Khôn ngoan chẳng lọ thật thà

Thứ Năm, 11/06/2009, 09:58
Nhắc đến Cửa Lò, Nghệ An, lâu nay nhiều khách du lịch vẫn thường tấm tắc nức nở khen những người dân làm kinh doanh ở đây thật thà và chất phác. Họ buôn bán kiếm sống hiền lành, ít thấy cảnh chụp giật, lừa dối. Nhiều khách còn bảo thậm chí người Cửa Lò kinh doanh rất ít khi nói thách để người mua phải nhọc lòng mặc cả.

Có lẽ vì thế mà lâu nay nhiều người ở miền Bắc chọn Cửa Lò để nghỉ ngơi, du lịch phải chăng không chỉ là chọn về với "bãi cát vàng phẳng lặng, soi ánh nắng pha lê", một vùng biển sạch, không rác thải bừa bãi, mà còn muốn về với vùng quê giàu thổ ngữ "mô, tê, răng, rứa" để được nghe những lời mời mọc nghe như chim hót, những giọng nói dễ thương, gần gũi từ làng quê mái rạ, những tiếng rao bé bỏng của bầy trẻ em nghỉ hè bán lạc luộc lanh lảnh nơi triền sông có rặng phi lao rì rào giữa trưa hè…

1. Tôi về Cửa Lò dịp giữa tháng 6, gặp nắng như thiêu như đốt, như muốn thử sức sự chịu đựng của đô thị trẻ măng này.

Vô tình ghé qua quán Như Ý sát mép biển thuộc phường Thu Thủy, vừa ngồi xuống ghế đã thấy bước chân tập tễnh của ông chủ quán đi tới với nụ cười: "Bác uống với em chén nước! Cần gì thì bảo em nhé". Nghe lời mời đã thấy thân thiện, vì cứ nghĩ đã kịp ăn uống, mua bán gì đâu mà mong chủ quán nhiệt tình với mình.

Ông chủ tên là Nguyễn Xuân Đường, lại là một thương binh hạng hai thời chiến đấu bảo vệ biên giới phía Nam Tổ quốc. Một vợ 4 con, Nguyễn Xuân Đường neo cả gia đình bên cái quán sát mép biển và trụ ở đây gần chục năm để nuôi các con ăn học. Chỉ cần thấy bước chân thấp cao của người thương binh ấy, tôi đã thấy cảm tình.

Một góc bãi biển Cửa Lò. Ảnh: G.G.

Tôi hỏi ông, vì sao nhiều người ở Hà Nội thích tác phong phục vụ giao tiếp của dân Cửa Lò? Ông Đường cười mà rằng, ở đây bà con ai cũng ý thức được điều đó, nên không ai bảo ai phải giữ cho kỳ được sự chân thành, trung thực trong buôn bán. Đó là chất của người xứ Nghệ, không nên thay đổi, nhất là ở vùng du lịch này. Theo ông, đừng bao giờ nghĩ rằng, mình chỉ gặp khách một lần mà dùng thủ thuật không lương thiện cốt moi được nhiều tiền, bất chấp đạo lý.

Khách gặp một lần hay gặp nhiều lần, cũng nên đem lòng tử tế, thân thiện, chân thành ra mà đối đãi… Vì thế mà khách ăn món gì, ông đều nói giá trước để họ lựa chọn. Khi khách yêu cầu được ăn cua, ăn ghẹ, ăn tôm… ông đều tư vấn cho biết đâu là tôm, cua biển, đâu là tôm, cua nuôi để họ biết giá cả.

Mọi việc mua bán đều được thoả thuận trước. Biết quê Nghệ thường bị khách sành ăn xứ Bắc coi là "chặt to kho mặn", ông dặn vợ sẵn sàng cho khách mượn bếp nhà mình để trổ tài nấu nướng cho hợp khẩu vị…

Tôi thật thú vị khi được Nguyễn Xuân Đường cho biết, quán Như Ý của ông thường bán cho khách Hà Nội chỉ chiếm 20%, còn 80% lại là bán cho khách xứ Nghệ. Theo ông: "Khách Hà Nội nếu giỏi lắm một năm chỉ ghé Cửa Lò được 2 lần.

