Kịch chuyên nghiệp từ một góc nhìn

Thứ Bảy, 10/10/2009, 11:41
Chưa bao giờ tôi được xem kịch Việt Nam nhiều đến thế. 12 ngày xem 26 vở kịch, và còn tham dự 5 cuộc họp cùng với các đạo diễn, diễn viên, nhà viết kịch "gạo cội" thảo luận về các vở kịch vừa xem. Ấy là những ngày tôi được mời làm thành viên Hội đồng giám khảo Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 diễn ra từ 26/9 – 7/10/2009 tại TP HCM.

26 vở kịch tôi xem là của 18 đoàn kịch nhà nước và tư nhân. Từ khi có nền kinh tế thị trường, kịch tư nhân lại được khuyến khích, còn được gọi là kịch xã hội hóa. Một số đoàn kịch tư nhân ở TP HCM được thành lập.

Kịch tư nhân tự thân vận động nuôi đoàn bằng bán vé. Kịch nhà nước được sống bằng tiền đầu tư của nhà nước. Hai cách tồn tại khác nhau đó dẫn tới sự khác nhau về quan niệm lựa chọn vở diễn, cách diễn, thậm chí mục đích diễn. Cùng là phục vụ công chúng, nhưng có công chúng mua vé xem kịch và có công chúng không phải mua vé vẫn được xem kịch. Vì vậy, kịch tư nhân thường gọn nhẹ, kịch nhà nước thường hoành tráng, tưởng như khó có thể gặp nhau...

Nhưng trong hội diễn này, kịch tư nhân và kịch nhà nước ngang ngửa nhau trong một cuộc thi tài. Kịch nhà nước đưa ra vở Anh hùng và mỹ nhân hoành tráng nên thơ, thì kịch tư nhân đáp trả bằng vở Nỏ thần vạm vỡ cuồn cuộn dòng chảy lịch sử.

Một cảnh trong vở “Mỹ nhân và anh hùng” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Kịch nhà nước đưa ra vở kịch thơ Kiều Loan đầy tính bi hùng, thì kịch tư nhân đáp trả bằng vở Ngàn năm tình sử lộng lẫy tình yêu mê đắm. Kịch Nhà nước đưa ra vở Trên cả trời xanh vạch trần kẻ phản bội lời nguyền không dối trá, thì kịch tư nhân đáp trả bằng vở Mẹ và người tình bóc mẽ những tấm mặt nạ bi thương trong một gia đình gia giáo, Kịch nhà nước đưa ra hài kịch Ai sợ ai cười thâm cười thúy về chồng về vợ, thì kịch tư nhân có Ông bà vú luôn rộ lên những tiếng cười chua xót...

Trong những cuộc họp Giám khảo, người ta mừng cho kịch tư nhân bao nhiêu thì lo lắng cho kịch nhà nước bấy nhiêu. Mừng là kịch tư nhân đã bề thế và hấp dẫn người xem chứ không chỉ là câu khách rẻ tiền; lo là kịch nhà nước luôn đi "đúng hướng" nhưng vẫn đường cũ, và nặng nề.

Trong các cuộc thảo luận để chấm điểm, Hội đồng giám khảo đã khá công tâm trong các phát biểu, nhận định về từng vở diễn, nhưng khi hạ bút chấm điểm liệu có ai còn nương đỡ cho kịch nhà nước hay không? Điều đó là không thể biết được, vì mỗi thành viên đều có chủ kiến hay tình cảm riêng của mình. Nhưng nếu kịch nhà nước "thiếu điểm", thì liệu có "làm gương" được cho kịch tư nhân noi theo? Sau khi vở cuối cùng khép màn, Hội đồng giám khảo thống nhất cao 3 vở diễn là Mẹ và người tình, Anh hùng và mỹ nhân, Nỏ thần.

Cũng có ý kiến băn khoăn của thành viên ban chỉ đạo: "Một đoàn kịch tư nhân đoạt liền 2/3 huy chương vàng hội diễn này, điều đó đúng không?". Và vở Nỏ thần được đưa ra thảo luận tiếp. Nhưng cuối cùng thì không ai muốn hạ Nỏ thần xuống bậc dưới cả. Vậy thì tùy các thành viên Giám khảo cho điểm.

