thành phố, sự giúp đỡ của các ban, ngành, các tổ chức và các doanh nghiệp cùng sự đồng lòng của tất cả những người yêu Hà Nội, yêu cây cầu Long Biên, một cây cầu mang trên mình bao nhiêu giá trị văn hóa, lịch sử.

Khi trò chuyện với bà Nguyễn Nga, nhận thấy sự tâm huyết và quyết tâm của bà với siêu dự án này, tôi tin rằng nó có thể trở thành hiện thực, tất nhiên là cần có sự đồng ý, giúp đỡ của các ban, ngành của cả Trung ương và Hà Nội.

Tôi cũng cảm nhận được sự nhiệt huyết của bà với sự nghiệp văn hóa nghệ thuật khi nghe bà khẳng định: Dù Ngôi nhà nghệ thuật có phải rời khỏi địa chỉ 31A Văn Miếu tới bất cứ một địa chỉ mới nào thì mô hình quảng bá nghệ thuật, lưu giữ tinh hoa văn hóa Việt của Ngôi nhà nghệ thuật vẫn luôn luôn tồn tại. Với tâm huyết dành cho văn học và nghệ thuật của bà, tôi kì vọng vào Ngôi nhà nghệ thuật tại địa chỉ mới: 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội sẽ nhanh chóng nổi tiếng với các văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Một địa chỉ văn hóa nghệ thuật không thể bỏ qua khi đến thăm Thủ đô Hà Nội.

Và du khách quốc tế sẽ biết đến Ngôi nhà nghệ thuật 22A Hai Bà Trưng như đã từng biết đến địa chỉ 31A Văn Miếu

Ngô Thị Chuyên
.
.
.