Nhưng khách Vinh, khách Nghệ An, Hà Tĩnh tuần nào cũng có thể đến Cửa Lò do ưu thế "nhất cự li, nhì cường độ". Ông bảo người dân quê ông là thế, họ dường như không bao giờ "đỏ mắt" khi thấy người khác bán đắt hàng hơn mình.

Còn đối với ông, ai đến quán cũng được ông đón tiếp bằng tấm lòng "khôn ngoan chẳng lọ thật thà". Vì thế tính ra mỗi mùa du lịch ông Đường cũng thu được đủ tiền nuôi cả nhà quanh năm.

2. Đối điện với quán ăn Như Ý qua đường Bình Minh là khách sạn Biển Xanh cũng thuộc phường Thu Thủy nằm cách bãi cát Cửa Lò chừng hơn trăm mét. Chỉ cao 4 tầng với khoảng 30 phòng khá đầy đủ tiện nghi, khách sạn Biển Xanh cũng hút khách thập phương bằng tấm lòng chân thật ấy.

Khách nghỉ tại Biển Xanh khi ra về, thường hay nhớ tới một nữ quản lý tên là Phan Thị Bảy. Dường như không tìm thấy ở chị một hành động nào được hiểu như là sự tiếp thị. Chị vui vẻ, sẵn lòng tư vấn cho khách nếu không ăn ở nhà hàng Biển Xanh thì nên ăn ở quán nào ngon miệng và rẻ nhất. Chị cũng thường nói trước với khách giá cả những món ăn để khách lựa chọn, luôn tiếp thu những lời góp ý của khách để hoàn thiện mình.

Chị bảo: "Khách thập phương có nhiều người thuộc diện sang trọng, phú quý, giàu có, nhiều người còn đi khắp thế giới tiếp xúc với văn minh, tiên tiến. Vậy họ về Cửa Lò để mong gặp điều gì, nhất là đối với Biển Xanh, một khách sạn tư nhân?".

Chị tự trả lời rằng, khách chỉ mong được đón tiếp bằng tấm lòng chân thành, trung thực. Cũng rất vô tình tôi gặp gia đình anh Tuấn nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội đang nghỉ tại khách sạn Biển Xanh lúc anh đang tận tình hướng dẫn chị Bảy cách lắp đặt hệ thống Internet và Cap TV để phục vụ khách được tối ưu nhất.

Thì ra gia đình anh nhiều năm qua đều chọn Cửa Lò là nơi nghỉ mát và chọn Biển Xanh để ở cũng chính bởi yêu quý sự thật thà ấy. Anh Tuấn kể, hiện anh làm việc tại khách sạn La Thành do một lần đi du lịch, anh bị thất tín trước một hành vi kinh doanh lừa dối tại một vùng biển gần Hà Nội mà dăm năm trở lại đây gia đình anh chỉ tìm đến Cửa Lò như tìm về một vùng bình yên, tin cậy vậy…

3. Giờ thì tôi đã hiểu rằng, giữa một thế giới với chằng chịt những mối quan hệ đa chiều, phức tạp, thậm chí có cả lọc lừa, người ta lại luôn muốn hướng về một vùng đất hồn nhiên, trong trẻo. Cửa Lò với chất "quê kiểng", bản tính thật thà như là một "đặc sản" ấy sẽ đáp ứng được mong muốn của du khách.

Dường như người Cửa Lò càng ngày càng ngộ ra một chân lý giản dị, chất thật thà, quê kiểng đang trở thành lối văn hoá ứng xử - một "tài sản" vô giá về thương mại, hãy gìn giữ lấy nó như gìn giữ báu vật.

Mất báu vật, vùng du lịch Cửa Lò sẽ nhoà đi giữa muôn trùng những điểm du lịch khác. Và lúc ấy, biết đâu từng du khách sẽ dần bỏ đi. Như từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…

Thái Hưng
.
.
.