Cuối cùng, điểm trung bình của 3 vở này là: Mẹ và người tình 9,75; Anh hùng và Mỹ nhân 9,39; Nỏ thần 9,28 (theo quy chế thì từ 9-10 điểm đều đạt HCV). Riêng bảng điểm Nguyễn Trọng Tạo chấm Mẹ và người tình 10; Nỏ thần 9,5; Anh hùng và Mỹ nhân 9,2.

Tại sao tôi cho điểm như vậy? Vì theo cách xem của tôi thì Mẹ và người tình hay nhất, nhiều bất ngờ nhất, vở diễn trọn vẹn và có duyên nhất, vở Nỏ thần là một vở diễn đề tài lịch sử hoành tráng, cuộn chảy từ khi mở màn đến lúc kết thúc bởi những diễn viên trẻ đẹp và báo hiệu nhiều tài năng mới, chỉ tiếc là hình tượng Vua An Dương chưa thật đắc địa; còn vở Anh hùng và Mỹ nhân tôi cho điểm thấp hơn bởi phần sau còn tỏ ra lúng túng không tương xứng với phần đầu, nhưng đây cũng là một vở của kịch Nhà nước xứng đáng ăn giải vàng.

Vấn đề Nhà nước và tư nhân trong hội diễn này thật đáng mở hội thảo. Cả hai đều tồn tại những yếu điểm thâm căn cố đế cần khắc phục. Trước hết là vấn đề hấp dẫn của sân khấu kịch. Nói chung thì nghệ thuật trước tiên phải bắt mắt, phải hấp dẫn người thưởng thức mới níu họ lại với tác phẩm, với sân khấu được.

Nếu một vở diễn dài 2, 3 giờ liền mà nhạt nhẽo thì khán giả sẽ bỏ về, hoặc như tôi làm giám khảo buộc phải ngồi lại xem thì sẽ... ngủ gật. Thú thật là nhiều vở, tôi phải dùng khăn ướt để dấp mắt mà xem. Thậm chí có vở quá kém mà Giám khảo không thể chui xuống đất được nên phải ngồi xem từ đầu đến cuối. Thì quả là những người "kiên cường, dũng cảm".

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ - Trưởng ban chỉ đạo Hội diễn hỏi tôi, nghe nói có vở bác Tạo ngủ gật phải không? Tôi phải nói đùa rằng: Vở hay thì làm sao mà ngủ gật được; tôi chỉ gật vở kém thôi. Vậy mà tôi cũng đã cố chống mắt để xem suốt kỳ Hội diễn, và rút ra được điều đầu tiên: Sân khấu không hấp dẫn thì không sống được.

Nhưng có những vở hấp dẫn kiểu cù vào nách để cười thì xem đến ngượng. Nhảy nhót, hôn hít, đâm chém, xiết nợ... diễn ra trên sân khấu này hầu hết đều ngô nghê. Nó khiến vở diễn trở nên "rẻ tiền" dù vé vẫn bán được. Lại có vở đưa cả một cuộc họp làng lên để lãnh đạo diễn nghị quyết thì thật là... mất thì giờ.

Có NSND diễn một vai không thể diễn khiến người ta nghĩ đến lòng tự trọng bị đánh cắp. Có đạo diễn tài ba dựng một vở quá "nghiệp dư" khiến người ta nghĩ tới sự bán danh lấy tiền. Có những tác giả muốn tạo kịch tính lại áp đặt những điều vô lý khiến người xem tưởng mình đang bị vu oan giáo họa... Điều này có cả ở sân khấu nhà nước và sân khấu tư nhân.

Tất nhiên, Hội diễn là để nhìn lại chính mình, học cái hay, tránh cái dở, nhưng nó vẫn là chuyện thi thố. Và trong cuộc thi này, hình như tư nhân đang "thắng" nhà nước. Phải chăng đây là bài học trong thời kinh tế thị trường của sân khấu Việt Nam?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
.
.
.