Khó khăn mới biết bạn hiền

Thứ Hai, 03/01/2005, 07:06

Thời khắc giao thừa năm 2005 được ghi dấu bằng chương trình “Nối vòng tay lớn”, quyên góp tiền ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Trên thế giới, hàng triệu ngọn nến được đốt lên cầu nguyện cho các nạn nhân của "cơn đại hồng thuỷ" ở Châu Á. Cả thế giới nắm tay nhau đồng lòng hướng về những người xấu số với niềm chia sẻ, cảm thông sâu sắc.

Đêm 31/12/2004, chương trình nghệ thuật "Nối vòng tay lớn" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức đã có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với hàng triệu khán giả xem truyền hình không chỉ bởi những tiết mục nghệ thuật đặc sắc mà còn bởi ý nghĩa cao cả của chương trình: Quyên góp tiền ủng hộ Quỹ Vì người nghèo.

Thật tự hào và xúc động biết bao khi doanh nhân Việt Nam thời nay không chỉ là những người giỏi làm kinh tế, họ còn có một tấm lòng nhân ái, sẵn sàng dang tay chia sẻ những khó khăn, đau đớn đối với những hoàn cảnh, những mảnh đời bất hạnh.

Không còn là những câu trả lời mang tính lý thuyết trong các cuộc thi sắc đẹp, hoạt động từ thiện của Á hậu Việt Nam 2004 Trịnh Chân Trân được đề cập trong một phóng sự tại chương trình này là một minh chứng sống động cho nét đẹp thơm thảo ngàn đời của phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh Á hậu nắm tay một em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo và cùng thân mật chuyện trò trong căn nhà xiêu vẹo, dột nát, đã thêm một lần nữa đánh thức những ai còn bận bịu mà chưa để tâm tới các hoạt động từ thiện. Có lẽ, đây là lần đầu tiên Chân Trân được tận mắt chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của một gia đình vùng nông thôn có con bị bệnh hiểm nghèo, biết rằng họ không đủ tiền để mua vài lạng thịt cho con.

Với ca sĩ Ngọc Dung (người đoạt giải "Sao Mai - Điểm hẹn"), đây có lẽ là lần đầu tiên cô được chứng kiến cảnh tượng 7 đứa trẻ có người mẹ dũng cảm hy sinh cứu người bị nạn được ăn một bữa cơm ngon đến thế (cho dù món ăn được coi là "sang" nhất chỉ gồm vài con cá nục khô). Những cảnh tượng ấy đã khiến nhiều tâm hồn dù sắt đá đến đâu cũng phải mềm lòng. Đó cũng chính là bài học cô được học từ người thầy (nhạc sĩ An Thuyên) về đạo đức làm người. Bài học ấy đã đánh thức những người trẻ tuổi đã và đang vô tâm phung phí sức lực, tiền bạc vào những cuộc chơi vô bổ.

Mỗi lần, người dẫn chương trình đưa ra một giá mới về chiếc sim điện thoại số đẹp của Viettel hoặc cây gỗ trầm hương quý giá, những tràng pháo tay lại vang lên, tôi hiểu rằng, không phải mọi người tán thưởng vì sự "chơi trội" của "đại gia" nào đó mà chính là tất cả mọi người đều cảm thấy vui mừng khi biết số tiền ủng hộ người nghèo đang được tăng lên theo giờ. Điều đó cũng đồng nghĩa với những ngôi nhà dột nát sẽ được xây mới, những mảnh đời bất hạnh sẽ có cơ hội được hy vọng vào ngày mai. Tinh thần tương thân tương ái truyền thống của người Việt Nam được phát huy cao độ và thật đáng tự hào khi trên màn hình tivi, cứ dài mãi thêm danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Vì người nghèo.

Cả thế giới nắm tay nhau

Thời khắc chuyển giao của đất trời sang năm mới lẽ ra sẽ tràn ngập tiếng cười và tiếng nổ của rượu sâm banh cùng những lời chúc tụng, thế nhưng, sự tàn khốc của cơn "đại hồng thủy" vừa qua gây ra đối với một số nước châu Á đã không cho phép chúng ta hưởng trọn vẹn niềm vui ấy.

Đón giao thừa lặng lẽ trong nước mắt, trong hàng triệu ánh nến cầu nguyện là không khí chung của đa số các nước trên thế giới. Những hoạt động dự định sẽ tiến hành hoành tráng, long trọng đón năm mới hầu hết bị hủy bỏ để dành tiền ủng hộ cho gia đình các nạn nhân và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Số tiền dự định chi phí cho việc bắn pháo hoa ở Indonesia đã được chuyển thành tiền cứu trợ cho các nạn nhân xấu số. Các thùng tiền quyên góp được đặt ở các nơi công cộng trên đất nước này. Ở các nước khác cũng diễn ra các hoạt động từ thiện tương tự. Phương châm "Tiết kiệm - dành tiền ủng hộ từ thiện" là mục đích cao nhất của đa số nhân loại trong dịp năm mới này.

Sẻ chia với hơn một trăm nghìn nạn nhân của thiên tai, bạn bè thế giới đang chung sức, chung lòng hướng về một số nước châu Á đang phải chịu thảm cảnh đau xót này. Tất cả các nơi thờ cúng, không phân biệt đền thờ Hồi giáo hay chùa chiền Phật giáo, đều tràn ngập người đến lễ, cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân được siêu thoát và cầu chúc một năm mới an lành cho nhân loại.

Tôi lại nhớ câu nói của một nhà văn: "Mất mát về người là mất mát lớn nhất". Vâng! Dù là do chiến tranh hay do thiên tai thì sự mất mát về người vẫn là nỗi đau lớn nhất. Nhưng trong nỗi đau ấy, tình người luôn tỏa sáng và tin rằng, gia đình các nạn nhân sẽ cảm thấy ấm lòng hơn khi biết, bạn bè thế giới đang hướng về họ. Tình đoàn kết ấy được thể hiện bằng hành động cụ thể: Số tiền cứu trợ mà chính phủ các nước cam kết đóng góp đã ở mức 500 triệu USD.

Và, cho dù nhân loại còn phải đối mặt với biết bao khó khăn, mất mát, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào một thế giới hòa bình, tràn ngập tình yêu thương và cảm thấy yên lòng khi bên cạnh chúng ta còn có rất nhiều trái tim nhân hậu, những vòng tay nhân ái sẵn sàng che chở cho những mảnh đời bất hạnh.

Cuộc đời này thật đáng sống!

Đinh Hiền
.
.
.