Trao đổi về một câu thơ của Truyện Kiều

Không nên lấy từ "dồi mài" thay cho "dùi mài"

Thứ Hai, 06/10/2008, 15:58
Báo CAND có in bài: Từ "dồi mài" trong Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Khắc Bảo. Bài viết có khảo cứu và dẫn giải các tư liệu làm vững thêm cho luận cứ của mình! Tác giả bài viết muốn đổi một từ trong một câu thơ của Truyện Kiều theo nghĩa viết lại cho đúng hơn so với văn bản.

>> Từ "dồi mài" trong Truyện Kiều

Câu thơ cũ là:

Thờ ơ gió trúc mưa mai
Ngẩn ngơ trăm nỗi dùi mài một thân

Đây là câu thơ trong bản Kiều quốc ngữ thông dụng hiện nay. Tác giả cho biết trong đó từ "dùi mài" được học giả Đào Duy Anh giảng nghĩa là chỉ cái thân đau khổ như bị dùi, bị mài.

Còn nếu hiểu theo nghĩa thông thường của Từ điển Tiếng Việt thì "dùi mài" là cố công học tập cho tinh thông. Ví dụ như: Dùi mài kinh sử. Và nếu dùng từ "dùi mài" theo nghĩa ấy trong câu thơ này chẳng hóa ra nàng Kiều lại chăm chỉ "học tập cho tinh thông" nghề kỹ nữ để kiếm tiền làm giàu sao?

Tác giả cho rằng, các cách lập luận trên đều chưa phù hợp với hoàn cảnh của nàng Kiều. Và sở dĩ có điều khó hiểu trên là do các nhà biên khảo Truyện Kiều hiện nay đều chỉ dựa vào bản Đoạn Trường Tân Thanh do cụ Kiều Oánh Mậu khắc ván in chữ Nôm năm 1902.

Trong khi đó, theo sự tra cứu của tác giả thì toàn bộ các bản Kim Vân Kiều tân truyện chữ Nôm cổ in từ thế kỷ XIX đều khắc ván chữ Nôm mà từ ấy nếu phiên âm ra chữ Quốc ngữ chính xác phải là: Dồi mài.

Tiếp đó, tác giả dẫn Từ điển Việt-Bồ-La (1651) và Đại Nam Quốc âm Tự vị (1895) giảng là: Dồi là nhận vào, dồn cho đầy - Mài là làm cho mòn, cà một vật gì để làm cho nó giảm bớt.

Tác giả nhận định: Như vậy từ "dồi mài" là một từ ghép đẳng lập mang nét nghĩa tương tự như đầy vơi. Và câu thơ Kiều đang phải bàn này rất có thể là:

Ngẩn ngơ trăm nỗi dồi mài một thân

Tác giả dẫn giải tiếp về nỗi buồn của Thúy Kiều phải làm kỹ nữ ở lầu xanh chịu cảnh "bướm chán ong chường" không có bạn tri âm nên nỗi niềm tâm sự có muốn mài cho mòn vơi đi, nhưng càng mài bao nhiêu càng dồi đầy bấy nhiêu. Nghĩa của từ ghép dồi mài cũng phong phú như câu thơ "sầu đong càng lắc càng đầy".

Từ suy nghĩ này, tác giả kết luận: Vậy dựa vào các chữ Nôm đã được khắc ván in trong hầu hết các bản Kiều Nôm cổ và cách giải nghĩa của các từ điển cổ cùng với văn phong của Thi hào, chúng ta có thể vững tin đọc câu thơ diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu xanh là:

Thờ ơ gió trúc mưa mai
Ngẩn ngơ trăm nỗi dồi mài một thân

Đọc bài viết ta thấy tác giả khá công phu trong khảo cứu, tra cứu để muốn giúp người yêu Truyện Kiều hiểu thêm, biết thêm về một từ mới có thể dùng để thay thế một từ cũ trong một câu thơ của tác phẩm này. Đây là một việc làm ý nghĩa của tác giả bài viết muốn cho người đọc đi đến gần văn bản hơn khi mà ai cũng biết Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm với nhiều bản khắc và bản dịch ra chữ Quốc ngữ có những điểm không giống nhau.

Đọc bài viết của tác giả, tôi không dám lạm bàn nhiều về các từ này vì các bằng cứ còn hạn hẹp của mình nhưng lại muốn trình bày một cách cảm khác về hai từ "dùi mài" theo văn bản sưu tầm Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh.

Tôi nghĩ từ "dùi mài" đây là từ của nỗi niềm mang nặng phần ý chí. Muốn hiểu được nỗi niềm này ta phải trở lại tìm văn cảnh trước đó của nàng Kiều dẫn đến cảnh ngộ của câu thơ này. Cảnh ấy là cảnh của người con gái đẹp người đẹp nết phải sa vào kiếp bán hoa:

Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường-khanh
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa…

Con người ấy, sắc đẹp ấy, nỗi giày vò ấy dám đem ra cho thiên hạ bán mua để gìn giữ bảo trọng lấy chữ Hiếu trong đạo làm con của mình đó là cái gan, cái chí, cái sức chịu đựng của một bản lĩnh:

Mặc người mưa Sở gió Tần

Vui là vui gương kẻo mà
Ai tri âm đó mặn mà với ai.

Mọi cái lúc này với Thuý Kiều là vô nghĩa ngoài điều có nghĩa nhất đối với phẩm hạnh của nàng là bán thân lấy tiền báo hiếu chuộc cha. Đạo làm con là Trung Hiếu Tiết Nghĩa.

Người đẹp Thuý Kiều lúc này đang một thân dùi mài cái phẩm hạnh báo hiếu của mình. Nàng đã tự nguyện hy sinh tiết hạnh để cho phần phẩm hạnh của con người được đề cao. Phải chăng đây là sự "dùi mài" của một tâm trí, biết nghiền ngẫm mà chịu đựng cho cái nghĩa làm con được thành chính quả. Nếu hiểu theo nghĩa là từ "dùi mài" chỉ dành riêng cho chuyện kinh sử e rằng chưa thật đầy đủ lắm.

Phải hiểu từ "dùi mài" ở đây theo nghĩa rộng của sự kiên nhẫn, bền bỉ chịu đựng của con người trước các biến cố. Vào lầu xanh là chấp nhận cảnh ê chề, là bằng lòng với sự đầy đọa của kiếp gái bán hoa!

Tôi nghĩ nàng Kiều đã "dùi mài" bản lĩnh sống của mình để làm được điều đạo hiếu ấy cho nên mới có câu thơ này trong cảnh nàng tái ngộ với Kim Trọng ở cuối truyện:

Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay ?

Có nên thay từ "dồi mài" vào từ "dùi mài"? Tôi cứ vân vi. Đại Thi hào Nguyễn Du đã xa dương thế này gần hai trăm năm rồi. Cụ mất năm 1820. Sinh thời cụ chỉ có chữ Nôm để viết Truyện Kiều. Sau này, con cháu lại dựa vào chữ Nôm của cụ để phiên sang chữ Quốc ngữ và đã có những dị bản.

Ai cũng mong muốn những dị bản để lại càng ngày càng được điều chỉnh gần hơn với nguyên tác của cụ! Việc này là rất đáng trân trọng nhưng quả thật không dễ

Phan Quế
.
.
.