"Kiên nhẫn sẽ có thưởng"

Thứ Bảy, 11/06/2005, 07:27

Đó là điều mà Charles Dharapak, phóng viên hãng thông tấn AP rút ra từ kinh nghiệm làm báo của bản thân. Trước khi làm phóng viên chuyên chụp chính khách Nhà Trắng ở Washington (Mỹ), Charles từng là Trưởng ban AP ở Indonesia. Anh có mặt tại Việt Nam trong vai trò giảng viên lớp học ảnh báo chí vừa

"Ban đầu, tôi chưa biết nhiều về chụp ảnh, chính khả năng ngoại ngữ đã giúp tôi vào làm việc ở AP". Charles khiêm tốn mở đầu như vậy khi nói chuyện với các phóng viên ảnh Việt Nam. Trong thời gian ở Indonesia (từ 1995-1997), anh chuyên chụp những vấn đề về kinh tế, chính trị - gắn liền với những cuộc đảo chính. Không kể nhiều về những khó khăn, nhưng xem những hình ảnh bạo động đẫm máu, những cuộc biểu tình của sinh viên… có thể thấy Charles đã luôn phải đối mặt với nguy hiểm, nhiều khi cận kề với cái chết để có những cú bấm máy sống động.

Máy ảnh đầu tiên mà Charles dùng chỉ vỏn vẹn 1,4 triệu điểm ảnh vì thế những tờ báo không thể đăng ảnh của anh khổ lớn, nhưng bù lại chiếc máy ảnh có độ phân giải thấp đặc biệt hữu dụng cho anh khi chụp thời sự.

Charles đặc biệt chú ý đến chi tiết trong ảnh và đó chính là thế mạnh của anh. Như bức ảnh anh chụp một đám cưới tập thể ở Đông Timor có chi tiết những chiếc áo vest chú rể mặc hầu hết đều dài hơn kích thước thân thể người mặc bởi lẽ do quá nghèo, họ đã phải mượn áo của nhau. Hay những chiếc chai Pepsi chảy ra dính vào nhau do sức nóng của bom trong vụ nổ ở Bali. 

Thời kỳ Charles sang làm việc ở Trung Đông khi cuộc xung đột ở dải Gaza nóng bỏng, có thời điểm ngày nào anh cũng phải chụp đám ma, có đêm tới 18 đám ma, thành ra phải chọn đám ma nhiều người nhất mà đi. Charles không tránh khỏi những lúc bị stress (căng thẳng thần kinh), nhưng nói chung anh kiểm soát tốt cảm xúc của mình…

Cho đến một ngày, dù giàu óc tưởng tượng nhất, Charles cũng không ngờ AP cử sang nằm vùng Washington (Mỹ) và chuyên chụp các chính trị gia của Nhà Trắng. "Một công việc buồn tẻ, trong các cuộc họp, phần lớn các phóng viên bị dồn vào một góc, có khi chỉ có vài phút để chụp ảnh trước khi phải ra ngoài". Tuy nhiên "với sự kiên nhẫn và may mắn, bạn có thể có những bức ảnh thú vị" và Charles đã có những bộ ảnh ấn tượng như "Những cái vẫy tay", "Những cú bắt tay", "Những đứa trẻ" mà nhân vật chính là Tổng thống Mỹ Bush. Những khoảnh khắc thú vị: Tổng thống Bush cầm ngược ô che mưa; hay bị một chú ong vo ve xung quanh, hay nụ hôn vào cái đầu trọc của một cử tri… cho thấy sự nhạy cảm của Charles.

10 năm làm phóng viên thời sự, với Charles chụp ảnh, truyền ảnh là công việc mà ngày nào anh cũng phải làm.

Người gốc Thái Lan, sinh ra ở Mỹ, Charles lúc nào cũng tất bật và bận rộn; một chi tiết nhỏ cho thấy điều đó: email anh viết đều rất cụt và thường xuyên không chấm, phẩy, mà chỉ là thông tin và thông tin. Nhưng giờ đây, niềm vui của Charles không chỉ là công việc mà còn là mái ấm gia đình với người vợ Indonesia và hai đứa con bé bỏng. "Tôi thích chụp con tôi lắm, phải làm bố thì mới hiểu nổi cảm giác có con tuyệt vời như thế nào". Qua cặp kính cận, đôi mắt của anh như phảng phất nụ cười ấm áp

Việt Văn
.
.
.