Khi sân khấu lại ồn ào thử nghiệm…

Thứ Sáu, 05/07/2019, 08:03
Nếu muốn tiếp cận khán giả, “bắt nhịp” với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, sân khấu không thể không đổi mới. Hàng loạt vở diễn được các nhà hát mạnh dạn đầu tư, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ đưa những thành quả sáng tạo mới nhất lên sàn diễn.


Giữa thời điểm sân khấu còn khó khăn, đây là những điểm sáng, những nỗ lực cần được khích lệ, dù rằng, trong thực tế, có thể không phải tác phẩm nào cũng thu hút được đông đảo khán giả hơn đến với sân khấu.

Ngày 3-7, Nhà hát Múa rối Việt Nam chính thức khởi công vở diễn mới mang tên “Thân phận nàng Kiều”. Dựa theo Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, vở diễn được coi là tác phẩm sân khấu thử nghiệm mới, mang tính đột phá, sáng tạo của các nghệ sĩ khi mạnh dạn đưa nàng Kiều lên sân khấu múa rối.

Cảnh trong vở cải lương “Vì sao lạc xứ”.

“Thân phận nàng Kiều” là cuộc “hợp tác” của dàn nghệ sĩ lão luyện: Tác giả - NSND Lê Chức, nhà văn Nguyễn Hiếu; chuyển thể kịch bản và đạo diễn – NSND Nguyễn Tiến Dũng; họa sĩ tạo hình – họa sĩ Lê Đình Nguyên; trang trí, thiết kế sân khấu – họa sĩ Ngô Thắng; âm nhạc – nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến; biên đạo múa – NSƯT Hồng Phong. Theo ê kíp dàn dựng, vở diễn sẽ tái hiện, khắc họa tính cách từng nhân vật chính một cách khác biệt và nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ múa rối. Nhân vật trong thơ của đại thi hào Nguyễn Du sẽ lên sân khấu múa rối sắc nét nhưng vô cùng gần gũi.

Mọi tình tiết, cảnh trí trong vở diễn sẽ được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, không gian – ánh sáng trừu tượng đặc sắc, mới lạ. Âm nhạc có sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại. Đây cũng sẽ là vở diễn được đặc biệt đầu tư dàn dựng để tham dự Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV năm 2019 tại Hà Nội.

Khởi động sớm hơn, ngay từ đầu tháng 7, Đoàn Nghệ thuật Cải lương thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã “trình làng” tác phẩm mới nhất - vở diễn về Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, con trai vua Hồ Quý Ly, tựa đề “Vì sao lạc xứ”. Đây cũng là thành quả đầu tiên của đoàn kể từ thời điểm thành lập vào quý 1 năm 2019. So với nhiều vở diễn khai thác đề tài lịch sử, “Vì sao lạc xứ” là một “ca khó”.

Như chia sẻ của chính đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thì tư liệu về cuộc đời của nhân vật chính rất ít ỏi. Hồ Nguyên Trừng được nhắc nhớ như là một người có đóng góp rất sớm cho khoa học Việt Nam, cụ thể là người có công phát minh ra súng thần công – thứ vũ khí lợi hại khiến cho quân xâm lược triều Minh phải nể phục.

Ê kip dàn dựng còn quyết tâm biến những hạn chế về tư liệu nhân vật thành lợi thế để thỏa sức sáng tạo, để trí tưởng tượng bay bổng trong quá trình chuyển tải bi kịch của một nhân tài trí thức sinh bất phùng thời, không thể cống hiến, đóng góp cho đất nước.

Một quyết định khác không thể không kể đến trong nỗ lực làm mới sân khấu là chấp nhận mạo hiểm thay đổi đội ngũ diễn viên chính. Thay vì những gương mặt cũ đã lành nghề, quen thuộc với số đông khán giả, trong đợt “ra quân” lần này, Nhà hát Cải lương Việt Nam mạnh dạn sử dụng tới 6 diễn viên mới. Trong đó, có những diễn viên vừa tốt nghiệp trung cấp nghệ thuật đã được giao vai chính.

Quyết định này ít nhiều thể hiện quyết tâm làm mới cho sân khấu cải lương, vừa tạo cơ hội cho những nghệ sĩ trẻ tài năng tỏa sáng, vừa là nỗ lực tìm kiếm nhân tài mới trong bối cảnh người trẻ ngày càng ít mặn mà với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Nhưng, có lẽ, đây cũng là quyết định khiến nhiều người trong cuộc lo lắng nhất.

Khai thác cuộc đời của một nhân vật phức tạp như Hồ Nguyên Trừng trên sân khấu đã khó. Làm sao để chuyển tải thành công hình tượng này trên sân khấu, chuyển tải được những thông điệp mà biên kịch, đạo diễn gửi gắm càng không dễ. Các vai chính này đều rất nặng đối với những diễn viên trẻ.

Thực tế, ngay từ đêm tổng duyệt đầu tiên (1-7) của “Vì sao lạc xứ”, rạp hát của Nhà hát Chèo Kim Mã, Hà Nội chật như nêm. Trên sân khấu, biểu tượng rồng bị chia năm xẻ bảy với đầu rồng bị xích treo lơ lửng, án ngữ khu vực trung tâm trở thành biểu tượng xuyên suốt vở diễn.

Trang phục đẹp, cầu kỳ, cảnh trí sinh động nhưng sân khấu không bị gián đoạn do chuyển cảnh như thường thấy xưa nay, diễn viên ca tốt, ngoại hình đẹp… là những điểm cộng cho vở diễn.

Bối cảnh sân khấu gần như 100% là bên Trung Quốc, triều đại nhà Minh, nơi nhân vật chính – Hồ Nguyên Trừng bị bắt giữ giúp đạo diễn và ê kíp “thoát” nguy cơ bị săm soi kiểu giống hay không giống Việt Nam. Về phía diễn viên, dù lãnh đạo nhà hát đã lên tiếng chia sẻ rằng các nghệ sĩ trẻ và ê kíp đã cố gắng, đã đầu tư kèm cặp tập luyện gấp 3 lần so với thông thường, nhưng diễn xuất còn đuối vẫn là điều khán giả dễ nhận thấy hơn cả.

Sự xuất hiện của những gương mặt đã lành nghề như nghệ sĩ Quang Khải, dù đất diễn ít ỏi, chỉ với khoảng 10 phút trên sân khấu, nhưng đã chuyển tải khá trọn vẹn, tròn trịa hình ảnh ông vua thất thế - Hồ Quý Ly tạo ấn tượng đẹp, song cũng khiến người xem không thể không tiếc nuối, so sánh với những “khoảng đất” rộng dài đang được hào phóng dành cho các gương mặt trẻ.

Đành rằng, nâng niu và tạo điều kiện cho tài năng trẻ tỏa sáng, góp phần bổ sung kịp thời lực lượng sáng tạo mới cho sân khấu truyền thống là cần thiết. Nhưng, nếu vội vã sẽ khó cho cả nghệ sĩ. Bởi xét cho cùng, với khán giả, yếu tố quyết định cuối cùng vẫn là tác phẩm có hấp dẫn, thuyết phục hay không, chứ không phải là việc nghệ sĩ đã nỗ lực ra sao, người làm nghề đã cố gắng thế nào…

N.Nguyễn
.
.
.