Khi ta "chịu" đọc nhau

Thứ Hai, 08/10/2007, 15:29
Cứ đằng thằng mà nói, trong số hàng trăm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà mỗi dịp hội họp, tay bắt mặt mừng, hỉ hả cười nói với nhau kia, có được bao nhiêu người ta có thể kể tên chính xác một vài tác phẩm (hoặc đặc điểm cơ bản) trong đời sáng tác của họ, dù rằng sách họ in ra, ta đều được biếu, tặng?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, từng nêu thực trạng của việc "lười đọc", trong đó anh đưa ra một hiện tượng mà tôi tin là có cơ sở: ấy là việc một số nhà văn tuy danh nghĩa thành viên Hội đồng chấm giải cuộc thi này, giải thưởng nọ, song lại "lười đọc", từ đó dẫn tới việc nghe theo số đông, kiểu hóng hớt, rồi cứ thế… bỏ phiếu.

Thành ra kết quả tưởng là được quyết định bởi tập thể nhưng lắm khi lại được dẫn dắt theo ý của… một đôi người! Thật ra, việc "lười đọc" không chỉ xuất phát từ cái "tạng" của một số người, mà là căn bệnh chung của nhiều người, và rất phổ biến hiện nay.

Cứ đằng thằng mà nói, trong số hàng trăm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà mỗi dịp hội họp, tay bắt mặt mừng, hỉ hả cười nói với nhau kia, có được bao nhiêu người ta có thể kể tên chính xác một vài tác phẩm (hoặc đặc điểm cơ bản) trong đời sáng tác của họ, dù rằng sách họ in ra, ta đều được biếu, tặng?

Thậm chí, ta có thể bỏ ra rất nhiều thời gian để ngồi bù khú với nhau, chén chú chén anh, song để dành một chút thời gian cho việc đọc nhau hẳn là một việc… hơi "xa xỉ" (?!).

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn đã mất! Tôi biết, sinh thời ông là người rất yêu thơ và đọc của bè bạn cũng khá nhiều. Không thế, sao ông lại "dám" đặt cho tập phê bình, cảm nhận thi ca của mình cái tên "Đi dọc cánh đồng thơ"?

Nhưng, xin lỗi vong hồn nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, tác giả của những câu thơ mà theo tôi là rất tài hoa, hiện trong số những bè bạn thương mến của ông, có nhiều lắm không những người đọc ông kỹ như ông từng đọc họ?

Sở dĩ tôi đặt ra câu hỏi vậy, bởi qua "khảo sát" những bài viết về Trịnh Thanh Sơn in đó đây trên một số báo trước và sau ngày ông tạ thế, bên cạnh những kỷ niệm được nhắc, nhớ một cách xúc động về những ngày cùng vui sống (trong đó không thể thiếu vắng những bữa rượu nghiêng trời lệch đất của thi sĩ họ Trịnh), tôi nhận thấy khá hiếm hoi những câu thơ của ông được trích dẫn kèm bên.

Nói đến đây là tôi lại nhớ tới hình ảnh Trịnh Thanh Sơn thời điểm tôi và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tới thăm (chỉ chưa đầy hai ngày trước khi ông mất). Mặc dù ông nói khào khào rất khó nghe, song người con trai của ông vẫn dịch được ra rằng, ông yêu cầu người nhà lấy sách của ông ra để… tặng khách.

Chúng tôi cảm động đến ứa nước mắt. Mới thấy, ở những giờ phút cuối cùng, thi sĩ họ Trịnh vẫn khát khao được bạn bè chia sẻ với những trang viết của mình như thế nào.

Như ở phần đầu bài đã nói, việc "lười đọc" đã xuất hiện ở cả những nhân vật có chân trong hội đồng xét giải mà việc đọc vốn dĩ không còn là sở thích mà là trách nhiệm của họ.

Hẳn bạn đọc sẽ rất ngạc nhiên về điều này. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi chứng kiến những người tuy không đọc nhưng vẫn có thể nói thao thao về một số "đặc điểm" của tác phẩm. Mà họ thường xuyên làm được như vậy. Phải thừa nhận có những người rất có "tài" về mặt này.

Trước đây, tôi từng được con trai của một trong những người từng giữ cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn kể cho nghe câu chuyện: Bấy giờ là vào thập niên 80 (của thế kỷ XX), tiểu thuyết "Cù lao Chàm" của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ra đời, gây xôn xao dư luận bạn đọc cả nước.

Một cuộc hội thảo được tổ chức xoay quanh sự kiện này. Là một trong những người được mời tham gia phát biểu, song chỉ đến trước thời điểm diễn ra hội thảo chưa đầy một tiếng, ông nhà văn nọ mới lật giở xem qua vài trang của cuốn tiểu thuyết.

Vậy mà, khi vào hội thảo, nghe ông phát biểu một cách say sưa, hùng hồn, ai cũng tin là ông đã nghiền ngẫm cuốn sách này rất kỹ, và ngay từ lúc cuốn sách… mới ra đời.

Riêng người con trai của ông nhà văn thì tự hào cho rằng bố mình có ăng ten rất thính nhạy, chỉ qua một vài ý kiến đề dẫn, ông đã nắm bắt được những đặc điểm cơ bản của cuốn sách.

Cũng có người biết thực hư câu chuyện lại cho rằng, sở dĩ những người nhận thấy phát biểu của ông nhà văn nọ là "sâu sắc" là bởi rất có thể họ cũng như ông, chỉ đọc cuốn sách một cách lớt chớt mà thôi.

Phải chăng, chính từ sự "lười đọc" đó mới đẻ ra hiện tượng có những giải thưởng văn học được trao cho tác giả chứ chưa hẳn là cho tác phẩm? Và đó là nguyên nhân dẫn tới những giải thưởng thiếu thuyết phục, từng bị công luận lên tiếng phê phán... 

Phạm Nhật Linh
.
.
.