Khi người ta... bẻ luật

Thứ Hai, 22/07/2013, 11:02
Chiều thứ bảy tuần rồi, đông đảo phóng viên Hà Nội kéo nhau xuống Ninh Bình, nhưng để xem trận chung kết bóng chuyền VTV Cup giữa ĐT nữ Việt Nam với Giang Tô (Trung Quốc), chứ không phải để xem trận đấu Ninh Bình - Xi Măng Xuân Thành trong khuôn khổ vòng 16 V.League. Ở một buổi chiều mà Hà Nội không có bóng đá, và Ninh Bình có bóng đá, thế mà người ta lại xuống Ninh Bình để xem bóng chuyền, chứ không đoái hoài tới bóng đá là sao?

Lý do thật đơn giản: Trận Ninh Bình – Xi Măng Xuân Thành lẽ ra phải diễn ra ở sân Thống Nhất của Xi Măng Xuân Thành, chứ không phải ở sân Ninh Bình (vì lượt đi, hai đội đã hoà nhau ở Ninh Bình). Nhưng với lý do sân Thống Nhất đang tổ chức thi đấu điền kinh, nên lãnh đạo đội Ninh Bình “xin” ra sân Ninh Bình thi đấu và lời “xin” ấy nhanh chóng được những nhà tổ chức gật đầu. Những thông tin hậu trường cho hay toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở của Xi Măng Xuân Thành trong chuyến Bắc tiến này đều do chủ nhà chi trả.

Trò chuyện với báo chí, HLV trưởng Nguyễn Văn Sỹ của Ninh Bình giải thích đại loại rằng, nếu Xi Măng Xuân Thành không ra đây thì Ninh Bình cũng phải mua vé bay vào TP HCM, cho nên việc trả tiền đi lại cho Xi Măng Xuân Thành là việc có thể dễ dàng chấp nhận.

Thật khôi hài khi Ninh Bình được đá với Xi Măng Xuân Thành cả hai trận trên sân của mình, trong cùng một mùa giải. Ảnh: H.M.

Thì đúng là ở phía Ninh Bình, việc được đá cả hai trận đấu với Xi Măng Xuân Thành trên sân của mình (thay vì một trận đá sân mình, một trận đá sân khách) quả là rất “dễ dàng chấp nhận”, bởi lợi đơn lợi kép như vậy, dại gì mà không chấp nhận. Nhưng với những nhà cầm cân nảy mực V.League, tại sao cũng tồn tại cái tư duy “dễ dàng chấp nhận” hệt như chính họ đang là người Ninh Bình vậy?

Nên nhớ là luật lệ V.League qui định rất rõ ràng: mỗi đội bóng phải gặp nhau hai trận theo thể thức lượt đi/ lượt về trên sân nhà/sân khách. Vì một lý do nào đó mà sân của đội mình không thể tổ chức thi đấu (do cấm vận, do thiên tai…) thì đội bóng ấy phải tổ chức trận đấu trên sân trung lập, chứ không thể kéo tới sân đối phương, đá ở sân đối phương, và được đối phương bao chuyện đi lại, ăn ở từ A đến Z. Đơn cử như năm 2008, khi sân Vinh bị treo sau sự cố khán giả thì trận đấu tiếp theo của Sông Lam gặp ĐT.LA đã diễn ra trên sân Tự Do (Huế), chứ không diễn ra ở sân Long An của ĐT.LA.

Trở lại với trận Ninh Bình – Xi Măng Xuân Thành, ai cũng biết là ở TP HCM không chỉ có mỗi một cái sân Thống Nhất rồi… thôi, thế nên khi sân Thống Nhất bận tổ chức sự kiện điền kinh thì người ta hoàn toàn có thể chọn một cái sân khác cùng địa bàn, thậm chí là một sân khác, thuộc một tỉnh trung lập khác. Hãy thử tưởng tượng là từ giờ trở đi, nếu các đội bóng đua nhau “bắt chước” Xi Măng Xuân Thành để chuyển trận đấu trên sân của mình sang trận đấu trên sân đối phương thì V.League sẽ biến thái như thế nào và luật lệ của một cuộc chơi sẽ bị phá bỏ ra sao?

Mà khỏi nói ai cũng biết, khi đến sân đối phương thi đấu, lại được đối phương bao trọn từ A đến Z, liệu có bao nhiêu đôi chân, bao nhiêu bộ óc dám vào trận với tư tưởng phải quyết thắng đến cùng? Thế nên không lạ khi chiều thứ Bảy vừa rồi, Xi Măng Xuân Thành thua Ninh Bình 2-3, và càng không lạ khi mà nhiều phóng viên Hà Nội khăn gói xuống Ninh Bình chỉ để xem bóng chuyền, chứ không quan tâm nhiều tới bóng đá.

Rõ ràng là những nhà làm giải đã “bẻ luật” khi chấp nhận để Xi Măng Xuân Thành đá cả hai trận đấu với Ninh Bình ở V.League 2013 trên sân Ninh Bình. Cũng như họ đã bẻ luật khi chấp nhận cho đội bóng này đổi tên giữa chừng ở V.League 2012 (từ Sài Gòn FC thành Xuân Thành Sài Gòn), dù luật lệ không cho phép một đội bóng được sử dụng tới 2 cái tên trong cùng một mùa giải.

Tại sao lại có những sự bẻ luật liên tiếp, khôi hài như thế?

Diệp Xưa
.
.
.