Khủng hoảng nhân sự ở đội thể dục nghệ thuật quốc gia

Thứ Bảy, 18/12/2004, 07:37

Chưa bao giờ bộ môn thể dục nghệ thuật ở nước ta lại rơi vào tình trạng thiếu vận động viên trầm trọng như hiện nay. Đội tuyển quốc gia hiện giờ chỉ còn vỏn vẹn một tuyển thủ Nguyễn Thu Hà. Một số vận động viên khác sau khi tham dự SEA Games 22 đã xin rút khỏi đội tuyển.

Năm 1996, môn thể dục nghệ thuật ở nước ta mới được khôi phục. Từ đó đến nay, mới chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là có trường đào tạo các vận động viên loại hình thể thao này. Đối với môn thể dục nghệ thuật, chỉ đòi hỏi tuyển thủ ở độ tuổi từ 7 đến 15. Yêu cầu của môn thể thao này là vận động viên phải gầy, chân tay dài, thẳng và đặc biệt là trong thời gian luyện tập không được tăng cân. Hơn nữa, môn thể dục nghệ thuật đòi hỏi vận động viên phải có chế độ luyện tập rất khắc nghiệt, chỉ cần nghỉ 1 ngày là các khớp xương sẽ cứng lại và sẽ rất khó thực hiện các động tác mềm dẻo.

Cô giáo Lê Thanh Vân, Trường Thể dục - Thể thao 10-10 (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đã đào tạo được hai khoá vận động viên thể dục nghệ thuật. Khóa đầu tiên đã có nhiều em được chọn vào đội tuyển quốc gia và đã đạt được một số giải như tuyển thủ Nguyễn Thu Hà đạt Huy chương vàng SEA Games 21, Hồ Thanh Tú đạt Huy chương đồng SEA Games 22. Hiện nay, chúng tôi đang đào tạo khoá thứ hai. Để biểu diễn thành thạo môn thể thao này, mỗi vận động viên phải mất 10 năm luyện tập. Lúc đầu chúng tôi tuyển gần 20 em, nhưng đến nay chỉ còn có 7 em. Hiện chúng tôi đang cùng với một chuyên gia người Nga huấn luyện cho khóa thứ hai. Các em học khóa này đã qua 5 năm luyện tập, nhưng đến giờ vẫn chỉ thực hiện được những động tác cơ bản. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới duy trì được lớp học này. Bởi lẽ các em đang tuổi ăn tuổi chơi, theo nghề này phải chịu đựng chế độ ăn kiêng đặc biệt, trong khi đó cường độ tập luyện rất cao nên nhiều em không chịu đựng nổi đã xin bỏ cuộc”.

Nguy cơ không có vận động viên dự SEA Games 23

Hiện tại, một số nước trong khu vực như Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc... môn thể dục nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao và các vận động viên vẫn đang được đào tạo khá bài bản. Thường thì mỗi vận động viên môn thể thao này cần phải có nhiều chuyên gia giảng dạy từng môn như vũ đạo, thể lực... Trong khi đó, ở trường TDTT 10 - 10 của nước ta chỉ có một chuyên gia nước ngoài dạy và người huấn luyện viên này phải đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ. Vì thế trong một số lần tham dự tại đấu trường quốc tế, vận động viên của Việt Nam đăng ký điểm cho mỗi bài thi là 6/10 điểm, mà các tuyển thủ của chúng ta phải khó khăn lắm mới vượt qua cửa ải này.

Học đã vất vả, thi càng khó khăn và trung bình mỗi vận động viên theo đuổi môn thể dục này chỉ toả sáng được trong vòng 5 đến 7 năm. Hai vận động viên Hồ Thanh Tú và Phạm Ngọc Thu sau khi thi xong tại SEA Games 22 đã bỏ cuộc để học văn hoá.  Hiện trong đội tuyển quốc gia chỉ còn một vận động viên Nguyễn Thu Hà. SEA Games 23 đang đến gần, vậy mà chúng ta mới chỉ có một vận động viên nòng cốt. Nếu bổ sung thêm vận động viên vào đội tuyển thì cũng chỉ là để cho "đủ đũa đủ mâm" chứ cơ hội đạt  huy chương quả là rất khó khăn..

Lệ Huyền
.
.
.